Triển vọng nâng hạng, nâng tầm

(ĐTTC) - Trước động thái bán ròng mạnh của NĐTNN trong năm 2016, nhiều ý kiến cho rằng TTCK Việt Nam đang mất dần tính hấp dẫn. Tuy nhiên, với việc thỏa mãn được 2/3 tiêu chí của Morgan Stanley Capital International (MSCI), việc nâng hạng của TTCK sẽ không còn quá xa. Đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút dòng vốn từ NĐTNN.

(ĐTTC) - Trước động thái bán ròng mạnh của NĐTNN trong năm 2016, nhiều ý kiến cho rằng TTCK Việt Nam đang mất dần tính hấp dẫn. Tuy nhiên, với việc thỏa mãn được 2/3 tiêu chí của Morgan Stanley Capital International (MSCI), việc nâng hạng của TTCK sẽ không còn quá xa. Đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút dòng vốn từ NĐTNN.

Mặt bằng giá CP chưa cao

Theo thống kê, VN Index nằm trong xu hướng hồi phục từ đầu năm 2012 cho đến hết năm 2016, với mức tăng 95% (từ 365 điểm lên 665 điểm). Động lực tăng điểm của thị trường trong giai đoạn này được hỗ trợ bởi chu kỳ hồi phục của nền kinh tế, cũng như sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn. Cụ thể, diễn biến tăng điểm mạnh mẽ trên khiến P/E của chỉ số VN Index tăng từ mức 8,7x giai đoạn đầu năm 2012 lên mức 15,9x cuối năm 2016. Tương ứng, P/E của VN Index thuộc nhóm thấp nhất trong số các thị trường mới nổi trong khu vực giai đoạn đầu năm 2012, đã tăng lên top trên ở thời điểm hiện tại. Mặc dù vậy, nếu so với các thị trường đang phát triển như Thái Lan, Indonesia, Philippines, P/E của VN Index vẫn thấp hơn tương đối.

Việc ký kết hợp tác giữa HOSE và HNX nhằm chuẩn bị cho việc hợp nhất một Sở GDCK, tạo thêm sức cho TTCK Việt Nam.

Việc ký kết hợp tác giữa HOSE và HNX  nhằm chuẩn bị cho việc hợp nhất



một Sở GDCK, tạo thêm sức cho TTCK Việt Nam.

Diễn biến trên khiến sức hấp dẫn của TTCK giảm dần nếu chỉ nhìn trong top các thị trường mới nổi, đặc biệt đối với các quỹ ngoại. Có thể thấy, từ năm 2012 đến nay, giá trị mua ròng của khối ngoại trên sàn HOSE giảm dần qua các năm và khối này đã chuyển sang bán ròng trong năm 2016. Theo thống kê, giá trị bán ròng của NĐTNN đạt hơn 7.900 tỷ đồng, nhiều hơn giá trị mua ròng của cả 2 năm 2014 và 2015 cộng lại. Thực tế, kể từ 2013 đến 2015, xu hướng mua ròng của khối ngoại đã giảm dần theo các năm, tương ứng diễn biến tăng dần của chỉ số VN Index. Xét riêng giao dịch trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng mạnh (trên 1.000 tỷ đồng) vào các tháng 1, 4, 8, 9, 11 và 12, trong khi chỉ mua ròng mạnh duy nhất vào tháng 7. Nguyên nhân do VN Index sau giai đoạn tăng điểm mạnh đã không còn nằm trong vùng mua thực sự hấp dẫn. Ngoài ra, động lực bán ròng trong nửa cuối năm còn đến từ làn sóng rút vốn ra khỏi thị trường mới nổi, đón đầu xu hướng tăng lãi suất của Hoa Kỳ và việc mạnh lên của đồng USD.

Mặc dù vậy, với khả năng TTCK Việt Nam được nâng hạng trong tương lai không xa, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế cũng như sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các chuyên gia phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng mặt bằng giá CP của TTCK Việt Nam chưa phải là đắt. Tuy nhiên, hoạt động mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong các năm trước khó có thể được duy trì trong năm 2017 nếu chưa có cơ sở mới tạo kỳ vọng cho câu chuyện nâng hạng của TTCK Việt Nam.

Yếu tố hỗ trợ trong năm 2017

Theo đánh giá của MSCI, TTCK Việt Nam hiện đang được xếp hạng ở nhóm các thị trường sơ khai (frontier market) cùng với các nước như Argentina, Sri Lanka và Bangladesh. MSCI phân loại thị trường dựa theo 3 tiêu chí: mức độ phát triển kinh tế, quy mô và thanh khoản, tiếp cận thị trường. Để được nâng hạng lên thị trường mới nổi (emerging market), tiêu chí mức độ phát triển kinh tế không cần xét đến. Trong khi đối với tiêu chí quy mô và thanh khoản, TTCK Việt Nam đã đạt đủ tiêu chuẩn trong kỳ xét duyệt 6 tháng cuối năm 2016. Bởi với việc cuối năm 2016 và sang năm 2017, nhiều doanh nghiệp lớn đã và sẽ lên sàn, tiêu chí này nhiều khả năng sẽ không phải là vấn đề lớn. Đối với tiêu chí cuối cùng là tiếp cận thị trường đã đạt được một vài bước tiến cụ thể trong thời gian gần đây, như nới lỏng giới hạn sở hữu của NĐTNN, lộ trình triển khai CK phái sinh năm 2017, một số doanh nghiệp đã công bố thông tin bằng tiếng Anh, tăng tính thuận lợi trong việc đăng ký và mở tài khoản của NĐTNN.

Tuy nhiên, theo BVSC, TTCK Việt Nam vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với các thị trường mới nổi khác như Thái Lan, Indonesia, Philippines. Mặc dù triển vọng được nâng hạng khá rõ nét, nhưng quá trình xem xét nâng hạng khả năng sẽ kéo dài và còn khá nhiều vấn đề TTCK Việt Nam cần nỗ lực khắc phục để được MSCI chấp thuận. Trước mắt, trong 2-3 năm tới, nếu đạt được các bước tiến cụ thể, kỳ vọng MSCI sẽ đưa Việt Nam vào danh sách xem xét.

Thực tế, UBCKNN đã chuẩn bị nhiều giải pháp để TTCK sớm được nâng hạng. Theo bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó Chủ tịch UBCKNN, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ Tài chính và Chính phủ về các chính sách phát triển TTCK, UBCKNN đã phối hợp với các sở giao dịch CK, Trung tâm Lưu ký CK và các thành viên thị trường hoàn thiện chính sách cho TTCK. Song song đó, UBCKNN cũng đã thực hiện giảm thủ tục hành chính trong tiếp cận thị trường cho NĐTNN bằng việc áp dụng thủ tục đăng ký mã số giao dịch trực tuyến, giảm thiểu hồ sơ đăng ký giao dịch. Ngoài ra, việc áp dụng Thông tư 155/2015/TT-BTC, ghi nhận nguyên tắc khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiếp cận thông tin của NĐTNN. Hiện nay quy chế công bố thông tin của các sở giao dịch cũng đã hướng đến việc các doanh nghiệp chủ động đăng ký lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Các tin khác