VGT không như kỳ vọng

(ĐTTCO) - Trước khi Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chào sàn UPCoM, giới đầu tư đặt kỳ vọng vào doanh nghiệp hàng đầu của ngành dệt may hiện nay. Tuy nhiên, mã VGT của Vinatex lại bất ngờ lao dốc mạnh chỉ sau 1 phiên tăng điểm ngày chào sàn.

(ĐTTCO) - Trước khi Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chào sàn UPCoM, giới đầu tư đặt kỳ vọng vào doanh nghiệp hàng đầu của ngành dệt may hiện nay. Tuy nhiên, mã VGT của Vinatex lại bất ngờ lao dốc mạnh chỉ sau 1 phiên tăng điểm ngày chào sàn. 

Chuỗi hoạt động hoàn chỉnh

Vinatex sở hữu rất nhiều quyền sử dụng đất có giá trị cao, đặc biệt là nhiều lô đất vàng có diện tích lớn tại Hà Nội. Đây có thể là lý do chính giải thích vì sao nhiều NĐT kỳ vọng VGT lên sàn. 

Vinatex là doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng sau khi bán 46,1% phần vốn cho cổ đông bên ngoài, bao gồm 2 NĐT chiến lược là Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn VID Group. Là tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên cổ phần hóa thành công, Vinatex hoạt động dưới mô hình công ty mẹ - công ty con với 11 công ty con và 19 công ty liên kết trong lĩnh vực dệt may. Ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu tại các đơn vị có vốn của Vinatex vào năm 2015 đạt 2,4 tỷ USD (chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam). Thị trường xuất khẩu chính là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Thực hiện định hướng phát triển, năm 2015-2016, Vinatex tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất với hàng loạt dự án, như Nhà máy Sợi Phú Hưng giai đoạn 2, Nhà máy may Kiên Giang, Nhà máy vải Yarndyed Long An, Nhà máy may Cần Thơ, Nhà máy may Bạc Liêu... Tổng chi phí xây dựng cơ bản của Vinatex tại thời điểm 30-9-2016 lên đến 1.252 tỷ đồng.

Với lịch sử 50 năm hình thành và phát triển, Vinatex có đầy đủ thành phần cần thiết để tạo thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh, bao gồm kéo sợi, dệt - nhuộm vải, may và khâu nghiên cứu đào tạo, làm nền tảng để tập đoàn tiến từ phương thức sản xuất cắt may - gia công thuần túy (CMT), lên phương thức sản xuất xuất khẩu trọn gói (FOB) và phương thức sản xuất xuất khẩu trọn gói kèm thiết kế (ODM). Đây cũng là điều kiện cơ bản để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định tự do thương mại (FTA). Đặc biệt, Vinatex và các đơn vị thành viên đã đạt trình độ tiên tiến, có khả năng thực hiện các loại đơn hàng đa dạng với các cấp chất lượng khác nhau. Trong khi đó, ở thị trường nội địa, các công ty thành viên của Vinatex như Hanosimex, May 10, Việt Tiến, Phong Phú, Việt Thắng, Nhà Bè cũng tự xây dựng các cửa hàng thời trang mang nhãn hiệu riêng, với doanh thu mỗi năm trên 10.000 tỷ đồng.

Chưa đủ sức hút

Với nhiều lợi thế trên, VGT được kỳ vọng mang lại luồng gió mới trên sàn UPCoM. Đây cũng chính là lý do HNX chọn VGT là mã CP chào sàn mở hàng ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2017. Cụ thể, 500 triệu CP VGT đã được niêm yết trên UPCoM trong phiên giao dịch ngày 3-1 với giá tham chiếu 13.500 đồng/CP. Mức giá này tương ứng với P/E và P/B lên đến 15,31x và 0,91x. Theo nhận định của giới phân tích, các chỉ số định giá này cao hơn so với mức trung bình ngành của các công ty dệt may đã niêm yết ở Việt Nam, nhưng vẫn đáng để xem xét cho danh mục đầu tư dài hạn với những luận điểm đầu tư, như dệt may vẫn là ngành Việt Nam có lợi thế so sánh tương đối trong khu vực và trên thế giới; vị thế và thương hiệu của Vinatex trong ngành; sở hữu chuỗi cung cứng khép kín, sẵn sàng để hưởng lợi từ các FTA; sở hữu khối tài sản đất đai có giá trị lớn. Ngoài những lý do trên, việc trở thành công ty đại chúng đã niêm yết, kỳ vọng áp lực dư luận và sự minh bạch khi niêm yết sẽ giúp Vinatex cải thiện hiệu quả kinh doanh vốn được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng.

Ảnh minh họa: LONG THANH

Ảnh minh họa: LONG THANH

Theo BCTC 9 tháng năm 2016, Vinatex đạt tổng doanh thu thuần 11.288 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, trong khi kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong thời gian này tăng trưởng khoảng 4,9%. Lợi nhuận của Vinatex sau thuế đạt 257 tỷ đồng (tăng trưởng 12,7%), chủ yếu do cắt giảm chi phí và lợi nhuận không cốt lõi đột biến từ công ty mẹ. Kết quả này cho thấy hiệu quả hoạt động của Vinatex còn kém hơn rất nhiều so với mức trung bình ngành ở hầu hết chỉ số, đặc biệt ở chỉ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu. Nguyên nhân do bộ máy quản lý cồng kềnh, đặc biệt ở công ty mẹ, đã khiến biên hoạt động và biên ròng thấp; khả năng tạo ra doanh thu trên tổng tài sản chưa cao do đầu tư dàn trải ở nhiều dự án tại mọi công đoạn trên chuỗi giá trị dệt may, nên hiệu quả ở một số năm đầu còn thấp.

Kết quả kinh doanh không được đánh giá cao chính là yếu tố làm giảm sức hút của VGT trên TTCK. Cụ thể, sau khi tăng mạnh trong phiên chào sàn lên mức 17.000 đồng/CP, VGT có dấu hiệu hụt hơi và liên tục giảm giá (hiện rơi về gần mức giá ban đầu 13.600 đồng/CP). Không chỉ giảm giá, thanh khoản của VGT cũng liên tục đi xuống, từ hơn 500.000 đơn vị trong phiên chào sàn, đến phiên giao dịch ngày 10-1, chỉ còn 19.200 CP được chuyển nhượng.

Các tin khác