DN Việt đợi bảo bọc, chờ sung rụng

(ĐTTCO)-Vừa chính thức nắm quyền trong tay, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21-1 đã tuyên bố một chiến lược thương mại nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ, bắt đầu bằng việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

(ĐTTCO)-Vừa chính thức nắm quyền trong tay, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21-1 đã tuyên bố một chiến lược thương mại nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ, bắt đầu bằng việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

Trong bối cảnh việc TPP bất thành đã hiển hiện, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) càng trở nên quan trọng đối với Việt Nam (mặc dù Hiệp định cũng không còn trọn vẹn khi Anh rời khỏi châu Âu với một “Brexit cứng”). Thế nhưng, dù kỳ vọng hiệp định này sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm 2018, dường như Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị kỹ càng để tiếp nhận, chuyển hóa những cam kết đạt được thành lợi thế kinh doanh. Việt Nam vẫn nằm ở nửa cuối bảng xếp hạng môi trường kinh doanh. Đặc biệt, bảo vệ nhà đầu tư là một điểm yếu trông thấy.

Theo Báo cáo chỉ số cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam chỉ đạt 4,7/10 điểm, xếp thứ 100/140 quốc gia về tiêu chí này. Đơn giản hóa thủ tục giải quyết tranh chấp và thực thi hợp đồng tại tòa án là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ nhà đầu tư và tạo dựng niềm tin kinh doanh, nhưng bất chấp yêu cầu của Chính phủ về vấn đề này (từ năm 2014), các hệ thống tư pháp đều không có sự thay đổi đáng kể để cải thiện tình hình.

Khả năng phòng vệ thương mại và bảo vệ sức khỏe của người dân của Việt Nam cũng yếu, trong khi ở chiều ngược lại, nhiều loại hàng hóa của Việt Nam lại chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU, cũng có nghĩa là dù EVFTA đã mở cửa về thuế quan thì hàng Việt Nam cũng khó qua được “lưới lọc” để thẩm thấu vào thị trường khó tính này… Đáng lo ngại hơn, qua khảo sát 120 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề và vùng miền, nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, mặc dù đại đa số (82%) doanh nghiệp đã biết đến sự tồn tại của Hiệp định này, nhưng trong số các doanh nghiệp “có biết”, có đến 69% “chỉ nghe nói nhưng không biết gì hơn” về hiệp định; tỷ lệ “có kiến thức sơ đẳng” là 26%. Số doanh nghiệp tự nhận có kiến thức chuyên sâu chỉ là 5%, một tỷ lệ khá ít ỏi.

Một thực tế không gây ngạc nhiên nhưng thật sự đáng lo ngại - theo các nhà nghiên cứu - là có đến 63% doanh nghiệp cho biết, họ “đã không có bất kỳ hành động nào” đề chuẩn bị sẵn sàng cho EVFTA nói riêng và các FTA trong tương lai nói chung. Có gần 40% doanh nghiệp đã có các giao dịch với EU, thế nhưng đây chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước. Số doanh nghiệp FDI và tư nhân có giao dịch với EU chỉ chiếm 11-12%... Trong khi đó, một tỷ lệ lớn (90%) các doanh nghiệp phản hồi khảo sát hy vọng rằng khả năng cạnh tranh của họ sẽ được cải thiện sau khi Việt Nam ký kết EVFTA và 67% cho rằng môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn, chủ yếu nhờ cải cách thể chế và điều chỉnh chính sách.

Lạc quan là thế, nhưng lại có 78% doanh nghiệp cho rằng họ “cần các biện pháp hỗ trợ cụ thể từ nhà nước”; 72% cho rằng nhà nước “cần có một cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, giải thích, tư vấn cho doanh nghiệp… Số lượng doanh nghiệp tự tin tuyên bố họ sẽ tự chuẩn bị và không mong đợi sự hỗ trợ từ nhà nước là rất nhỏ (5%). Có 1% doanh nghiệp phát biểu rằng, họ không cần chuẩn bị mà cũng chẳng cần nhà nước hỗ trợ.

Thiết nghĩ, năng lực cạnh tranh không tự nhiên mà có. Sự hỗ trợ từ nhà nước trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết, nhưng không thể thay thế được nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp. Nếu cứ đợi được bảo bọc hay “chờ sung rụng” thì quả thật không biết bao giờ các doanh nghiệp Việt Nam mới đủ cao lớn, khôn khéo để “hái” được quả ngọt từ EVFTA!.

Các tin khác