'Thủ phạm' kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất cận Tết

(ĐTTCO)-Những ngày cận tết, các tuyến đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trở thành nỗi ám ảnh cho người dân vì kẹt xe kinh hoàng. Ai ai cũng không khỏi lo lắng trễ giờ máy bay khởi hành.

(ĐTTCO)-Những ngày cận tết, các tuyến đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trở thành nỗi ám ảnh cho người dân vì kẹt xe kinh hoàng. Ai ai cũng không khỏi lo lắng trễ giờ máy bay khởi hành.

 

Theo ghi nhận những ngày qua, nạn kẹt xe khu vực sân bay không còn đơn thuần là giờ cao điểm, mà tình trạng này diễn ra hầu như mọi thời điểm trong ngày. Người và phương tiện cứ chen lấn, ùn ùn nối đuôi nhau di chuyển trong ma trận khói bụi.

Tuyến đường độc đạo Trường Sơn kết nối sân bay với các quận từ trung tâm đến ngoại thành trở nên quá tải. Hàng ngày khi đi qua đây, không khó để thấy cảnh ô tô con, xe tải nhỏ… nhích từng chút di chuyển.

Trong khi đó, xe gắn máy không phân biệt lòng đường hay vỉa hè, chỗ nào trống là chen vào luồn lách di chuyển càng nhanh càng tốt, làm giao thông trở nên hỗn loạn, rối rắm.

Hệ thống giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với các quận huyện từ nội đến ngoại thành TP bằng trục đường Trường Sơn. Tuy nhiên, tuyến đường này hiện không đơn thuần chỉ phục vụ ra vào sân bay mà đã trở thành trục kết nối các Q.Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức với Q.Tân Bình, Q.10 hay Bình Tân…, từ khi tuyến đường mới Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai Ngoài đưa vào sử dụng.

Cho nên, ngoài lượng phương tiện khổng lồ đến sân bay, đường Trường Sơn còn gánh một lượng không nhỏ phương tiện lưu thông qua lại giữa các quận, khiến tuyến đường ùn ứ bấy lâu trở nên quá tải hơn.

Đồng thời, dọc theo trục Trường Sơn hướng vào sân bay hiện có quá nhiều đường nhỏ cắt ngang như Sông Trà, Sông Đà, Tiền Giang, Cửu Long, Hậu Giang... (thuộc P.2, P.4, Q.Tân Bình). Trên những tuyến đường này hiện có rất đông các công ty hoạt động, dẫn đến một lượng xe tải nhỏ liên tục ra vào thường xuyên. Mỗi lượt xe tải từ Trường Sơn rẽ vào đường ngang dẫn đến cắt ngang làn đường, khiến hàng loạt phương tiện di chuyển sau phải đứng bánh theo.

Ngoài ra, qua ghi nhận của Thanh Niên, hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên đường Trường Sơn (đoạn đối diện cổng sân bay) có thời gian đổi màu quá ngắn. Đèn tín hiệu xanh từ đường Trường Sơn (hướng Hoàng Văn Thụ - sân bay) rẽ trái vào sân bay chỉ 25 giây, trong khi đèn đỏ là 42 giây, khiến lượng ô tô không thể di chuyển nhanh vào sân bay làm ùn ứ kéo dài trên đường Trường Sơn. Những giờ cao điểm chiều và tối luôn có lực lượng cảnh sát giao thông tích cực phân luồng nhưng tình hình không được cải thiện.

Theo TS.Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, thì khu vực sân bay kẹt xe nghiêm trọng từ khi Sở GTVT TP.HCM mở trục Phạm Văn Đồng nối kết giao thông TP đi xuyên qua sân bay.

Tình trạng này không chỉ do giao thông ra vào sân bay không mà còn do phương tiện qua lại giữa các khu vực. Những nút giao như Phạm Văn Đồng – Nguyễn Thái Sơn, TP làm rất tốt để giải quyết ùn ứ nhưng lại làm gia tăng áp lực giao thông khu vực sân bay, vì vậy cần phải tính toán xây dựng lại mạng lưới giao thông cả khu vực.

Trong đó, thêm nguyên nhân nữa là lượng taxi ra vào sân bay hiện quá lớn. Mỗi người xuống sân bay hầu hết đều chọn taxi di chuyển, trong khi đường nội ô sân bay nhỏ gây ùn ứ. Sân bay nên có biện pháp hạn chế xe taxi và thay vào đó tăng cường xe buýt công cộng, khi khách vừa ra khỏi nhà ga thì có lực lượng tích cực hướng dẫn khách lên xe buýt nhanh chóng thì có thể giảm áp lực.

“Giao thông khu vực sân bay phải cần một bài toán tổng thể cho cả vùng. Muốn có giải pháp tốt nhất thì các ngành chức năng phải ngồi lại và khảo sát thật kĩ lưu lượng xe để thống nhất. Hiện mỗi ngành đưa ra những giải pháp riêng như: xây cáp treo, cầu vượt, hầm ngầm… thì không biết bao giờ mới giải quyết được”, TS.Phạm Sanh nói.

Các tin khác