Đừng để taxi trở thành thảm họa

(ĐTTCO) - Những ngày giáp Tết này, không chỉ vào giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe tại các tuyến đường trong nội ô diễn ra nghiêm trọng cả buổi trưa và đang là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM. Đặc biệt quanh sân bay Tân Sơn Nhất dòng xe từ trung tâm TP (trục đường Nguyễn Văn Trỗi) đổ về mũi tàu quận Tân Bình mỗi lúc một đông, ô tô chạy hết cả 3 làn đường khiến xe máy không có lối thoát, bị ùn ứ không thể nhúc nhích.

(ĐTTCO) - Những ngày giáp Tết này, không chỉ vào giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe tại các tuyến đường trong nội ô diễn ra nghiêm trọng cả buổi trưa và đang là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM. Đặc biệt quanh sân bay Tân Sơn Nhất dòng xe từ trung tâm TP (trục đường Nguyễn Văn Trỗi) đổ về mũi tàu quận Tân Bình mỗi lúc một đông, ô tô chạy hết cả 3 làn đường khiến xe máy không có lối thoát, bị ùn ứ không thể nhúc nhích.

Tại giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ, tình trạng còn nghiêm trọng hơn khi lượng xe rất lớn từ đường Nguyễn Văn Trỗi và Phổ Quang đồng loạt dồn về đường Phan Đình Giót gây tắc nghẽn. Đây là cửa ngõ chính từ trung tâm TP vào sân bay Tân Sơn Nhất. Dưới nắng gắt, ai cũng tỏ ra mệt mỏi vì tiếng còi, động cơ xe, tiếng gây hấn vì va quẹt... liên tục vang lên giữa không gian ngột ngạt. Ngã ba Phan Đình Giót - Phổ Quang như một nút thắt cổ chai, đường nhỏ trong khi xe từ các hướng đổ về quá đông nên thường xuyên ùn tắc. Ùn tắc cũng thường kéo dài đến đường Trường Sơn - khu vực phía trước sân bay Tân Sơn Nhất - nên hành khách muốn vào được sân bay cũng cả một vấn đề. Hình ảnh hàng ngàn ô tô xếp hàng dài, nhích từng chút trên con đường này xảy ra thường xuyên. Ùn tắc còn xảy ra dây chuyền tới những tuyến đường xung quanh sân bay như Cộng Hòa, Hoàng Minh Giám, Phan Thúc Duyện... Phòng CSGT TPHCM ghi nhận có hàng chục giao lộ thường xuyên xảy ra ùn tắc, ảnh hưởng đến giao thông tại sân bay.

Nguyên nhân gây ùn tắc giao thông có nhiều, nhưng ở đây tôi chỉ muốn nêu ra thực trạng xe taxi phát triển quá nhiều, đã góp phần gây nên tình trạng này. Theo tôi được biết, quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 dự báo  số lượng taxi tại TPHCM đạt  khoảng 12.700 xe. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, số lượng taxi tại TP thực tế trên 26.400 xe (gồm hơn 11.000 xe taxi truyền thống và gần 15.350 xe dạng Uber, Grab), vượt gấp đôi mức dự báo của năm 2020. Đó là chưa kể một lượng xe đáng kể của các tỉnh, thành khác, xe không đăng ký tham gia hoạt động phần mềm Uber chưa kiểm soát được... Lượng xe này không chỉ phá vỡ quy hoạch taxi mà còn áp lực mạnh lên hạ tầng giao thông, đẩy TP vào tình trạng kẹt xe nghiêm trọng.

Không thể phủ nhận loại hình taxi Grab và Uber ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh đã tạo sự thuận lợi hơn cho hành khách, giá rẻ hơn và rút ngắn thời gian hơn. Chỉ với chiếc điện thoại di động có cài phần mềm của Grab và Uber, với vài thao tác gõ địa chỉ nơi đi, nơi đến, chọn loại xe 4 hay 7 chỗ, chậm lắm là 5 phút sau đã có xe. Điều này cho thấy 2 loại hình xe này có mặt mọi lúc mọi nơi, đang đi lòng vòng và đậu trên các vỉa hè chờ khách trên tất cả các tuyến đường trong TP. Hành khách cũng thích chọn Grab và Uber còn do biết rõ được số km quãng đường mình sẽ đi và cả số tiền phải trả. Tính ưu việt này rõ ràng cao hơn so với taxi truyền thống.

Đường ra vào nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất.

Đường ra vào nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong khi số lượng đầu xe taxi gia tăng chóng mặt, thì hệ thống bến bãi đậu xe taxi cũng như các điểm đón trả khách đối với loại hình taxi tại TPHCM gần như không có gì. Do không có bến bãi nên hầu hết số lượng taxi trên địa bàn đều sử dụng các cây xăng, lề đường làm nơi đậu xe chờ đón khách. Tại nhiều tuyến đường khu vực trung tâm TP (Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Tôn Thất Tùng, Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Lê Lai, Nguyễn Du, Hàn Thuyên...), đâu đâu cũng có thể nhận thấy lượng taxi truyền thống, Uber, Grab chiếm dụng lòng đường làm nơi đậu xe chờ rước khách khá đông. Vào những giờ cao điểm, do lòng đường bị chiếm dụng nên giao thông thêm hỗn loạn, ùn tắc, trong khi đó lực lượng chức năng gần như không thể có mặt 24/24 để thực hiện xử phạt. Tình trạng quá tải bến bãi còn thấy rõ ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi sân bay chỉ có bãi đậu rộng vài trăm m2 dành cho xe taxi, nhưng mỗi ngày có đến 4.000-5.000 lượt taxi ra vào sân bay. Thiếu bãi đậu, nhiều trục đường quanh khu vực sân bay (Hồng Hà, Trường Sơn, Cửu Long…) bị lấn chiếm làm bãi đậu taxi, khiến giao thông vào những giờ cao điểm xảy ra ùn ứ, quá tải.

Để xảy ra thực trạng trên, rõ ràng đang có sự mâu thuẫn giữa chủ trương khống chế số lượng taxi truyền thống và sự bùng nổ của loại taxi ứng dụng công nghệ. Cấm cái này nhưng lòi cái kia. Với taxi, nhiều năm nay chính quyền TPHCM đã chủ trương khống chế số lượng do TP đang quá tải hạ tầng, không có bãi đậu, thiếu diện tích mặt đường... nhưng nay lại cho Grab, Uber phát triển thoải mái về số lượng, đồng nghĩa với việc phá vỡ quy hoạch taxi. Và trách nhiệm chính và trước hết thuộc về Sở GTVT, vì đây là cơ quan có theo dõi vấn đề này. Nếu nhận thấy số lượng xe Grab, Uber tăng quá nhiều, quá nóng, gây ảnh hưởng đến giao thông TP, sở này phải tham mưu ngay cho lãnh đạo TP, lãnh đạo Bộ GTVT để khống chế số lượng đầu xe chứ không thể để tăng lên hơn 15.000 xe như hiện nay.

Điều này cũng cho thấy điểm yếu của ngành giao thông TPHCM là thiếu nhìn xa trông rộng, thiếu những chuyên gia nghiên cứu sâu vấn đề giao thông. Đã 3-4 nhiệm kỳ giám đốc Sở GTVT, nhiệm kỳ nào cũng nói 5 năm sau kẹt xe sẽ hết nhưng thực tế ngày càng kẹt xe nghiêm trọng hơn. Theo quy luật cung cầu, đường sá (cung) đang quá hạn chế, trong khi (xe) cầu lại quá cao. Vì vậy, trong khi chưa tăng phần cung lên được phải tìm cách giữ nguyên hiện trạng phần cầu, hoặc không cho tăng quá mức. Nếu không làm được việc này, tình hình giao thông sẽ rối loạn, không kiểm soát được. Theo tôi, trước mắt phải tổ chức hoạch định, điều phối, sắp xếp lại các loại phương tiện giao thông. Thí dụ, với khoảng 10 triệu dân, TPHCM chỉ cần khoảng 10.000 taxi với tiêu chuẩn khoảng 1.000 người/taxi. Nếu không, với thực trạng hiện nay, giờ cao điểm TPHCM sẽ không còn đường để đi. Người dân thấy rằng đi taxi vào giờ cao điểm cũng là thảm họa.

(TPHCM)

Các tin khác