Thưởng Tết 2017: Nơi 1 tỷ, chỗ tháng lương

(ĐTTCO) -  Năm nào cũng vậy, cứ dịp Tết đến là câu chuyện lương thưởng cuối năm luôn là thông tin được nhiều người lao động quan tâm. Năm nay, bên cạnh những thông tin gây chú ý của một số DN khi mức thưởng lên tới hàng tỷ đồng, thì tại nhiều DN sản xuất số lượng công nhân lớn, mức thưởng chỉ dao động khoảng 1 tháng lương.

(ĐTTCO) -  Năm nào cũng vậy, cứ dịp Tết đến là câu chuyện lương thưởng cuối năm luôn là thông tin được nhiều người lao động quan tâm. Năm nay, bên cạnh những thông tin gây chú ý của một số DN khi mức thưởng lên tới hàng tỷ đồng, thì tại nhiều DN sản xuất số lượng công nhân lớn, mức thưởng chỉ dao động khoảng 1 tháng lương.

Tiền tỷ gây chú ý

Thưởng Tết không chỉ là một hình thức thể hiện sự quan tâm đến người lao động của DN, mà còn là một chính sách nhằm giữ chân người lao động. Ngành dệt may là một trong những ngành thường thiếu hụt lao động sau mỗi dịp Tết, nên nếu không có chính sách tốt khó giữ chân lao động.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Ngay từ cuối tháng 12-2016, thông tin một công ty kinh doanh đồ dùng học sinh có mức thưởng Tết Nguyên đán Đinh Đậu lên tới 1 tỷ đồng/người đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Đặc biệt đây lại là 100% DN trong nước, mức thưởng còn cao hơn cả khối DN FDI.

Điều đáng mừng đây không phải DN duy nhất đưa ra mức thưởng Tết khủng như vậy. Ông Phạm Thành Hưng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thế kỷ (Cen Group), chia sẻ mặt bằng thưởng Tết năm nay khá hơn nhiều so với năm ngoái. Cụ thể, công ty ông thưởng bằng hiện vật ô tô trị giá trên dưới 1 tỷ đồng cho 11 nhân viên xuất sắc nhất năm.

“Nếu như năm ngoái chỉ khoảng 4-5 trường hợp được thưởng, năm nay có trên 10 người được thưởng nhà, thưởng ô tô và thường là các giám đốc kinh doanh đạt doanh số vài chục tỷ đồng/năm sẽ được thưởng” - ông Hưng nói. Bất động sản thưởng khủng trong dịp Tết này cũng không phải điều gì quá ngạc nhiên, vì 2016 được đánh giá là 1 năm sôi động của thị trường này.

Theo khảo sát của Công ty Tư vấn đầu tư và quản lý DN (MacConsult) về lương thưởng năm nay ở cấp bậc quản lý/giám sát, bất động sản là ngành có mức thưởng Tết 2017 trung bình cao nhất, khoảng 65 triệu đồng/người. Đứng thứ hai là dược phẩm với mức thưởng 55 triệu đồng, thứ ba là tài chính với mức 25 triệu đồng, tiếp theo là tiếp thị, hàng không.

Ở cấp bậc chuyên viên/ kỹ sư, bất động sản cũng là ngành có mức thưởng cao nhất khoảng 16 triệu đồng/người. Tiếp theo là dược phẩm với mức thưởng 12,7 triệu đồng, thứ ba là tư vấn - hỗ trợ kinh doanh 12 triệu đồng. Công nghệ thông tin và tiếp thị có mức thưởng tương đương nhau, khoảng 10 triệu đồng.

Thông tin thưởng Tết của ngành tài chính ngân hàng cũng luôn là đề tài được quan tâm, nhưng cho đến nay ngoài Techcombank công bố khá sớm mức thưởng trung bình từ 2,5-7 tháng lương, những ngân hàng thuộc top khủng như Vietcombank, BIDV hay ViettinBank vẫn chưa có thông tin chính thức.

Từ đầu tháng 12, Bộ LĐTBXH ban hành Công văn 4577/LĐTBXH-LĐTL gửi các sở LĐTBXH đề nghị DN phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ, chăm lo cho đời sống người lao động xây dựng các khoản phụ cấp, trợ cấp, phương án tiền thưởng trong dịp Tết Âm lịch 2017 và thông báo cho người lao động trong DN biết.

Đồng thời, Bộ LĐTBXH cũng yêu cầu các sở LĐTBXH gửi kế hoạch thưởng cho người lao động ở các DN trên địa bàn trong dịp Tết và gửi về bộ trước 30-12 và sẽ thông báo rộng rãi cho người lao động trên cả nước. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về mức thưởng của hầu hết các DN. Theo dự kiến giữa tháng 1-2017, Bộ LĐTBXH sẽ báo cáo về lương và thưởng Tết.

Nỗ lực 1 tháng lương

Bên cạnh những khoản thưởng khủng của một số nhóm ngành, vẫn còn khá nhiều ngành hàng, đặc biệt là những ngành xuất khẩu sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản, chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ… chỉ có thể nỗ lực ở tháng lương thứ 13. Một trong những nguyên nhân là năm nay xuất khẩu của những ngành hàng này không được như kỳ vọng, lại thêm các chi phí tăng lương tối thiểu làm tăng phí công đoàn, phí bảo hiểm nên DN khá nhiều gánh nặng.

Chia sẻ về câu chuyện lương thưởng, ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi, khẳng định đến nay chưa có thông tin chính xác, nhưng theo đánh giá chung các DN trong ngành chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ đều cố gắng thưởng tối thiểu 1 tháng lương. “Lương thưởng là vấn đề rất quan trọng với người lao động nên các DN đều cố gắng. Thậm chí có những DN khó quá còn đi vay để thưởng tháng lương thứ 13” - ông Hùng nói.

2016 có thể xem là năm xuất khẩu nhiều khó khăn nhất với ngành dệt may khi mức tăng trưởng được đánh giá là thấp nhất trong 10 năm qua. Nhưng theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, những năm trước xuất khẩu có nhiều thuận lợi, DN có nhiều chế độ cho người lao động, năm nay tuy tình hình khó khăn nhưng hầu hết DN đều cố gắng thưởng bình quân 1 tháng lương.

Thực ra mức 1 tháng lương không chỉ ở riêng nhóm ngành sử dụng nhiều lao động và có kết quả kinh doanh không như mong đợi trong năm 2016. Mà ngay cả trong mảng bất động sản có những bộ phận cũng chỉ được hưởng tháng lương thứ 13. “Việc thưởng Tết cũng tùy vào quy mô DN, và thường phòng kinh doanh luôn là đơn vị được thưởng nhiều, chứ bộ phận văn phòng như chúng tôi cũng chỉ mong tháng lương 13” - chị Thanh Thùy, nhân viên một DN bất động sản tại TPHCM, chia sẻ.

Lương thưởng cuối năm cũng chính là yếu tố tác động mạnh đến sức mua trong mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Theo báo cáo của Bộ Công Thương về công tác chuẩn bị hàng hóa cho Tết Đinh Dậu, dự kiến sức mua các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay ước tăng chỉ từ 10-15% so với các tháng thường trong năm và tăng khoảng 8-10% so với Tết năm trước. Trong đó, bắt đầu từ 20 tháng Chạp lượng mua sẽ tăng mạnh hơn.

Các tin khác