Rền vang trống Bình An

(ĐTTCO) - Nằm lặng lẽ trong vùng đất nhỏ thuộc xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, làng trống Bình An đã tồn tại gần 200 năm và sản phẩm trống Bình An đã có mặt trên khắp dải đất hình chữ S.

(ĐTTCO) - Nằm lặng lẽ trong vùng đất nhỏ thuộc xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, làng trống Bình An đã tồn tại gần 200 năm và sản phẩm trống Bình An đã có mặt trên khắp dải đất hình chữ S.

Bí kíp làm trống

Rời thành phố náo nhiệt, chúng tôi tìm đến làng quê bình dị Bình Giã, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Ngay từ những bước chân đầu tiên, những tiếng gõ, đục đều đặn như thúc giục mọi người tiến nhanh hơn. Ghé thăm nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Lương, thường được người dân nơi đây gọi thân thuộc Út Lương, gắn bó với nghề làm trống hơn 50 năm nay, chúng tôi thấy ông đang hì hục bào tấm da trâu để làm mặt trống, đôi tay thoăn thoắt nhuần nhuyễn.

Ông chia sẻ để có được chiếc trống đẹp phải trải qua hơn 20 công đoạn. Mỗi công đoạn đều quan trọng để giúp tiếng trống ấm, hào hùng, vang xa, nhưng công đoạn quan trọng nhất là làm da. Trong đó, chọn da là khâu mang tính quyết định đến việc thành bại của chiếc trống.

Kiểm tra và tăng độ căng của mặt trống.

Kiểm tra và tăng độ căng của mặt trống.

“Khi chọn da trâu nên tránh chọn da bị trầy. Da được cắt theo kích thước mặt trống, rồi ngâm một đêm cho mềm sau đó bào bớt lớp thừa. Khâu này tưởng chừng dễ nhưng thực ra rất khó, đòi hỏi người nghệ nhân phải thật cẩn thận. Bởi chỉ cần lướt lưỡi dao sai hoặc mạnh hơn một chút sẽ làm thủng lớp da hỏng luôn mặt trống. Sự dày mỏng của mặt da, bào nhiều hay ít phụ thuộc vào sự cảm nhận trực tiếp qua bàn tay của người thợ, điều này chỉ có thể đúc kết từ kinh nghiệm và sự nhạy bén chứ không thể dựa vào truyền dạy nghề” - ông Út Lương chia sẻ thêm.

Da trâu được lấy từ vựa về phải chọn những con trâu lớn tuổi và già mới có độ đàn hồi cao. Trung bình giá da tươi khoảng 40.000 đồng/kg, mỗi bộ da khoảng 40-50kg, sau đó đem về phơi khô và xử lý còn lại 15-20kg. Mỗi tấm da trâu có thể làm được 4-8 mặt trống lớn nhỏ khác nhau.

Gỗ để làm trống được làm từ gỗ cây sao. Giai đoạn đầu uốn cong tạo dáng chiếc trống mềm mại, hơ lửa và ghép thành khung trống, rồi tiếp tục phơi thật khô. Công đoạn bịt mặt trống có lẽ cần nhiều sức lực nhất. Đây cũng là khâu quan trọng đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật và tính thẩm âm của riêng từng người thợ. Các nghệ nhân ngày trước đã nghĩ ra cách lập giàn chò để bịt trống. Người thợ sẽ đâm thủng lỗ nhỏ chung quanh vòng tròn miếng da, các ràng gỗ cách nhau 5cm.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lương chọn da trâu để làm mặt trống.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lương chọn da trâu để làm mặt trống.

Dây da trâu được xỏ qua từng lỗ và ngang qua giàn chò để cân bằng mặt trống. Tiếp đến là những kỹ thuật lắp giàn chò, tăng đơ trống, đóng chốt tre, đóng cúc trống và cuối cùng gõ. Mỗi lần gõ, mặt trống được cơi lên, những sợi dây buộc vào tấm da căng dần kéo theo mặt trống căng hết cỡ. Để kiểm tra độ căng này, người thợ phải gõ, ấn bằng tay, thậm chí giẫm, nhảy trên mặt trống. Có lẽ chỉ làng trống Bình An mới có cách làm này bởi mặt da phải thật tốt mới chịu được trọng lượng một người đàn ông khỏe mạnh.

Ông Út Lương cho biết thêm, một bí quyết khác của làng trống Bình An là trong mỗi chiếc trống, người thợ sẽ đặt vài sợi lò xo thép làm âm vang của trống thêm sống động và chỉn chu. Cho đến nay đây vẫn là bí quyết của từng người thợ lão luyện

“Chiếc trống làm xong cần phải được hợp âm chuẩn xác, làm thế nào để đo được âm lượng của trống là kỹ thuật bản năng mà mỗi người thợ phải tự trau dồi, hun đúc cho mình. Thường chỉ có những người say nghề, gắn bó với nghề nhiều năm mới nghe và cảm thụ được đứa con tinh thần mà mình sinh ra” - ông Út Lương đúc kết.

Lặng lẽ tỏa hương

Ông Lương là đời thứ 4 trong dòng họ làm trống. Trước đó ông cố của ông đi học nghề làm trống tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, sau đó về làng làm và cứ cha truyền con nối đến bây giờ. Hiện ông cũng truyền lại cho con trai và con rể trong nhà, thỉnh thoảng trong làng có người đến xin học nghề.

Ông Lương tâm sự: “Học làm trống không phải ngày một ngày hai mà phải học từ từ, làm theo từ từ. Nghề này có đặc thù không thể cầm tay chỉ việc như những nghề khác mà phải tự xem và học theo. Thêm nữa tay nghề cao thấp tùy khả năng mỗi người. Nếu học chăm chỉ phải 3-4 năm mới có thể nắm và làm nhuần nhuyễn được các bước, bởi nhìn qua thấy cách làm khá dễ nhưng bắt tay vào việc thực không đơn giản”.

Làng trống Bình An có khoảng 30 hộ theo nghề với khoảng 100 thợ, làm nhiều loại trống khác nhau. Ông Lương kể rằng sau giải phóng, trong làng ít người làm trống, nhưng sau giai đoạn 1993-1995 lễ hội nhiều nên nghề làm trống bắt đầu phát triển. Vì vậy những thế hệ sau trong làng bắt đầu kết duyên với nghề nhiều hơn và nối tiếp đến bây giờ. Hiện có khoảng 13 loại trống, bao gồm trống chùa (trống sấm), trống chầu, trống nhũ, trống lân, trống cơm, trống cái, trống bóng, trống tiêu, trống đại cổ…

Tất cả được phân phối đi khắp mọi miền cả nước, trong đó tập trung ở miền Trung, Đông Nam bộ và ĐBSCL. Thỉnh thoảng một số Việt kiều về nước tìm mua. Mỗi hộ tự sản xuất một số loại trống phù hợp và tìm cho mình một bí kíp để tạo nét riêng phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Gia đình ông Út Lương chuyên sản xuất loại trống to như trống chùa, trống chầu.

Do tính đặc thù của trống là dùng lâu và nhu cầu sử dụng trống không tập trung theo mùa nên việc sản xuất được tiến hành quanh năm suốt tháng. Ngày nay, cách chế tác trống cũng được cải tiến hơn so với truyền thống, người thợ đã dùng thêm các máy bào, máy cưa nâng cao hiệu suất, sản phẩm làm ra tinh tế hơn. Trung bình, mỗi tháng các hộ làm nghề cũng thu được 15-20 triệu đồng từ làm trống.

Không rầm rộ như những làng nghề khác, cũng không đầu tư quảng cáo thương hiệu cơ sở sản xuất hay cạnh tranh gay gắt, làng trống Bình An cứ thế bình lặng theo đúng nghĩa cái tên gần 200 năm nay. Nhưng tiếng trống vẫn hàng ngày vang rền bay xa khắp mọi miền Tổ quốc và bạn bè 5 châu. 

Các tin khác