Cần cơ chế ưu đãi khởi nghiệp

(ĐTTCO) -Bên cạnh đề xuất hỗ trợ cơ chế, việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm có sự góp vốn của ngân hàng (NH) để đưa nguồn vốn vay đến DN khởi nghiệp có nhu cầu, đang được đặt ra. Với kinh nghiệm từ các nước phát triển trên thế giới, hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực này là phù hợp. Đó là chia sẻ của ông NGUYỄN HOÀNG MINH (ảnh), Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM, khi trao đổi với ĐTTC về chương trình kết nối NH-DN năm 2017.

(ĐTTCO) -Bên cạnh đề xuất hỗ trợ cơ chế, việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm có sự góp vốn của ngân hàng (NH) để đưa nguồn vốn vay đến DN khởi nghiệp có nhu cầu, đang được đặt ra. Với kinh nghiệm từ các nước phát triển trên thế giới, hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực này là phù hợp. Đó là chia sẻ của ông NGUYỄN HOÀNG MINH (ảnh), Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM, khi trao đổi với ĐTTC về chương trình kết nối NH-DN năm 2017.

Đừng quá kỳ vọng

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, những khó khăn, vướng mắc làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay của DN khởi nghiệp hiện nay là gì?

Ông NGUYỄN HOÀNG MINH: - 2016 là năm khởi nghiệp, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo môi trường, sinh thái thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay của DN nói chung và DN khởi nghiệp nói riêng gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, NH khó thẩm định hiệu quả của phương án khởi nghiệp. Bởi cộng đồng DN khởi nghiệp hầu hết bắt đầu bằng ý tưởng sáng tạo mới, dựa trên kỹ thuật, công nghệ cao - những lĩnh vực kinh doanh mới. Đặc điểm của loại hình này là ý tưởng sáng tạo khá phong phú, nhưng thiếu kinh nghiệm nên khả năng thành công tương đối thấp. Trong điều kiện hiện nay, NH không đủ khả năng và nguồn lực để thẩm định hiệu quả thực tiễn của ý tưởng cũng như nhu cầu của thị trường đầu ra đối với các ý tưởng mới này. Ngoài ra, việc thiếu cơ quan, hiệp hội chuyên ngành độc lập để đánh giá hiệu quả của các ý tưởng kinh doanh sản xuất mới cũng gây khó khăn trong quá trình thẩm định, không có đủ cơ sở để NH đánh giá phương án kinh doanh. Trong khi NH muốn quản lý rủi ro chặt chẽ, không để phát sinh nợ xấu, vì vậy khả năng tiếp cận vốn của DN khởi nghiệp càng hạn chế.

Sự xuất hiện của các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể giải quyết bài toán về vốn cho DN khởi nghiệp, đồng thời hỗ trợ, cung cấp tư vấn về đầu ra, hồ sơ pháp lý, quản trị DN, kê khai thuế, báo cáo tài chính… đảm bảo cho DN hoạt động hiệu quả.

Thứ hai, hầu hết DN khởi nghiệp không có tài sản đảm bảo nợ vay. Theo quy trình cấp tín dụng của NH, trừ các DN đã có uy tín và hiệu quả kinh doanh tốt được xếp hạng tín nhiệm cao, các món vay khác từ NH cũng cần có tài sản đảm bảo để hạn chế rủi ro mất vốn. DN khởi nghiệp đa phần bắt đầu từ ý tưởng, nhưng ý tưởng không phải là tài sản đảm bảo nợ vay, trong khi họ cũng không có tài sản để thế chấp, dẫn đến khó khăn cho NH trong quyết định cấp tín dụng vì không đảm bảo được các điều kiện quản lý rủi ro.

Thứ ba, DN khởi nghiệp thường gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, chưa có bộ máy điều hành quản trị DN, do đó cũng hạn chế trong hồ sơ pháp lý để NH cấp tín dụng. Để hạn chế rủi ro bị mất vốn, các NH cũng thận trọng khi giải ngân đối với các DN này.

Thứ tư, thiếu minh bạch về báo cáo tài chính, thuế là hiện trạng chung của hầu hết DNNVV, DN siêu nhỏ. Hiện nay, DN khởi nghiệp do quy môi nhỏ, chưa có nhiều ràng buộc về pháp lý, báo cáo tài chính chưa kiểm toán, thiếu tính minh bạch trong sổ sách kế toán, kê khai thuế… Điều này làm gia tăng rủi ro cho NH khi quyết định cấp tín dụng. Vì vậy trong điều kiện siết chặt tín dụng hiện nay, các NH càng chặt chẽ hơn trong khâu thẩm định DN, hạn chế cấp tín dụng đối với DN thiếu minh bạch để giảm thiểu rủi ro mất vốn.

SHB là NH tiên phong cùng các tổ chức hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp.

SHB là NH tiên phong cùng các tổ chức hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp.

-Kết nối NH - quỹ mạo hiểm - DN khởi nghiệp

- Để tháo gỡ những vướng mắc trên, cần có những giải pháp tín dụng nào để hỗ trợ DN khởi nghiệp, thưa ông?

- Theo tôi giải pháp đầu tiên là hỗ trợ cơ chế, quy định pháp luật là thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong đó NH có thể góp vốn đầu tư vào các quỹ này, thông qua đó đưa nguồn vốn vay đến các DN khởi nghiệp có nhu cầu. Chỉ những quỹ đầu tư mạo hiểm này mới đóng vai chính trong tài trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp, vì quỹ đầu tư là mô hình có thể chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn NH - nơi vốn đang phải tuân thủ nhiều quy định rất chặt chẽ của ngành. Tiếp theo, thành lập các trung tâm chuyên ngành uy tín để thẩm định, đánh giá khách quan về các dự án, các ý tưởng sáng tạo. Chính sự độc lập của bên thứ 3 với các căn cứ khoa học vững chắc sẽ giúp DN hoàn thiện dự án của mình tốt hơn. Đây sẽ là nền tảng, cơ sở vững chắc để hỗ trợ NH trong quá trình thẩm định dự án kinh doanh, thêm cơ hội và tăng thêm khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay từ NH cho các DN non trẻ. Với những đánh giá mang hàm lượng khoa học cao, các NH sẽ dễ dàng hơn trong việc quyết định cấp tín dụng, tài trợ cho các dự án ý tưởng kinh doanh mới.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ hoạt động của DN khởi nghiệp, như cơ chế chính sách ưu đãi, giảm thiểu các thủ tục pháp lý có liên quan; thành lập các trung tâm hỗ trợ tư vấn cho DN khởi nghiệp; tổ chức các hội thảo, kết nối, các khóa đào tạo về quản trị khởi nghiệp; triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho DN khởi nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, các ngành nghề mũi nhọn. Xuất phát từ kinh nghiệm thành công của gói cho vay "Kết nối NH - DN" trong suốt 5 năm qua, sắp tới NHNN Chi nhánh TPHCM sẽ tổ chức sự kiện để công bố gói tín dụng dành cho DN khởi nghiệp, không chỉ cho năm 2017 mà cho cả những năm tiếp theo. Bởi hiện nay các NH trên địa bàn TPHCM đã nhất trí dành ra 1 gói tín dụng ưu đãi cho DN khởi nghiệp với lãi suất hợp lý, tập trung vào các dự án khởi nghiệp ở các ngành nghề.

- Ông vừa nói đến các gói tín dụng ưu đãi, vậy trong thời gian tới ngành NH có gói tín dụng gì hỗ trợ DN khởi nghiệp?

- Trong những năm qua, chương trình kết nối NH - DN cũng đã hỗ trợ cho nhiều DNNVV tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi giá rẻ của NH. Chẳng hạn, trong năm 2016 tổng số tiền cho vay đạt 281.216 tỷ đồng, cao hơn 60% so với năm 2015 và bằng cả số tiền cho vay, giải ngân của chương trình, với số lượng khách hàng gấp 2-3 lần của 4 năm trước. Với mô hình kết nối: NHTM - chính quyền các quận, huyện - tổ chức kinh tế, cá nhân, nên các khó khăn vướng mắc của DN liên quan đến lĩnh vực NH về vốn, về lãi suất… đã được tháo gỡ nhanh chóng thông qua các tổ chức tín dụng trú đóng trên địa bàn quận, huyện. Từ năm 2015 đến nay, danh sách DN phản ánh khó khăn vướng mắc trong quan hệ tín dụng với NH, cũng như DN có nhu cầu vốn gửi về NHNN Chi nhánh TP xem xét, giải quyết giảm dần.

Có thể nhân rộng mô hình này, xây dựng các gói tín dụng ưu đãi về vốn, lãi suất cơ chế tín dụng đối với DN khởi nghiệp tại một số lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn, các lĩnh vực bảo vệ môi trường. Với chủ trương hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN, bên cạnh việc tiếp tục cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, trong năm 2017 điểm nhấn của chương trình là quan tâm và tập trung cho lĩnh vực  nông nghiệp công nghệ cao, DN thành lập mới chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh phát triển thành DN và DN khởi nghiệp. Theo đó một giải pháp tín dụng đề xuất để hỗ trợ DN khởi nghiệp, DNNVV tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn, có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển sản xuất với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cả nước có khoảng 1 triệu DN hoạt động, riêng TPHCM có 500.000 DN.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác