CDO 31 phiên liên tục giảm sàn

(ĐTTC) - Dù lãnh đạo CTCP Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị (CDO) tuyên bố hoạt động bình thường, nhưng CP của doanh nghiệp vẫn bị bán tháo, khiến cổ đông đang nắm giữ CP thiệt hại nặng. Thậm chí, nhiều người còn lo ngại sẽ mất trắng như trường hợp của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM).

(ĐTTC) - Dù lãnh đạo CTCP Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị (CDO) tuyên bố hoạt động bình thường, nhưng CP của doanh nghiệp vẫn bị bán tháo, khiến cổ đông đang nắm giữ CP thiệt hại nặng. Thậm chí, nhiều người còn lo ngại sẽ mất trắng như trường hợp của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM). 

Vốn hóa giảm 1.000 tỷ đồng

CDO bắt đầu giảm kể từ phiên giao dịch ngày 6-12. Thời điểm này, CDO vẫn còn đứng ở mức cao chót vót 35.000 đồng/CP. Đến phiên giao dịch 18-1, CDO có 31 phiên giảm sàn liên tục và hiện chỉ còn 3.820 đồng/CP. Điều làm cho cổ đông CDO hoang mang, lo lắng là việc nhiều cổ đông nội bộ đang nắm các vị trí quan trọng tại doanh nghiệp liên tục đăng ký bán ra.

Theo thống kê, thời điểm trước ngày CDO lao dốc, vốn hóa của doanh nghiệp này đạt hơn 1.100 tỷ đồng nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn hơn 129 tỷ đồng. Như vậy, tài khoản của cổ đông đang nắm giữ CDO đã bị bốc hơi gần 1.000 tỷ đồng.

 

Trước đó, sau 10 phiên giảm sàn liên tục, lãnh đạo CDO mới có công văn giải trình. Theo nội dung giải trình, nguyên nhân do một số CTCK hạ thấp tỷ lệ margin, đồng thời trên thị trường xuất hiện một số tin đồn xấu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Đình Nhân, Chủ tịch HĐQT CDO, hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp vẫn đang tiến triển rất tốt. Lợi nhuận tính đến hết quý III-2016 đạt 28 tỷ đồng, dự kiến cả năm đạt 47 tỷ đồng. CDO hiện đang hoàn thiện một số thủ tục cuối cùng để tiến hành đầu tư xây dựng khách sạn 4 sao trên diện tích 2,5ha tại Lào. Đây là dự án CDO kỳ vọng mang lại lợi nhuận trong thời gian tới. Ngoài ra, CDO đang lên kế hoạch và bước đầu triển khai hàng loạt dự án bất động sản có vị trí tốt.

Tuy vậy, giải trình này không làm giải tỏa được thắc mắc của giới đầu tư, nên ngày 12-1 vừa qua đích thân ông Nhân đã xuất hiện trước cổ đông và trả lời thẳng về vấn đề NĐT quan tâm. Theo ông Nhân, sự việc này bắt nguồn từ tin đồn ông bị bắt khi ông đang theo học một khóa học quản lý cấp cao tại Hoa Kỳ với thời hạn 3 tháng. Tin đồn này đã dẫn đến việc các CTCK dừng cho vay margin đối với CDO và kéo theo chuỗi giảm sàn của CP này. Ông Nhân khẳng định: “CDO không phải là doanh nghiệp ma. Chúng tôi có dự án, có tài sản và vẫn đang hoạt động bình thường”.

Thận trọng CP tăng nóng

Thực tế cho thấy CDO không phải là trường hợp cá biệt bởi TTCK đã từng chứng kiến những mã CP giảm giá kinh hoàng như TMT, CTCP Ntaco (ATA), CTCP Đầu tư khoáng sản Tây Bắc (KTB), CTCP Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam (FID), CTCP Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bảo Thư (BII), CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu inox Kim Vĩ (KVC), CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu NHP (NHP), CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF). Lý do thường xuất phát từ những thông tin về kết quả kinh doanh bết bát của doanh nghiệp hay tin đồn lãnh đạo bị bắt.

Tuy nhiên, điểm chung thường thấy ở các doanh nghiệp này chính là CP từng tăng nóng trước đó. Lấy dẫn chứng trường hợp của BII. Trước khi lao dốc với kỷ lục 21 phiên giảm sàn liên tiếp, BII đã tăng nóng từ mức giá dưới 10.000 đồng lên hơn 20.000 đồng/CP. Hay như trường hợp TTF, trước khi thiết lập kỷ lục 24 phiên giảm sàn liên tục, TTF cũng ghi nhận kỷ lục tăng giá từ mức 20.000 đồng/CP lên gần 45.000 đồng/CP.

Trở lại với trường hợp của CDO. Sau thời gian dài đi ngang quanh vùng giá 3.0, CDO bất ngờ tăng mạnh trong phiên giao dịch CP phát hành thêm về tài khoản NĐT và chạm mức cao nhất từ khi niêm yết tại 37.200 đồng/CP vào ngày 30-11-2016. Đây chính là hiện tượng rất bất thường, bởi những phiên giao dịch CP về tài khoản áp lực bán ra rất lớn, khiến giá CP có xu hướng giảm.

Từ sự kiện này, giới đầu tư mới ngộ ra câu chuyện tại CDO, nơi các cổ đông nội bộ thường tham gia lướt sóng CP, nhất là sau vụ mẹ của ông Nhân là bà Nguyễn Thị Kim Thu đánh máy nhầm lệnh mua 920.000 CP CDO thành lệnh bán.

Theo thông tin từ CDO, ông  Nhân là cổ đông sáng lập, hiện đang kiêm luôn vị trí Tổng giám đốc của CDO. Thời điểm bắt đầu niêm yết, ông Nhân nắm giữ 2,6 triệu cổ phần (tương đương 13% vốn điều lệ). Sau khi lên sàn được 6 tháng ông Nhân đã bán ra một nửa số CP trên. Ngoài ra, các thành viên HĐQT của CDO cũng liên tục đăng ký mua bán.

Đáng chú ý, trước thời điểm CP CDO lao dốc mạnh, nhiều thành viên trong ban lãnh đạo đăng ký bán ra như ông Nguyễn Đức Tuấn, là bố của thành viên Ban Kiểm sát (ông Nguyễn Tuấn Anh), đã bán thành công 256.000 CP CDO ở mức trên 33.000 đồng/CP. Ngoài ra, bà Vũ Thị Mai Anh, thành viên HĐQT cũng đã bán thành công 278.000 CP CDO vào đầu tháng 11-2016. Gần đây nhất, mẹ ông Nguyễn Quang Minh, Kế toán trưởng, đăng ký mua vào với khối lượng lớn CDO.

Các tin khác