Ngăn chặn biến tướng, phản cảm

(ĐTTCO) - Theo một thống kê chưa đầy đủ, hàng năm nước ta có khoảng 8.000 lễ hội truyền thống. Riêng những ngày đầu xuân của tháng Giêng có khoảng 2.000 lễ hội lớn nhỏ, trải dài khắp các vùng miền. Đó là kết tinh của đời sống văn hóa người Việt ngàn đời qua quá trình lao động, sản xuất. Giá trị của lễ hội không ai phủ nhận, nhưng vẻ đẹp của lễ hội đang bị hư hao bởi những tác động khác nhau.

(ĐTTCO) - Theo một thống kê chưa đầy đủ, hàng năm nước ta có khoảng 8.000 lễ hội truyền thống. Riêng những ngày đầu xuân của tháng Giêng có khoảng 2.000 lễ hội lớn nhỏ, trải dài khắp các vùng miền. Đó là kết tinh của đời sống văn hóa người Việt ngàn đời qua quá trình lao động, sản xuất. Giá trị của lễ hội không ai phủ nhận, nhưng vẻ đẹp của lễ hội đang bị hư hao bởi những tác động khác nhau.

1. Khi đời sống vật chất được nâng lên, đời sống tinh thần cũng đòi hỏi nâng lên. Tham gia lễ hội là một hình thức du xuân tích cực. Tuy nhiên, khi lễ hội nghiêng theo xu hướng mê tín dị đoan hoặc manh động lại làm tổn thương đến hình ảnh cộng đồng văn minh. Ngày khai mạc Lễ hội Chùa Hương năm nay đã xảy ra câu chuyện nhà sư tung lộc khá phản cảm. Với bề dày truyền thống và mức độ nổi tiếng của Lễ hội Chùa Hương, hàng ngàn hàng vạn người dân đến đây để cầu an lạc. Thế nhưng, trong kế hoạch khai hội Chùa Hương không hề có chương trình phát lộc. Ở đây, lộc là biểu tượng Phật bà làm bằng nhựa có dây đeo. Ban đầu nhà sư Thích Đạo Trụ phát lộc một cách bình thường, song khi thấy lượng phật tử và du khách quá đông nhà sư Thích Đạo Trụ đã tung lộc về phía đám đông tạo ra màn chen lấn hỗn loạn. Việc phát lộc rất trang trọng, cần được thể hiện đúng lúc và đúng chỗ, chứ không thể tùy tiện vung tay như vậy.

Năm ngoái, hội Gióng ở Sóc Sơn - Hà Nội đã xảy ra cuộc ẩu đả đáng xấu hổ giữa những thanh niên tranh cướp lộc. Năm nay, hội Gióng không có đấm đá nhưng vẫn tồn tại cảnh giành giật bát nháo. Hội Gióng còn có tiết mục rước giò hoa tre rất sinh động. Dù có bảo vệ, nhưng đoàn rước vừa hạ giò hoa tre xuống đền Trình, hàng trăm người dân đã nhảy bổ vào tước đoạt. Và tiếp theo, không khí càng căng thẳng hơn ở phần tranh cướp trầu cau. Phải chăng, có được lộc trầu cau thì sẽ thuận lợi về đường tình duyên, nên không ai nhường ai? Dẫu giải thích bằng lý do gì, hành động dẫm đạp lên nhau để cướp lộc vẫn làm ô uế hội Gióng.

Đến nay, lễ hội được định nghĩa khác nhau, nhưng nền tảng cơ bản nhất vẫn là thiết lập một cầu nối giữa hiện tại và quá khứ. Đến lễ hội để mọi người tìm hiểu và suy ngẫm lại một thời tổ tiên đã sống. Do đó, mọi hành vi tranh lộc đều là biến tướng nguy hiểm của một bộ phận người dân hôm nay. Từ đó, muốn gìn giữ vẻ đẹp lễ hội, phải cần cả 2 yếu tố song hành: phương pháp tổ chức và ý thức công dân.

Hình ảnh tranh cướp lộc tại hội Gióng - Sớc Sơn, Hà Nội.

Hình ảnh tranh cướp lộc tại hội Gióng - Sớc Sơn, Hà Nội.

2. Trong khoảng 8.000 lễ hội hàng năm, có những lễ hội mang tầm vóc quốc gia như Lễ hội Đền Hùng, nhưng cũng có những lễ hội mang tính phô trương tốn kém. Đánh giá cụ thể hơn, có những lễ hội đang mở rộng theo thời gian như Lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh, Lễ hội chùa Bái Đính ở Ninh Bình, Lễ hội Đền Trần ở Nam Định, Lễ hội Bà Chúa Xứ ở An Giang, Lễ hội Ngũ Hành Nương Nương ở Long An, Lễ hội Nghinh Ông ở Cần Giờ - TPHCM… Mỗi lễ hội có một phong cách độc đáo, nếu không chú trọng phát huy mặt tích cực sẽ gây ra những sự bất cập ngoài tiên liệu.

Tháng Giêng được xem như tháng lễ hội, đó là một đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Thế nhưng, khi hội nhập văn hóa quốc tế chúng ta mới thấy nhiều lễ hội đã không còn phù hợp, vì mang tính bạo lực, như lễ hội đâm trâu hoặc lễ hội chém lợn. Thật mừng, khi một lễ hội ở đền Đồng Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã xóa bỏ nghi thức treo cổ trâu. Đây là một thái độ đúng đắn, bởi lẽ thông tư của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch cũng nêu rõ, các địa phương không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác, bao gồm những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam. Cụ thể, mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị; mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; mô tả các hành động tội ác khác.

Để lễ hội không bị biến tướng, TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng: “Có nhiều lễ hội vốn chỉ mang quy mô rất nhỏ, sau đó được nâng tầm, tổ chức lại và đưa thêm vào các sự kiện khác, làm lu mờ hạt nhân phần lễ hội của cộng đồng. Vì thế, cần kiểm kê và nhận diện cho được lễ hội nào thật sự cần thiết, thật sự gắn bó mật thiết với người dân để tiến hành gìn giữ và thực hành lễ hội sao cho vừa văn hóa, vừa hiệu quả, tiết kiệm”.

Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh gây nhiều tranh cãi.
Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh gây nhiều tranh cãi.

3. Vấn đề an ninh trật tự của lễ hội đã và đang là bài toán khó cho nhiều cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, tình trạng lợi dụng lễ hội để bắt chẹt du khách và hành nghề mê tín dị đoan vẫn hoành hành. Một trong những chọn lựa của du khách trong tháng Giêng vẫn là đi chùa. Tuy nhiên, tâm lý “biết là chẳng có Phật đâu, vẫn lòng thanh thản lại sau lễ chùa” đang có nhiều thay đổi không mấy lành mạnh. Đi chùa nhưng khuân vác bao nhiêu lễ vật để cúng bái, hành vi ấy đang làm hoen ố không khí linh thiêng chốn thiền tu. Chưa có quy định rõ ràng về tác phong của người thăm viếng, nên ở nhiều nơi thờ tự, du khách ăn mặc rất phản cảm và có những ngôn từ cực kỳ khiếm nhã. Ngoài ra, những đồng tiền lẻ cúng dường cũng rất tùy tiện. Nhiều người không bỏ tiền vào hòm công đức mà nhét vào đài sen, vào tượng Phật. Do đó, ngôi chùa càng nổi tiếng càng phải chịu đựng nhiều áp lực từ phía khách thập phương.

Đặc biệt, ở các chùa trong tháng Giêng vẫn tái diễn nhiều điều nhiễu nhương, như tình trạng mua bán động vật để phóng sinh và đốt nhang đèn thiếu kiềm chế. Nếu có lòng thành một nén nhang cũng đã đủ bày tỏ cung kính. Nếu mỗi người đốt cả bó nhang to đùng rồi ho sặc sụa vì khói lửa đâu còn sự linh thiêng. GS. Ngô Đức Thịnh nhận định: “Sự hiểu biết của người dân, người quản lý lễ hội chưa đầy đủ vì tâm thức đến với tín ngưỡng, cách thức tiến hành lễ hội phải hoàn chỉnh nếu không sẽ loạn chuẩn. Nếu như con người có tri thức về vấn đề gì đó sẽ có cách làm đúng mực. Thực tế hiện nay, nhiều người không biết mình đang đến đình, đền, chùa nào, thờ ai, đến làm gì, cầu gì… vì vậy sẽ dẫn tới hành vi lệch chuẩn”.

Các tin khác