Nguyễn Trường Tộ: Bi kịch tư duy vượt tầm thời đại

(ĐTTC) - Ngày nay, khi nhìn lại những cơ hội đáng tiếc bị bỏ lỡ trên bước đường canh tân, kiến quốc trong thời kỳ phong kiến, để nước ta trở thành quốc gia hùng mạnh sánh vai cùng các cường quốc toàn cầu, người ta hay nhắc đến hai nhân vật đương thời: Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) ở Việt Nam và Fukuzawa Yukichi (1835-1901) ở Nhật Bản. Là những nhà học thuật cách tân có tư tưởng vĩ đại nhưng hai ông có sự khác biệt, một người thành công, một người thất bại. Những tư tưởng về chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục… của Fukuzawa truyền bá đã làm thay đổi toàn diện nước Nhật, trở thành một đế quốc hùng cường. Trong khi ở Việt Nam, những kiến nghị, tấu trình của Nguyễn Trường Tộ đều không được sử dụng. Ông mang tâm tư bất hạnh xa lìa trần thế lúc 41 tuổi, và tư tưởng canh tân - đổi mới của ông cũng bị chìm vào quên lãng…

(ĐTTC) - Ngày nay, khi nhìn lại những cơ hội đáng tiếc bị bỏ lỡ trên bước đường canh tân, kiến quốc trong thời kỳ phong kiến, để nước ta trở thành quốc gia hùng mạnh sánh vai cùng các cường quốc toàn cầu, người ta hay nhắc đến hai nhân vật đương thời: Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) ở Việt Nam và Fukuzawa Yukichi (1835-1901) ở Nhật Bản. Là những nhà học thuật cách tân có tư tưởng vĩ đại nhưng hai ông có sự khác biệt, một người thành công, một người thất bại. Những tư tưởng về chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục… của Fukuzawa truyền bá đã làm thay đổi toàn diện nước Nhật, trở thành một đế quốc hùng cường. Trong khi ở Việt Nam, những kiến nghị, tấu trình của Nguyễn Trường Tộ đều không được sử dụng. Ông mang tâm tư bất hạnh xa lìa trần thế lúc 41 tuổi, và tư tưởng canh tân - đổi mới của ông cũng bị chìm vào quên lãng…

Mưu sự bất thành

...Tôi không đi vào khía cạnh "đổi mới tư duy" mà ông kiên trì, tôi chỉ muốn nhấn mạnh những kiến nghị vì lợi ích của đất nước, mà với tư cách một tín đồ đạo Công giáo đang bị triều đình ngược đãi, dân chúng nghi kỵ. Ông không ngần ngại trình bày, hy vọng nhà vua đảo ngược thế cờ, chuyển nguy thành an, chuyển yếu thành mạnh, chuyển lạc hậu thành tiên tiến cho cả quốc gia đang đứng trước khả năng sụp đổ. Tuy nhiên, Tự Đức không bao giờ cho phép suy nghĩ của ông trở thành hiện thực bởi chúng đụng đến bức tường lạc hậu kinh khủng về học vấn, về khoa học, sự mụ mẫm trong đầu các quan lại cao cấp. Tấm lòng yêu nước thúc đẩy ông nêu ra những gì mình suy nghĩ. Ta quý Nguyễn Trường Tộ ở chỗ đó.

Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng

Nguyễn Trường Tộ sinh trong một gia đình theo Công giáo Roma từ nhiều đời tại làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cha là Nguyễn Quốc Thư, một thầy thuốc Đông y, nhưng mất sớm. Thuở thiếu thời, Nguyễn Trường Tộ học chữ Hán với cha và các thầy trong vùng. Vì thông minh, học giỏi, nên được truyền tụng là "Trạng Tộ". Thế nhưng, ông không đỗ đạt gì, có thể vì ông là người Công giáo nên không được đi thi, hoặc do ông không muốn đi theo con đường khoa cử. Sau khi thôi học, ông mở trường dạy chữ Hán tại nhà, rồi được mời dạy chữ Hán trong Nhà chung Xã Đoài, huyện Nghi Lộc. Tại đây, ông được Giám mục người Pháp Gauthier dạy tiếng Pháp và truyền đạt các môn khoa học thường thức của phương Tây. Cuối năm 1858, ông đi cùng Giám mục Gauthier vào Đà Nẵng tránh nạn phân biệt gia đình Công giáo và sau đó đưa ông sang Hương Cảng và một số nước khác...

Đầu tháng 2-1861, sau khi chiến tranh ở Italia và ở Trung Quốc kết thúc, Đô đốc Léonard Charner được lệnh gom quân ở Trung Quốc về Sài Gòn mở rộng vùng chiếm đóng. Charner đã thuyết phục được một số giáo sĩ Pháp đang lánh nạn ở Hồng Công, trong số đó có Giám mục Gauthier, về Sài Gòn cộng tác. Nhận lời, Giám mục Gauthier dẫn Nguyễn Trường Tộ cùng về làm “từ dịch” (phiên dịch các tài liệu chữ Hán) cho thực dân Pháp.

Trong bài "Trần tình" (viết ngày 7-5-1863), Nguyễn Trường Tộ phân trần: Lúc bắt đầu khởi hấn (năm 1859, lúc quân Pháp chuẩn bị tấn công thành Gia Định), quân Pháp có mời ông cộng tác, nhưng ông một mực từ chối. Sau khi đồn Chí Hòa thất thủ (tháng 2-1861), ông thấy rằng phải tạm hòa theo đề nghị của Pháp, để dưỡng quân và củng cố lực lượng. Chính vì thế Nguyễn Trường Tộ đã nhận làm từ dịch cho Pháp để mong có tiếng nói góp phần vào việc hòa đàm.

Ngày 29-11-1861, Đô đốc Louis-Adolphe Bonard lên thay Đô đốc Léonard Charner, và ông này liền xua quân mở rộng cuộc chiến chiếm đóng Đông Nam bộ. Thấy vậy, Nguyễn Trường Tộ bèn xin thôi việc. Sau khi thôi việc, Nguyễn Trường Tộ đã dồn hết tâm trí vào việc thảo kế hoạch giúp nước. Nhờ sự hiểu biết sâu rộng về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật... đến đầu tháng 5-1863, ông đã thảo xong 3 bản điều trần gửi lên Triều đình Huế là: "Tế cấp luận", "Giáo môn luận" và "Thiên hạ phân hợp đại thế luận"; nhận thức sâu sắc bối cảnh và khuynh hướng vận động chung của thế giới thời bấy giờ.

Song tất cả bản điều trần đều không được phúc đáp. Đầu năm 1864, ông lại gửi cho Đại thần Trần Tiễn Thành bản điều trần nữa để thuyết phục Triều đình Huế nên tạm hòa với Pháp và mở rộng bang giao. Cuối năm 1864 cho đến đầu năm 1865, Nguyễn Trường Tộ đã gửi liên tiếp 3 bản điều trần nữa cho Đại thần Trần Tiễn Thành, và 2 bản điều trần cho Đại thần Phạm Phú Thứ, để nhờ đưa các vấn đề quan trọng lên vua và triều đình. Nhưng đề xuất của ông không được thi hành, ông chán nản và xin về Nghệ An (ngày 10-4-1866).

Nguyễn Trường Tộ (1830-1871).

Nguyễn Trường Tộ (1830-1871).

Tài cao, mệnh bạc 

Ngày 15-9-1866, phái đoàn Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ vào Sài Gòn. Trong thời gian lưu lại, hai ông đã có những cuộc tiếp xúc với Đô đốc Lagrandière và Lãnh sự Tây Ban Nha để nắm tình hình theo yêu cầu của triều đình. Sau đó, Nguyễn Trường Tộ đã có 6 bản báo cáo gởi về Huế. Qua các văn bản này, ông trình bày cho triều đình thấy là có sự khác nhau giữa ý đồ của Pháp soái (tức Đô đốc Lagrandière) ở Sài Gòn và chính sách của chính phủ ở Pháp. Pháp soái muốn bằng mọi cách thôn tính 6 tỉnh Nam Kỳ và áp đặt trên phần đất còn lại của Việt Nam một hiệp ước bảo hộ; trong khi ấy ở chính quốc có nhiều dư luận chống đối các cuộc phiêu lưu quân sự ở các vùng đất xa xôi...

Sau mấy tháng ở Huế, có thể vì không có việc gì để làm, hoặc vì bệnh cũ tái phát, Nguyễn Trường Tộ đã xin phép trở về Nghệ An. Giữa năm ấy, ông về lại Xã Đoài, và đến ngày 22-11-1871 thì đột ngột từ trần. Lúc ấy, ông mới 41 tuổi. Con ông là Nguyễn Trường Cửu, cho biết trước khi mất, ngày 10-10, ông Tộ làm câu thơ rằng:

Nhất thất túc thành thiên cổ hận

Tái hồi đầu thị bách niên cơ

(Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận

Ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm)

Là một nhà khoa học canh tân, Nguyễn Trường Tộ đã có 58 bản kiến nghị, tấu trình gửi triều trình (liên tục trong vòng 10 năm), với những đề nghị tâm huyết nhằm góp phần đưa đất nước thoát khỏi tình trạng phong bế, lạc hậu và tạo nên sự thay đổi lớn lao bên trong, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhìn vào nội dung các bản điều trần, chúng ta nhận thấy Nguyễn Trường Tộ đã đi trước, và vượt lên trình độ của các tầng lớp trí thức nho sĩ đương thời. Song thật tiếc, những điều tâm huyết ấy lại không được chấp nhận. Những tấu trình của Nguyễn Trường Tộ và sự đợi chờ của ông chỉ là vô vọng. Không những thế, ông lại còn bị triều đình nghi ngờ có quan hệ, làm việc cho Pháp, là tín đồ Công giáo bị phân biệt đối xử lúc bấy giờ.

Ngày 8-5-1863 ông đã viết bản “Trần tình” bộc lộ những suy nghĩ và khát vọng của mình về thế cuộc, giãi bày tấm lòng mình: "Sau khi tướng Bonard sang, tôi thấy ông ta có những hành động ngược lại sự bàn hòa, tình thế đã khó lại khó thêm, tôi mới quyết ý xin thôi không làm nữa. Họ không chịu xét. Tôi nhất định từ, không nhận bổng lộc, ai cũng cười là ngu. Mặc dầu họ có sai người đến cố nài ép trao cho tôi, tôi cũng bỏ đi. Thấy lòng tôi quyết định, chí tôi vững, họ lại đem quan chức ra dụ tôi. Tôi nói: Nhận quan chức thì được bổng lộc, không nhận thì dù bần cùng đến phải làm đứa ăn xin chứ không chịu theo mà phụng sự cho họ".

Mặc dù không được triều đình trọng dụng, nhưng lòng ông vẫn mong được phò vua, cứu dân. Tấm lòng ấy thể hiện rất rõ qua những bài thơ ông để lại:

Mặt trời cho dẫu không soi đến

Hướng dương xin vẫn nếp hoa quỳ

Di sản kiến quốc lưu danh

Nguyễn Trường Tộ cả một đời vì đất nước, vì Nhân dân nhưng khao khát của ông không hề được toại nguyện. Ông ra đi giữa tuổi xanh tràn đầy nhiệt huyết. Thiết nghĩ nếu ông chưa vội ra đi, nếu những bản điều trần đó được thực thi, lịch sử Việt Nam sẽ có những bước ngoặt lớn: không lâm vào cảnh mất nước, nhà tan, đời sống Nhân dân bớt khốn khổ, đất nước không bị tụt hậu như đã có trong lịch sử.

Fukuzawa Yukichi (1835-1901).

Fukuzawa Yukichi (1835-1901).

Giới nghiên cứu và phân tích hậu thế đã đánh giá cao di sản của ông trong nội dung các tấu trình với triều đình. Về chính trị, ông trình bày những chiến lược cơ bản trong "Thiên hạ phân hợp đại thế luận" (1863) và đề xuất "Kế ly gián giữa Anh và Pháp" (1866). Không hề ảo tưởng về dã tâm của thực dân Pháp, nhưng ông rất sáng suốt chủ trương tạm hòa hoãn với Pháp, gợi ý với nhà vua về lợi ích lớn của việc "Mở rộng quan hệ với Pháp và các nước khác". Về tăng cường sức mạnh triều chính, Nguyễn Trường Tộ đề nghị triều đình tinh giản bộ máy chính quyền để đỡ hao tốn công quỹ, xác định rõ chức năng công việc của từng loại quan lại để giảm những người ăn lương mà không biết làm gì. Mặt khác, nên có chính sách đối với những nho sinh để họ không thể dựa vào chút chữ nghĩa, trốn tránh nghĩa vụ đối với nước nhà. Ngoài ra, muốn cho đội ngũ viên chức giữ được thanh liêm phải tạo điều kiện cho họ làm giàu chính đáng...

Để phát triển đất nước, Nguyễn Trường Tộ đề nghị chấn hưng "nông, công, thương nghiệp" để làm cho dân giàu nước thịnh, bằng những hành động cụ thể như: tổ chức khai hoang, bảo vệ rừng, thành lập các đoàn tàu đem hàng nông sản đi bán, cử người thăm dò tài nguyên, khai thác mỏ, thành lập các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và đào tạo thợ kỹ thuật… Ông đề nghị cải cách "việc học, việc thi" để chọn được nhân tài hữu ích. Không nên tiếp tục lối học "máy móc, tín điều" kiểu Trung Hoa. Đáng chú ý là việc ông đề nghị đem các môn khoa học vào trong chương trình học, nhất quyết phải dùng quốc văn (chữ Nôm) để dạy học và soạn sách, kể cả trong các giấy tờ hành chính.

Họa xâm lấn biển Đông cũng được ông phân tích cặn kẽ, đề ra giải pháp cách đây gần 150 năm. Trong bản điều trần gửi vua Tự Đức ngày 10-4-1871, Nguyễn Trường Tộ viết: “Mấy năm gần đây, sở dĩ nước ta mỗi ngày thêm nhiễu nạn cướp biển là vì Trung Quốc thịnh vượng ngành mậu dịch. Họ tạo được nhiều tàu tuần dương chạy máy và các tàu buôn, nhà binh của phương Tây qua lại biển Đông như mắc cửi. Nay nếu ta mua được 5-6 chiếc thuyền máy chắc chắn, mỗi thuyền có độ 10 khẩu đại pháo lớn nhỏ. Rồi lại thuê người Anh, người Pháp trông nom máy móc, tập bắn, hợp cùng lính của ta vừa đi tuần, dàn thành chữ nhất đi từ Nam ra Bắc và ngược lại, gặp thuyền phỉ đều bắt hết, sung công. Thuyền máy của ta tập hợp lại phá hủy sào huyệt thuyền giặc, giặc sẽ tan vỡ, khó có thể xâm nhập nội địa được”.

Những tư tưởng của ông đã tiến rất gần tư tưởng tiến hóa luận của phương Tây. Có thể nói, những cách nghĩ, cách nhìn cởi mở và táo bạo hàng thế kỷ về sau vẫn đáng suy gẫm. “Nguyễn Trường Tộ quả là một con người có trí thông minh, nhìn xa thấy rộng, có khả năng ứng dụng vào thực tế vốn liếng tri thức uyên bác cũng như những điều mình sở đắc. Tiếc thay, ông lại "sinh không gặp thời", do đó ông đã không thực sự đóng một vai trò nào trong lịch sử, ngoài vai trò "làm chứng về tấm lòng của một con người, về vận hội của một đất nước" - GS. Nguyễn Huệ Chi nhận xét.

GS. Nguyễn Hữu Tá nêu nhận xét: “Ở tuổi 30, Nguyễn Trường Tộ đã có một vốn kiến thức rộng và sâu cả về phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Với tiềm lực chất xám rất quý như thế, nếu ông được tin dùng, được tạo điều kiện để hoạt động, tình thế có thể sẽ rất khác. Bi kịch của Nguyễn Trường Tộ, ngẫm ra là một nghịch lý khó tin nhưng có thật. Yêu nước nhưng không thể giúp nước vượt qua đại họa ngoại xâm; thực sự có tài năng xuất chúng nhưng vấp phải vật cản quá lớn - sự trì trệ bảo thủ, dị ứng với chủ trương duy tân, tự cường của triều đình Tự Đức và sự nghi ngờ dai dẳng của họ với người theo đạo Công giáo”.

Trông người lại ngẫm đến ta

Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi sinh cùng thời đại, có tầm nhìn thông tuệ, hai nước lại ở xa nhau trong điều kiện thông thương vô cùng gian nan lúc đó, nên không thể nói “học bài” lẫn nhau. Điểm lý thú là cả hai đều có tư tưởng tiến bộ, tâm huyết canh tân đất nước và nhiều quan điểm rất tương đồng.

Do tinh thông nhiều ngoại ngữ, được đi nhiều nước nghiên cứu tình hình thế giới nên hai nhà học giả - trí thức đương thời này đều nhận thức được các nước trong khu vực châu Á mới ở mức "bán văn minh", không thể là tấm gương nước mình học hỏi. Trong bài "Thoát Á luận", Fukuzawa kêu gọi nước Nhật hãy "tách ra khỏi hàng ngũ các nước châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây". Ông chủ trương mở cửa giao thương với phương Tây, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm quản lý xã hội của phương Tây để phát triển Nhật Bản. Quan điểm này của Fukuzawa đã được chứng minh bằng thực tế: Ở châu Á, chỉ có Nhật Bản và Thái Lan, hai nước chủ trương mở cửa, là tránh được sự xâm lược và thôn tính của các nước phương Tây. Chính sự du nhập của những giá trị dân chủ và nền giáo dục khoa học kiểu phương Tây đã khiến Nhật Bản không bị phương Tây xâm lược, mà ngược lại, trở thành cường quốc từ cuối thế kỷ 19.

Fukuzawa và Nguyễn Trường Tộ đều cho rằng giáo dục là cách duy nhất để đạt tới văn minh, bởi bản chất của văn minh là sự phát triển kiến thức và đạo đức nội tại của dân tộc. Cả hai cùng phê phán lối học “tầm chương trích cú”, “máy móc, giáo điều” theo kiểu Trung Hoa đã cản trở sự phát triển: Nó vừa cổ hủ vừa chậm phát triển, hàng nghìn năm vẫn không thay đổi, chỉ coi trọng hình thức bên ngoài giả tạo mà coi thường chân lý, không khuyến khích phát triển tư duy sáng tạo và độc lập. Chính vì vậy, cả hai đều kêu gọi người dân hãy theo đuổi nền giáo dục thực học của phương Tây, dựa trên nền tảng khoa học và kỹ thuật, từ đó đóng góp sức mình vào phát triển xã hội, không phải học để ra làm quan theo lối suy nghĩ truyền thống Nho học hủ lậu.

Nguyễn Trường Tộ mất khi còn khá trẻ. Những tư tưởng cách tân của ông bị chôn vùi, triều đình vẫn duy trì tư tưởng bảo thủ “bế quan tỏa cảng” và chỉ tin vào chính mình, dẫn đến đất nước suy vong, bị xâm chiếm hàng thế kỷ. Trong khi đó ở Nhật, Fukuzawa Yukichi với những tư tưởng cách tân của mình, đã tác động đến triều đình và cả các tầng lớp trong xã hội. Ông được công nhận là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Nhật Bản cận đại, đã làm thay đổi toàn diện nước Nhật và tiến lên trở thành cường quốc thế giới.

Cả hai nhà trí thức phong kiến đều có kinh nghiệm học được từ người phương Tây qua sách vở và những chuyến thị sát. Điểm khác nhau dẫn đến thành công/thất bại, là do Nguyễn Trường Tộ chỉ một mực tâu báo triều đình, còn Fukuzawa Yukichi thì nhiệt huyết truyền bá những tư tưởng tiến bộ bằng mọi cách có thể. Fukuzawa đã tách mình ra khỏi hệ thống chính trị cuối thời Mạc phủ Edo, thầm lặng dịch và viết sách. Tài năng văn chương trác việt cùng tầm nhìn sâu rộng, sự đánh giá sắc sảo thể hiện qua các trước tác của Fukuzawa, đã cuốn hút mối quan tâm không chỉ của giới trí thức mà cả những người dân thường. Bản thân ông đã tiên phong nêu gương về tinh thần độc lập, đề cao thực học, thực hiện cải cách bằng việc mở trường Keiō-gijuku, trường đại học tư thục hiện đại đầu tiên và hiện nay vẫn là một trong những trường đại học tư lớn, có chất lượng giáo dục uy tín hàng đầu của Nhật Bản. Đây chính là nguồn cung cấp nhân tài về chính trị, khoa học, giáo dục với những tri thức tiên tiến khi Nhật Bản chuyển mình sang thời đại mới, thời kỳ Minh Trị.

Với trí tuệ và tầm nhìn sắc sảo, Fukuzawa và Nguyễn Trường Tộ  đều nhận định văn minh phương Tây phát triển hơn châu Á về nhiều mặt, và các nước châu Á khó lòng duy trì được nền độc lập nếu cứ đóng cửa trước văn minh phương Tây. Bởi lẽ, giành được quyền tự trị chưa phải đã là độc lập, mà nền độc lập thật sự chỉ có thể thành hiện thực thông qua việc trở thành một quốc gia tiên tiến và văn minh. Đây chính là “giọt lệ ngàn thu” đối với những nước bỏ lỡ cơ hội, tầm nhìn hạn hẹp trong bối cảnh thế giới xoay chuyển không ngừng.

Các tin khác