10 năm WTO, chưa như kỳ vọng

(ĐTTCO) - Sau 12 năm nỗ lực liên tục, ngày 11-1-2007 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Và kể từ sau khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã nhận được không ít cơ hội từ WTO. Điều này, thể hiện cụ thể qua các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đẩy mạnh xuất nhập khẩu…

(ĐTTCO) - Sau 12 năm nỗ lực liên tục, ngày 11-1-2007 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Và kể từ sau khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã nhận được không ít cơ hội từ WTO. Điều này, thể hiện cụ thể qua các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đẩy mạnh xuất nhập khẩu…

Cụ thể, kinh tế đất nước sau 10 năm gia nhập WTO (2007-2016), mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, song tốc độ tăng trưởng bình quân vẫn quanh ngưỡng 6,29%. Đó là thành tựu hết sức quan trọng, nếu xét trong điều kiện rất khó khăn thiên tai, dịch bệnh, sự biến động giá cả thế giới. Nhờ tăng trưởng kinh tế được duy trì, thu nhập bình quân đầu người cũng cải thiện đáng kể. Sau 10 năm gia nhập WTO, GDP bình quân đầu người đạt ở mức khả quan, bình quân 1.600USD/người. Cơ cấu kinh tế theo giá thực tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Năm 2007, tổng vốn đầu tư đạt 532.100 tỷ đồng, đến năm 2016 đạt 1.588.000 tỷ đồng, bằng 31% GDP. Vốn FDI trong 10 năm 2007-2016 thực hiện trên 112 tỷ USD; bình quân mỗi năm từ khi gia nhập WTO đạt 11,2 tỷ USD. Xuất nhập khẩu 10 năm qua vượt trội nhờ mở rộng thị trường. Nổi bật, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt 176 tỷ USD, tăng gấp 3,7 lần so với năm 2007, trong đó khu vực FDI đạt hơn 123 tỷ USD, chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều đáng mừng, năm 2016 Việt Nam xuất siêu ước đạt gần 2,7 tỷ USD, so với 9 năm trước chủ yếu là nhập siêu. Đây được coi là một trong những tác nhân quan trọng giúp giảm áp lực tăng tỷ giá và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Trong giai đoạn 2007-2016 dù luôn duy trì được mức tăng trưởng cao, bình quân 6,29%/năm, nhưng chúng ta cũng phải trả giá không nhỏ. Bởi lẽ, để đạt được mức tăng trưởng đó, tổng đầu tư cho phát triển luôn ở mức cao (30-46,5%), cao hơn nhiều so với các nước khác. Như vậy, hiệu quả và chất lượng tăng trưởng của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và suy giảm cả tăng trưởng về lượng. Nhiều năm qua, ngoại thương Việt Nam luôn bị thâm hụt với mức tuyệt đối cao. Điều này chứng tỏ, các nước đã tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập WTO để đưa hàng hóa vào Việt Nam ngày càng nhiều, trong khi chúng ta lại chưa tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập WTO mang lại. Bên cạnh đó, năng suất lao động Việt Nam còn thấp, đóng góp vào tăng trưởng còn hạn chế. Trong công nghiệp, ngành khai thác, gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn, việc sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao còn rất thấp, tỷ lệ hàng nông sản qua chế biến còn thấp. Việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn chậm, chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp còn nhiều bất cập...

Theo nhiều chuyên gia, dù có tên trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới vài năm trở lại đây, nhưng chuyến tàu WTO của Việt Nam đã không như kỳ vọng. Đó là tăng trưởng GDP thấp hơn so với những gì Việt Nam làm được vào thời kỳ trước khi vào WTO. Đặc biệt, cơ cấu xuất nhập khẩu có vấn đề khi mũi nhọn xuất khẩu là các ngành sử dụng tài nguyên, gia công, thâm dụng lao động. Phải chăng, thể chế kinh tế và công tác điều hành vĩ mô của Việt Nam chưa theo kịp yêu cầu hội nhập, hay doanh nghiệp Việt Nam không đủ sức cạnh tranh? Những điều này đã khiến cơ hội của WTO biến thành thách thức. Nói theo cách của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cơ hội lớn nhất là mượn sức hội nhập để nhập sâu quỹ đạo của hội nhập, thay đổi cơ cấu kinh tế, thoát khỏi đẳng cấp thấp. Nhưng 10 năm gia nhập WTO cho thấy khá nhiều cơ hội đã biến thành thách thức.

Điều đáng lo, là 10 năm vào WTO chúng ta đã đưa một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế, nhưng chủ yếu dành cho đầu cơ, kinh doanh tài sản, không phục vụ cho sản xuất. Cùng với đó là vấn đề thâm hụt ngân sách, không đủ chi thường xuyên; nợ công cao, nợ xấu ngân hàng lớn… Hệ quả, một lượng tiền lớn bị tiêu xài hoang phí đã tạo ra rắc rối của hệ thống tài chính và sự èo uột của các doanh nghiệp trong nước

Để tiếp tục phát triển bền vững, chúng ta cần những cải cách đột phá, đặc biệt tập trung vào một số vấn đề, như cải cách hành chính, khắc phục những mặt trái của cơ chế một cửa, đổi mới bộ máy hành chính nhà nước; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, minh bạch, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh. Vấn đề cốt lõi là tái cơ cấu các doanh nghiệp, các dịch vụ cơ sở hạ tầng theo hướng tập trung những dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, và phát triển logistics xanh.

Đặc biệt, cần nâng mức đầu tư cho khoa học công nghệ (1-2% GDP) để Việt Nam thực sự sớm có những đột phá về khoa học công nghệ, tạo ra những mặt hàng, những sản phẩm kỹ thuật cao mang lại giá trị cao trong xuất khẩu.

Các tin khác