Tăng thuế BVMT với xăng dầu bất hợp lý

(ĐTTC) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) vừa được Bộ Tài chính công bố đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi nó liên quan đến mặt hàng thiết yếu là xăng dầu. Theo đó, một loạt mặt hàng xăng dầu sẽ tăng giá. Việc tăng thuế BVMT với các mặt hàng xăng dầu vào thời điểm này đã hợp lý? Nếu tăng thuế sẽ tác động thế nào đến chi phí vận tải, giá cả và sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước? Xoay quay vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thị trường giá cả, Bộ Tài chính.

(ĐTTC) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) vừa được Bộ Tài chính công bố đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi nó liên quan đến mặt hàng thiết yếu là xăng dầu. Theo đó, một loạt mặt hàng xăng dầu sẽ tăng giá. Việc tăng thuế BVMT với các mặt hàng xăng dầu vào thời điểm này đã hợp lý? Nếu tăng thuế sẽ tác động thế nào đến chi phí vận tải, giá cả và sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước? Xoay quay vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thị trường giá cả, Bộ Tài chính.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, có nên tăng thuế BVMT với mặt hàng thiết yếu xăng dầu và mức tăng như dự thảo từ 3.000-8000 đồng/lít xăng đã hợp lý chưa?

-PGS.TS NGÔ TRÍ LONG: - Với tình trạng môi trường bị ô nhiễm như hiện nay, việc đánh thuế BVMT với xăng dầu là cần thiết. Thuế BVMT nhiều nước đã có, nhưng thuế BVMT với xăng dầu chỉ một số nước áp dụng, không phổ biến. Luật Thuế BVMT được Quốc hội thông qua năm 2010, có hiệu lực từ 1-1-2012, đầu tiên áp mức thuế BVMT mặt hàng xăng là 1.000 đồng/lít xăng, nay đã tăng lên 3.000 đồng/lít. Hồi tháng 6-2016, Bộ Tài chính đã rục rịch định tăng thuế lên mức kịch trần là 4.000 đồng/lít xăng, nhưng dư luận phản đối nên đã bỏ chủ trương tăng thêm thuế vào thời điểm đó. Cũng dễ hiểu, bởi hiện nay trên 1 lít xăng có 4 loại thuế: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế BVMT.

Thực ra, có một số lý do để cơ quan soạn thảo luật muốn tăng thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu: Thứ nhất, dư địa tăng còn quá hẹp. Thứ hai, thuế nhập khẩu ngày càng giảm, đến năm 2024 thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ bằng 0%. Nhưng với 2 lý do này có thể nói là chưa xác đáng, vì nếu tăng thuế BVMT kịch theo khung mới từ 3.000-8.000 đồng/lít xăng, dù mức tăng thuế sẽ theo lộ trình chứ không phải tăng ngay nhưng cũng sẽ tác động rất lớn đến sản xuất và tiêu dùng. Riêng với lý do thứ 2, thuế nhập khẩu xăng dầu giảm cùng với lộ trình tham gia các FTA, làm nguồn thu ngân sách giảm nên phải tăng thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu là không thuyết phục. Bởi thuế nhập khẩu xăng dầu hiện nay khoảng 17%, đến 2024 về 0% thì tính trên giá CIF (giá thành) nhập khẩu xăng dầu tại thời điểm hiện nay khoảng 9.500 đồng/lít xăng, mức thuế nhập khẩu xăng dầu chỉ khoảng 1.615 đồng/lít. Điều này cho thấy việc áp mức thuế BVMT trong tương lai lên tới 8.000 đồng/lít, gần tương đương với giá thành nhập khẩu 1 lít xăng là vô lý. Và nếu lấy lý do thuế nhập khẩu giảm để tăng thuế BVMT như dự thảo luật là không thuyết phục. Hơn nữa, trong năm 2016 nguồn thu từ thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu 41.000 tỷ đồng nhưng mới chi khoảng 10.000 tỷ đồng, tương đương 1/4 tổng thuế thu về. Điều này cho thấy tổng thu cao hơn rất nhiều phần chi ra, nên áp lực tăng thu là không có.

- Nếu tăng thuế BVMT từ 3.000-8.000 đồng/lít xăng như dự thảo luật sửa đổi sẽ tác động đến giá sản xuất, giá cả và sức cạnh tranh của hàng hóa trong thời gian tới?

- Giá xăng dầu tăng đồng nghĩa với vật tư nguyên liệu đầu vào của sản xuất tăng. Đặc biệt đối với người tiêu dùng, việc tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá, giá cả sẽ tăng và lạm phát tăng. Hơn nữa, hiện khả năng phục hồi của DN vẫn còn yếu. Một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và người tiêu dùng là hạ thuế để kích thích phát triển kinh tế. Ngay tại Hoa Kỳ, Tổng thống tân cử Donald Trump cũng khuyến khích phát triển kinh tế thông qua hạ thuế. Khoan sức dân là phải giảm thuế, nhưng giờ chúng ta lại tăng thuế. Điều chỉnh thuế BVMT mặt hàng xăng dầu với mức quá lớn như vậy là không phù hợp.

Không chỉ tăng thuế xăng dầu mà cần xem lại 1 trong 4 loại thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu hiện nay là thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu có phù hợp hay không. Đây có phải mặt hàng không cần thiết và không khuyến khích sử dụng hay không? Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào giá cuối cùng, đồng nghĩa với việc đánh cả vào quỹ bình ổn, cả vào thuế BVMT. Đây là vấn đề bất hợp lý cần phải xem xét, khắc phục.

Thực tế, Việt Nam là một trong số ít nước đánh thuế BVMT vào xăng dầu, nhiều nước trên thế giới không đánh thuế BVMT với xăng dầu. Tại sao ta đã đánh thuế BVMT rồi, giờ lại đưa ra lộ trình tăng thuế với mức quá cao trong thời gian tới như vậy. Ngay với mức thuế 3.000 đồng/lít xăng hiện nay đã là quá cao rồi. Thuế nhập khẩu hiện nay cao nhất là 35%, mức thu thuế BVMT khoảng 3.000 đồng/lít xăng cũng tương đương với 30% giá thành nhập khẩu, giờ tăng nữa là không nên. Tóm lại việc tăng thuế BVMT với xăng dầu thời gian tới theo lộ trình trong dự thảo sẽ tác động đến sản xuất, đến mặt bằng giá cả hàng hóa và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

- Theo ông, nguồn thu thuế BVMT thời gian qua đã được sử dụng đúng mục đích?

- Hiện nay ngân sách khó khăn, nên vừa rồi thu 41.000 tỷ đồng tiền thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu chỉ sử dụng khoảng 10.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nguyên tắc tài chính là phải thu đúng mục đích, không nên trong lúc ngân sách khó khăn lại sử dụng thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu để chi cho những việc khác. Việc chi phải chi đúng mục đích BVMT, thu 10 đồng phải chi ra 8-9 đồng, nhưng hiện 4 đồng chỉ chi có 1 đồng. Còn về hiệu quả của nguồn thu thuế BVMT với các mặt hàng xăng dầu phải có đánh giá cụ thể xem nó có làm thay đổi môi trường không, có cải tạo được môi trường hay không mới thực sự hiệu quả. Hiện chúng ta chi ra 1/4 nguồn thuế, hay chi hết tất cả nhưng không đúng mục đích, lãng phí thì cũng không hiệu quả.

Cần đánh giá tác động thực sự của dòng thuế này có làm thay đổi, có hoàn lại được môi trường như cũ, có làm cho môi trường tốt lên không. Còn nói chung chung về hiệu quả khó xác định được. Đến nay chúng ta chưa có đánh giá cụ thể nào cả, dù chi ra hơn 10.000 tỷ đồng trong năm qua nhưng môi trường vẫn bị hủy hoại, không được cải tạo.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác