Sản phẩm phái sinh phải hài hoà lợi ích nhiều bên

(ĐTTCO) - Đây là một trong những ý kiến quan trọng được đưa ra tại buổi hội thảo “Triển khai sản phẩm phái sinh ở Việt Nam: Những thách thức và chính sách” với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, tài chính, quỹ đầu tư và CTCK nhằm thảo luận và đóng góp các ý kiến với các cơ quan quản lý thị trường liên quan đến phái sinh tài chính.

(ĐTTCO) - Đây là một trong những ý kiến quan trọng được đưa ra tại buổi hội thảo “Triển khai sản phẩm phái sinh ở Việt Nam: Những thách thức và chính sách” với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, tài chính, quỹ đầu tư và CTCK nhằm thảo luận và đóng góp các ý kiến với các cơ quan quản lý thị trường liên quan đến phái sinh tài chính.

 

Thủ tướng CHính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam và đồng thời ban hành Nghị định 42/2915/NĐ-CP ngày 5-5-2015 về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh. Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 11/2016/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 42 và đang triển khai đưa vào vận hành đầu năm 2017 với sản phẩm ban đầu là hợp đồng giao sau (futures) chỉ số và hợp đồng giao sau Trái phiếu Chính phủ.

Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ (Trường ĐH Kinh Tế TPHCM), để đảm bảo các chứng khoán phái sinh được triển khai một cách thành công cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các chủ thể tham gia bao gồm các nhà hoạch định chính sách, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và cả các NĐT. Các chủ thể cần xác định vai trò cũng như khả năng của mình sẽ tạo ra những lợi ích mang tính cộng hưởng cho thị trường phái sinh.

PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh Tế TPHCM chỉ ra những câu chuyện thất bại của Sàn Giao dịch gạo Tiền Giang, Sàn Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột nhằm nhấn mạnh yếu tố thanh khoản, vốn không thể thiếu của bất kỳ sàn giao dịch nào. Các vấn đề như tạo lập hành lang pháp lý, các cơ chế giám sát, bảo vệ NĐT sẽ là cơ sở quan trọng để tạo ra niềm tin cùng những sản phẩm phong phú khả thi và thiết thực sẽ góp phần thu hút dòng tiền. 

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng GĐ CTCK TPHCM (HSC) nhấn mạnh: Tính chất bền vững của thị trường phái sinh phải dựa trên cơ sở của thị trường cơ sở. Hiện nay Thái Lan là một trong những nước có thị trường phái sinh thành công tại khu vực, và một điểm đáng chú ý mỗi phiên giao dịch tại TTCK cơ sở của Thái Lan có thanh khoản tầm 1,5 tỷ USD trong khi tại Việt Nam đang là 150 triệu USD. Nghĩa là song song với việc xây dựng chứng khoán phái sinh thì việc thúc đẩy thanh khoản trên các sàn cơ sở cần tiếp tục được chú trọng.

TS Lê Đạt Chí, Phó Trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh Tế TPHCM nhấn mạnh: Việc tuyên truyền theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu về các sản phẩm phái sinh là vô cùng quan trọng trong quá trình triển khai sản phẩm. Các NĐT cần tiếp cận với phái sinh theo nhiều chiều hướng khác nhau để hiểu và sản phẩm một cách hiệu quả, có như vậy mới tạo ra sự ổn định về thanh khoản cho thị trường.

Các tin khác