Rào cản kinh doanh đầu vào nông nghiệp

(ĐTTCO) – Giảm giá đầu vào, bảo đảm quyền tài sản và quyền hợp đồng, kéo dài thời gian sử dụng đất… là những vấn đề chuyên gia cho rằng cần tháo gỡ tại hội thảo “Các rào cản đối với kinh doanh đầu vào trung gian nông nghiệp” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức ngày 12/1.

(ĐTTCO) – Giảm giá đầu vào, bảo đảm quyền tài sản và quyền hợp đồng, kéo dài thời gian sử dụng đất… là những vấn đề chuyên gia cho rằng cần tháo gỡ tại hội thảo “Các rào cản đối với kinh doanh đầu vào trung gian nông nghiệp” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức ngày 12/1.

 

Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng muốn sản xuất nông nghiệp hiệu quả thì phải giảm được giá hàng hóa đầu vào (thuốc phòng trừ sâu, bệnh, phân bón, giống cây, con các loại...) để sản phẩm nông nghiệp tăng sức cạnh tranh.

Ở lĩnh vực đầu tư, lý giải nguyên nhân việc đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết các nước trên thế giới thường ưu tiên bảo hộ quyền tài sản, quyền hợp đồng một cách toàn vẹn và lâu dài.

Các biện pháp như ưu đãi, hỗ trợ, định hướng thị trường chỉ là bước thứ hai sau khi đã bảo đảm quyền tài sản và quyền hợp đồng. Nhưng Việt Nam lại quá chú trọng vào các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ, định hướng thị trường, thậm chí làm thay thị trường. Còn quyền tài sản và quyền hợp đồng lại chưa được bảo đảm.

Ví dụ về quyền tài sản đối với đất đai, ông Đậu Anh Tuấn cho biết quy định về hạn điền làm manh mún ruộng đất, khó áp dụng khoa học công nghệ. Như vậy sẽ làm tăng chí phí sản xuất, khiến chất lượng sản phẩm không đồng đều. Bên cạnh đó, thời hạn sử dụng đất, thu hồi đất nông nghiệp làm tăng rủi ro cho chủ đầu tư, giảm động lực đầu tư dài hạn.

“Cần mở rộng, tiến tới việc kéo dài thời gian sử dụng đất và có những quy định về việc tiếp tục sử dụng đất sau khi hết thời hạn, đồng thời hạn chế các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Nêu ý kiến về những rào cản trong khảo nghiệm, công nhận giống cây trồng mới, bà Trần Thị Thanh Nhàn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết công tác nghiên cứu điều tra cho thấy quy trình cấp phép còn phức tạp (phải được công nhận 2 lần, 4 hội đồng thẩm định, khảo nghiệm giá trị canh tác…) nên phải mất 3,5-5 năm với cây ngắn ngày và 5-6 năm cho cây dài ngày (dài hơn từ 2-4 năm so với các nước trong khu vực).

Bên cạnh đó, quy định cũng yêu cầu phải có xác nhận của cơ quan địa phương. Điều này sẽ phát sinh thêm chi phí của doanh nghiệp, tạo cơ chế xin-cho, đồng thời cũng gây khó cho địa phương trong quản lý. Việc quy định về diện tích sản xuất thử cũng không hợp lý, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Về vấn đề trên, GS.TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam kiến nghị trong khảo nghiệm giống, không cần qua bước công nhận sản xuất thử; việc khảo nghiệm giá trị canh tác và tính khác biệt có thể tiến hành đồng thời; chỉ công nhận giống quốc gia với một số cây trồng chủ lực.

Theo ông Trần Đình Long chúng ta vẫn nghiên cứu theo kiểu bao cấp vì các đề tài dự án vẫn chưa được khoán đến sản phẩm cuối cùng. Ngay chủ nhiệm đề tài cũng chưa có quyền phát huy được sự sáng tạo.

Bên cạnh đó, trong khi các phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Nhà nước được đầu tư cơ sở vật chất rất tốt nhưng các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân… không thể tham gia. Vì vậy, nên tháo gỡ rào cản này.

Các tin khác