Chính sách Donald Trump: Có đáng lo?

(ĐTTC) - Chiến thắng của ông Donald Trump đã làm chấn động những nước phụ thuộc Hoa Kỳ về an ninh và thịnh vượng. Ngày mai 20-1, khi ông tuyên thệ nhậm chức cũng là lúc các đồng minh Hoa Kỳ phải xem xét lại các chiến lược trong mối quan hệ của mình với Nhà Trắng. Trong khi đó nhiều nước cũng lo lắng nếu những lời hứa cực đoan của ông thành hiện thực.

(ĐTTC) - Chiến thắng của ông Donald Trump đã làm chấn động những nước phụ thuộc Hoa Kỳ về an ninh và thịnh vượng. Ngày mai 20-1, khi ông tuyên thệ nhậm chức cũng là lúc các đồng minh Hoa Kỳ phải xem xét lại các chiến lược trong mối quan hệ của mình với Nhà Trắng. Trong khi đó nhiều nước cũng lo lắng nếu những lời hứa cực đoan của ông thành hiện thực.

Tiền hậu bất nhất

Từ sau bầu cử, ông Trump đã có những động thái để xoa dịu những lo ngại như vậy. Chẳng hạn, trước bầu cử ông đề xuất Nhật Bản nên hoặc trả thêm một khoản tiền lớn cho Hoa Kỳ, hoặc tự xây dựng sức mạnh hạt nhân riêng. Nhưng sau khi gặp ông vào ngày 17-11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố “ông Trump là một nhà lãnh đạo tôi có thể tin tưởng”. Katsuyuki Kawai, một phụ tá cao cấp của ông Abe, cho biết các thành viên nhóm chuyển giao của ông Trump đã nói với ông rằng không phải tất cả những nhận xét trước bầu cử của vị tổng thống tân cử đều hiểu theo nghĩa đen.

Tương tự, ông Trump từng nói trong chiến dịch tranh cử rằng Hàn Quốc nên tự lực trong việc bảo vệ mình trước người anh em có vũ khí hạt nhân ở bên kia vĩ tuyến 38. Nhưng trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Park Geun-hye gần đây, ông Trump nói sẽ tăng cường hợp tác an ninh với Hàn Quốc và duy trì một vị thế quân sự “mạnh mẽ, chắc chắn” trong khu vực. Ông Trump cũng từng mô tả NATO là “lỗi thời” và cho rằng Hoa Kỳ chỉ trợ giúp một thành viên bị đe dọa nếu thành viên đó đã đóng phí đầy đủ. Nhưng trong một cuộc gọi với Tổng thư ký của liên minh, Jens Stoltenberg, ông Trump khẳng định NATO “luôn quan trọng” và bàn luận về việc liên minh này nên đối phó với các đe dọa mới như thế nào, chống khủng bố ra sao...

Trước những tín hiệu “lộn xộn” từ ông Trump, thực tế nhiều đồng minh của Hoa Kỳ không biết họ đang đối mặt với điều gì. Thí dụ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cảm thấy bối rối trước cuộc điện đàm của ông Trump với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif. Quan hệ Hoa Kỳ-Pakistan thời gian qua rất căng thẳng vì sự hỗ trợ bí mật của Islamabad đối với Taliban và các nhóm thánh chiến khác. Tuy nhiên, ông Trump gọi ông Sharif là "một người tuyệt vời", rằng ông sẽ đến "đất nước tuyệt vời, nơi tuyệt vời của những người tuyệt vời" và tuyên bố bản thân ông sẵn sàng "đóng bất kỳ vai trò nào ông Sharif muốn để giải quyết và tìm giải pháp cho các vấn đề nổi bật".

Phát ngôn kiểu “bản năng”?

Theo nhà phân tích Thomas Wright của Viện Brookings - một định chế nghiên cứu ở Washington, cách nhìn nhận thế giới của ông Trump dựa trên những quan niệm mà ông đã giữ từ những năm 80 của thế kỷ trước. Vì vậy, nó hoàn toàn khác biệt với cách nhìn nhận của bất kỳ vị Tổng thống Hoa Kỳ nào sau thế chiến 2. “Ông tin rằng Hoa Kỳ đã bị các nước khác “hút máu” thông qua các thỏa thuận mậu dịch và anh ninh” - ông Wright nói. Phân tích những phát ngôn trước công chúng của ông Trump từ 30 năm qua, ông đúc kết Trump tin rằng Hoa Kỳ chả được lợi lộc gì trong những thỏa thuận quân sự ở châu Á hay duy trì binh lính ở châu Âu. Tại Trung Đông, ông cho rằng cần buộc Kuwait trả 1/4 lợi nhuận từ dầu mỏ cho “phí an ninh” và cho rằng Saudi Arabia “không được lởn vởn xung quanh” vì không dưới "chiếc áo choàng bảo vệ Hoa Kỳ".

Các đời Tổng thống Hoa Kỳ từ Jimmy Carter đến Barack Obama thường nhân nhượng để lôi kéo đồng minh trong NATO. Nhưng ông Trump có một sự khác biệt lớn trong quan điểm về chia sẻ gánh nặng. Ông Obama sẽ rất vui mừng nếu mọi thành viên NATO khác thực thi nghĩa vụ như cam kết, chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng (hiện chỉ có Anh, Estonia, Hy Lạp và Ba Lan thực hiện điều này). Nhưng ông Trump dường như muốn các đồng minh ở Tây Thái Bình Dương và châu Âu chịu toàn bộ chi phí duy trì các lực lượng Hoa Kỳ trên lãnh thổ của họ, mà ông cho tốn kém "hàng ngàn tỷ đô la" trong những năm qua.

Theo Mike Green, một cố vấn chính sách ngoại giao của ứng viên tổng thống Mitt Romney, hiện đang làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington: “Trong thực tế, ít khả năng chính phủ Trump sẽ biến các ý tưởng đó thành chính sách. Nhưng sự bất thường trong chiến dịch tranh cử của ông đang khiến các đồng minh của Hoa Kỳ cảm thấy không chắc chắn. Thông thường, đội chuyển tiếp quyền lực sẽ dựa trên những phát ngôn trong khi tranh cử của tổng thống đắc cử để soạn ra một nền tảng chính sách cho chính phủ mới. Nhưng ông Trump không có cố vấn chính sách nghiêm túc nào trước khi đắc cử, hầu hết những phát ngôn theo kiểu “bản năng” về ngoại giao của ông là “không thể triển khai” thành chính sách ngoại giao”.

5 lời hứa hão

Thứ nhất, ông Trump từng tuyên bố sẽ xây bức tường dọc biên giới Mexico để ngăn dân Mễ và bắt người Mexico chịu chi phí xây dựng bức tường. Tuy nhiên, chính bản thân ông Trump cũng thừa nhận một số nơi chỉ có thể làm được hàng rào và một số chỗ không thể xây dựng mà dùng chính thiên nhiên làm vật cản. Nhưng mới đây, báo chí cho biết đội của Trump có kế hoạch xin quốc hội phê chuẩn kinh phí xây tường, tức nó sẽ sử dụng tiền thuế của người Hoa Kỳ, không phải người Mexico như Trump đã hứa.

Thứ hai, Trump từng lôi kéo được rất nhiều người ủng hộ chủ nghĩa bảo thủ dân tộc bằng lời hứa sẽ trục xuất hàng loạt người nhập cư không có giấy tờ. Ông đề nghị thành lập một "lực lượng trục xuất" và khẳng định tất cả những người nhập cư không có giấy tờ có thể bị tống ra khỏi Hoa Kỳ trong vòng 18 tháng đến 2 năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng điều đó là không thể. Vì để làm như vậy, Hoa Kỳ cần trục xuất hàng chục ngàn người/ngày trong suốt 2 năm, nhưng dựa trên các quy trình hiện tại là bất khả thi.

Thứ ba, Trump từng tuyên bố sẽ giới hạn nhiệm kỳ của các đại biểu quốc hội. Tuy nhiên, để làm được điều này phải sửa Hiến pháp và các đại biểu quốc hội cũng chả ai dại gì thông qua điều luật làm tổn hại đến quyền lợi của chính họ.

Thứ 4, Trump từng cáo buộc bà Hillary Clinton đã vi phạm nhiều tội hình sự và ông sẽ khiến bà phải ngồi tù vì những vi phạm đó. Tuy nhiên, chỉ sau khi chiến thắng vài ngày, ông tuyên bố không còn hứng thú với việc buộc đối thủ cũ của mình phải ngồi tù.

Thứ 5, Trump hứa sẽ nhổ bật gốc tư bản và ảnh hưởng của Phố Wall đối với Washington một khi ông vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, cứ nhìn vào dàn nội các do ông chọn lựa, người ta có thể thấy toàn tập trung những nhà triệu phú, tỷ phú tư bản và tài phiệt.

Các tin khác