Đường sách TPHCM thành công, tạo sân chơi văn hóa đọc

(ĐTTCO) - Ngày 9-1-2016, Đường sách TPHCM (ĐSTPHCM) nằm trên trục đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TPHCM chính thức đi vào hoạt động. Sau 1 năm, theo thống kê từ Ban quản lý đường sách thì con đường dài chỉ hơn 180m đã đón nhận 1,5 triệu lượt bạn đọc, trung bình mỗi ngày có 4.000 - 6.000 lượt. Chỉ tính riêng về số lượng bạn đọc, có thể nói ĐSTPHCM đã thành công trong việc tạo một sân chơi văn hóa đọc cho người dân TP.

(ĐTTCO) - Ngày 9-1-2016, Đường sách TPHCM (ĐSTPHCM) nằm trên trục đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TPHCM chính thức đi vào hoạt động. Sau 1 năm, theo thống kê từ Ban quản lý đường sách thì con đường dài chỉ hơn 180m đã đón nhận 1,5 triệu lượt bạn đọc, trung bình mỗi ngày có 4.000 - 6.000 lượt. Chỉ tính riêng về số lượng bạn đọc, có thể nói ĐSTPHCM đã thành công trong việc tạo một sân chơi văn hóa đọc cho người dân TP.

Thu hút bạn đọc

Sự xuất hiện của ĐSTPHCM đã mang lại một làn gió mới đầy mạnh mẽ trong hoạt động văn hóa TP nói chung và văn hóa đọc nói riêng. Chỉ trong 1 năm, đường sách đã tổ chức 15 hoạt động trưng bày, triển lãm nhiều ý nghĩa như: Sách hay, Sách đẹp, Văn thơ kháng chiến, Văn học lãng mạn Việt Nam đầu thế kỷ XX…; Các cuộc triển lãm ảnh chủ đề: Bác Hồ và hoạt động kiều bào Việt Nam trên đất Pháp, Trường Sa nơi ta đến, Sống động những dòng kênh… Bên cạnh đó còn có 18 đợt hoạt động chủ đề gắn với các đợt vận động chính trị, các ngày lễ kỷ niệm, các mùa trong năm như: Phiên chợ Xuân Chào năm mới - Mừng xuân, Mừng Đảng, Hoa hồng cho mẹ cho em, Ngày Sách Việt Nam; Những ngày văn học Châu Âu; Cùng em vui hè; Sách cho trẻ thơ ngây; Một cuốn sách, một hạt gạo cho khúc ruột miền Trung…

Đặc biệt, tại đường sách năm qua đã có trên 100 buổi  ra mắt, giới thiệu những cuốn sách mới, gặp gỡ, giao lưu, ký tặng sách của các tác giả, các chương trình tọa đàm, trò chuyện về những chủ đề mà bạn đọc quan tâm và muốn chia sẻ. Càng về cuối năm, số lượng các chương trình giao lưu càng nhiều, đến mức liên tục trong nhiều tuần, 6 chương trình mỗi ngày (cả sáng, chiều, tối)... Không chỉ thực hiện các chương trình liên quan đến sách, tại đây còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa như vẽ tranh thiếu nhi, biểu diễn nhạc dân tộc, nhạc giao hưởng, giới thiệu các loại hình sân khấu cổ truyền…

Các bạn nhỏ say mê đọc sách tại đường sách.
Các bạn nhỏ say mê đọc sách tại đường sách.

Một bất ngờ là theo dự kiến ban đầu, nhu cầu mua sách của bạn đọc ở đường sách sẽ không nhiều, mà chủ yếu tham gia các hoạt động văn hóa. Các đơn vị tham gia đường sách sẽ phải bù lỗ chi phí hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, trong một năm qua, 19 gian hàng của 14 đơn vị tham gia gồm các NXB, công ty làm sách đã bán được hơn 26 tỷ đồng tiền sách với khoảng nửa triệu bản sách. Các thể loại sách bán chạy gồm: sách lịch sử - văn hóa; các loại sách văn học; sách trẻ em, sách dạy con; sách kinh tế - quản trị; sách sống đẹp; sách tâm lý - triết học…

Lượng sách bán ra cũng đã phản ánh khá chính xác thành phần bạn đọc đến với đường sách năm đầu đi vào hoạt động. Theo thống kê, có khoảng 30% bạn đọc đến đường sách là học sinh, sinh viên, khoảng 30% khác là người trưởng thành, thiếu nhi chiếm khoảng 15% và thường là đi với phụ huynh. Đặc biệt, có đến 25% lượt khách đến đường sách là khách nước ngoài, một phần do nơi đường sách tọa lạc là trung tâm du lịch của TP nhưng phần quan trọng với nhiều khách quốc tế, đường sách là một địa chỉ văn hóa độc đáo. Tại đây năm qua đã đón nhiều quan khách nước ngoài như đại diện các Hội xuất bản các nước ASEAN, Tổng thống Ireland và phu nhân, Ngoại trưởng Anh, Tổng lãnh sự Mỹ tại TPHCM…

Thay đổi quan điểm người làm sách

Theo nhà thơ Cao Xuân Sơn, Trưởng chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM, đường sách đã có ảnh hưởng lớn đến định hướng làm sách của NXB. Về mặt kinh doanh, gian hàng hơn 20m2 của NXB Kim Đồng tại đường sách doanh thu 1 năm chỉ chiếm 1/50 doanh thu của chi nhánh NXB nhưng thông qua gian sách này, NXB có thể đánh giá khá chính xác những nhu cầu mới của bạn đọc, ví dụ như mảng sách văn học, truyền thống, lịch sử vốn khó bán ở những nơi khác lại bán rất tốt tại đây. Sau khi quan sát, các nhân viên NXB phát hiện ra nguyên nhân do thiếu nhi khi đến đường sách chủ yếu đi cùng phụ huynh và các bậc phụ huynh khi chọn sách cho con đều hướng đến dòng sách này do có ý nghĩa giáo dục. Phát hiện này giúp NXB đưa ra những bản sách mới về đề tài lịch sử, truyền thống có phần nội dung thay vì chỉ tập trung vào bạn đọc nhỏ tuổi, nay có thêm phần hỗ trợ cho phụ huynh cùng trao đổi, đọc sách với con, góp phần giúp bạn đọc nhỏ tuổi dễ tiếp cận với tri thức trong sách cũng như giúp cho sách được phụ huynh lựa chọn nhiều hơn.

Một trong những ảnh hưởng rõ nét nhất của đường sách đến hoạt động xuất bản là trường hợp NXB Văn hóa Văn nghệ TP. Là đơn vị sinh sau đẻ muộn (do sáp nhập và điều chỉnh sau này), một thời gian dài NXB lúng túng trong việc chọn hướng đi chính. Đến với đường sách, NXB phát hiện ra bạn đọc rất quan tâm đến mảng sách lịch sử văn hóa do đơn vị thực hiện nên đã tập trung vào mảng sách này. Đến nay, mảng sách lịch sử văn hóa đã trở thành mảng sách chủ lực của đơn vị, được bạn đọc đón nhận nhiệt tình trong giai đoạn cuối năm 2016.

Thử thách đang chờ phía trước

Không chỉ có thành công, đường sách năm đầu tiên hoạt động cũng ghi nhận nhiều thất bại như dịch vụ giữ xe cho khách đến đường sách, hay một số hoạt động không đem lại hiệu quả mong muốn. Tiêu biểu là chương trình giảm giá sách cho toàn đường sách... Nhiều ý kiến cũng cho rằng hoạt động giao lưu, tọa đàm sách sau một thời gian dồn dập nay có dấu hiệu nhàm chán. Một thực tế nảy sinh là do đặc thù không gian mở, ồn ào náo nhiệt nên các sự kiện đòi hỏi tính trang trọng, nghiêm túc ít hiệu quả. Ngoài ra, tuy số lượng khách thiếu nhi khá lớn nhưng hoạt động dành cho thiếu nhi lại rất ít.

Theo TS Quách Thu Nguyệt, thành viên Ban điều hành đường sách, mô hình hoạt động ĐSTPHCM là mô hình xã hội hóa. Các đơn vị tham gia đường sách sẽ cùng chung tay giúp đường sách ngày càng thu hút. Những thay đổi sẽ được thực hiện ngay dịp đầu năm 2017 nhằm mang đến cho bạn đọc một đường sách đầy mới lạ, hấp dẫn và chuyên nghiệp.

Các tin khác