Trách nhiệm nhà mạng

(ĐTTCO) - Những ngày qua, cả 3 tuyến cáp quang biển quốc tế kết nối vào Việt Nam bao gồm AAG, APG và IA đồng loạt gặp sự cố, làm suy giảm lưu lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế. Mặc dù không phải là sự cố quá nghiêm trọng, làm đứt hoàn toàn kết nối internet đi quốc tế của Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng này và ảnh hưởng đến hầu hết doanh nghiệp internet của Việt Nam.

(ĐTTCO) - Những ngày qua, cả 3 tuyến cáp quang biển quốc tế kết nối vào Việt Nam bao gồm AAG, APG và IA đồng loạt gặp sự cố, làm suy giảm lưu lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế. Mặc dù không phải là sự cố quá nghiêm trọng, làm đứt hoàn toàn kết nối internet đi quốc tế của Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng này và ảnh hưởng đến hầu hết doanh nghiệp internet của Việt Nam.

Khi sự cố xảy ra, các doanh nghiệp internet Việt Nam đã phải chuyển sang hướng kết nối cáp quang trên đất liền và kết nối vệ tinh. Tất nhiên, dung lượng kết nối qua các tuyến này không lớn như tuyến cáp quang biển. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet lớn như VNPT, Viettel, FPT, CMC đều khẳng định đã triển khai các phương án dự phòng và vẫn đảm bảo dung lượng kết nối quốc tế cho khách hàng. Song thực tế những ngày qua, các dịch vụ liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế (truy cập web, e-mail, thoại, video…) đều bị ảnh hưởng.

Có thời điểm không kết nối được, khiến giao dịch với đối tác nước ngoài bị gián đoạn, thậm chí có nguy cơ thua lỗ do sự cố này. Nguyên nhân sự cố cáp quang biển khá nhiều, như do tàu bè đi lại, thả neo vướng vào cáp; do động đất, sóng thần... Nhưng với tuyến cáp AAG, từ ngày đi vào hoạt động (11-2009) đến nay, tần suất gặp sự cố khá lớn, hầu hết đều không phải nguyên nhân tự nhiên. Tính từ đầu năm 2014 đến, nay AAG đã gần 10 lần gặp sự cố và lần nào cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết nối internet đi quốc tế của Việt Nam. Bởi có thời điểm AAG chiếm đến 70% dung lượng kết nối quốc tế của Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng có thể quá trình khảo sát, xây dựng và vận hành AAG chưa thật tốt, nên mới thường xuyên xảy ra như vậy. Còn APG mới được đưa vào sử dụng tháng 12-2016 và là tuyến cáp quang biển có độ dài và dung lượng lớn nhất khu vực châu Á. Việc vận hành APG được xem để bớt phụ thuộc vào AAG. Thế nhưng, APG đã gặp sự cố ngay khi mới đưa vào vận hành (các doanh nghiệp internet lớn như Viettel, VNPT, FPT đều tham gia đóng góp kinh phí xây dựng). Tuyến IA có dung lượng thấp hơn 2 tuyến kia và hiện chỉ có Viettel tham gia khai thác.

Hiện nay, Viettel đã gửi tin nhắn cho khách hàng thông báo sự cố đứt cáp biển khiến các kết nối internet ra nước ngoài bị chậm, chập chờn và “mong khách hàng thông cảm”. VNPT thì cho biết đang triển khai các biện pháp nhằm duy trì dịch vụ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt cho khách hàng; thời gian khắc phục dự kiến từ ngày 23-1 đến 7-2-2017… Tuy nhiên chưa có nhà mạng nào đưa ra thông báo việc đền bù, hay biện pháp bảo đảm quyền lợi khách hàng trước các sự cố này. Thực tế này được xem là “chuyện thường tình” ở Việt Nam, khi trong quá khứ hàng loạt sự cố cáp quang biển từng xảy ra, nhưng không nhà mạng nào thực hiện việc đền bù cho khách hàng, ngoài việc mong thông cảm và cho rằng đó là chuyện bất khả kháng. Một lời xin lỗi chính thức, qua SMS hay các phương tiện thông tin đại chúng là điều các nhà mạng nên gửi đến cho khách hàng của mình khi sự cố xảy ra, nhất là sự cố đã xảy ra đến 3 lần. Thậm chí cần phải tính đến việc đền bù thiệt hại cho khách hàng, bởi khách hàng khi đăng ký dịch vụ và trả tiền cước hàng tháng là để được sử dụng tốt nhất, đảm bảo những nhu cầu làm ăn, kinh doanh hay giải trí của mình. Tiền cước, tiền dịch vụ nhà mạng vẫn thu đủ hàng tháng, nhưng dịch vụ kém, chập chờn… cách hành xử như trên liệu có sòng phẳng?

Câu hỏi đặt ra có phải ngẫu nhiên cả 3 tuyến cáp quang biển kết nối dung lượng quốc tế của Việt Nam cùng lúc bị sự cố? Chúng ta sẽ phải chờ câu trả lời từ các cơ quan chức năng và nhà điều hành các tuyến cáp quang này. Nhưng việc tuyến AAG liên tục gặp sự cố ở vùng biển Vùng Tàu trong những năm qua là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng. Việc khắc phục sự cố là chuyện của những nhà mạng với đối tác, còn khách hàng, điều họ quan tâm là quyền lợi của mình khi trả tiền sử dụng các dịch vụ. Khách hàng có thể chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhưng không phải với tình trạng các sự cố liên tiếp xảy ra. Doanh nghiệp luôn nói “khách hàng là thượng đế” nhưng trong sự cố cáp quang biển này, người dùng internet ở Việt Nam chỉ là con “tép biển”!

Các tin khác