Nỗi lo kinh tế Trung Quốc (Kỳ 1)

Kỳ 1: Những điểm yếu chết người (ĐTTCO) - Những điểm yếu cơ bản trong cơ chế tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã phơi bày ngày càng rõ, dẫn đến những cơn chao đảo mạnh trong năm 2016 khiến cả thế giới thấp thỏm đứng ngồi không yên. Liệu năm 2017 có xua đi được những nỗi lo đang bao trùm Bắc Kinh?

Kỳ 1: Những điểm yếu chết người

(ĐTTCO) - Những điểm yếu cơ bản trong cơ chế tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã phơi bày ngày càng rõ, dẫn đến những cơn chao đảo mạnh trong năm 2016 khiến cả thế giới thấp thỏm đứng ngồi không yên. Liệu năm 2017 có xua đi được những nỗi lo đang bao trùm Bắc Kinh?

Chứng khoán lao dốc, trái phiếu phập phồng, tiền tệ rớt giá, nhà đất vẫn nóng, nợ vẫn cao... tất cả đều khiến niềm tin của người dân và nhà đầu tư ngày càng bị bào mòn.

“Động đất” chứng khoán

Ngay từ đầu năm 2016, Trung Quốc đã phát đi cơn địa chấn từ thị trường chứng khoán (TTCK) với việc phải tạm ngưng giao dịch 2 lần và cuối cùng phải đóng cửa thị trường sớm vào ngày 4-1. Khi đó, thị trường bất ngờ lao dốc hơn 7%, đã khiến 2 sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến phải ngừng các hoạt động giao dịch. Tuy nhiên, sau khi thị trường mở cửa trở lại, cổ phiếu tiếp tục rơi tự do với mức giảm khoảng 5%, buộc 2 sàn phải tạm dừng giao dịch tiếp 15 phút.

Khép lại phiên giao dịch cuối năm vào ngày 30-12, chỉ số Shanghai Composite (SCI) của Thượng Hải ghi nhận mức giảm 12,3% cho cả năm, trong khi chỉ số thị trường Thâm Quyến mất tới 14,8%, trái ngược với mức tăng 0,42% của chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và 0,4% của chỉ số Hang Seng (Hồng Công). Diễn biến của TTCK Trung Quốc trong năm nay đi ngược xu hướng các năm trước. Năm 2015, dù thị trường giảm tới 40% trong quý III nhưng vẫn tăng 9,4% cả năm. Trong năm 2016, TTCK Trung Quốc và Italia là những thị trường mất điểm nhiều nhất.

Lý do để giải thích cho cơn địa chấn này có rất nhiều: Từ việc do nhà nước buông lỏng quản lý hoạt động cho vay đòn bẩy (margin) trong đầu cơ chứng khoán; kinh tế tăng trưởng nóng những năm qua khiến TTCK tăng như vũ bão, thu hút quá nhiều nhà đầu tư nghiệp dư; những chính sách tài chính-tiền tệ sai lầm của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC)...

Chảy máu vốn

Thị trường cổ phiếu giảm sâu, cộng với đồng NDT rớt giá mạnh đã thúc đẩy mạnh làn sóng tháo vốn ra khỏi Trung Quốc trong năm qua. Thực ra, từ năm 2012 Trung Quốc đã xuất hiện hiện tượng chảy máu vốn, sau khi Bắc Kinh tự do hóa các giao dịch thanh toán vãng lai trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ. Theo thời gian, sự bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng hiển hiện, dòng chảy tháo vốn ngày càng mạnh hơn. Năm 2015, số tiền ngầm chảy ra khỏi Trung Quốc khoảng 526 tỷ USD. Trong năm 2016, một ngân hàng của Pháp ước tính dòng chảy tháo vốn khỏi Trung Quốc đạt đỉnh với 900 tỷ USD, bất chấp các động thái ngăn chặn của nước này.

Đồng NDT đã mất giá 6% so với đồng USD trong năm 2016, cao hơn nhiều so với năm 2015 khi chính phủ Trung Quốc gần như đã phá giá đồng nội tệ. Những nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm hạn chế tình trạng chảy máu tiền tệ càng làm tăng thêm nỗi lo NDT mất giá lớn hơn. Những yếu tố này thúc đẩy người giàu tại Trung Quốc tìm cách đưa tài sản ra nước ngoài bằng nhiều cách thức, như thông qua các hợp đồng bảo hiểm, tiền ảo bitcoin... Lượng giao dịch bitcoin đã tăng lên mức cao kỷ lục khi đồng USD tăng giá so với NDT sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng trước; trong số này Trung Quốc chiếm 90% doanh số giao dịch.

Bong bóng phập phồng

Tình trạng bong bóng đang tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc, từ nhà đất cho đến tín dụng, nợ địa phương và trái phiếu chính phủ. Báo Business Insider dẫn số liệu từ hãng tư vấn bất động sản Knight Frank cho biết giá nhà ở các thành phố hàng đầu Trung Quốc đang bùng nổ với mức tăng gần 43% trong năm qua. Theo Knight Frank, 8/10 thành phố có giá nhà tăng nhanh nhất thế giới vào quý III-2016 là ở Trung Quốc. Trong đó, giá nhà trung bình tại thành phố Nam Kinh tăng cao hơn 42,9% trong quý III-2016 so với cách đây 1 năm. Tính bình quân, 10 thành phố lớn ở đại lục ghi nhận mức tăng giá nhà thường niên trên 20%. Đây là điều rất đáng lo ngại, vì thị trường nhà đất Trung Quốc đã ở tình trạng bong bóng từ nhiều năm qua.

Giá nhà ở các thành phố hàng đầu Trung Quốc tăng gần 43% trong năm qua.

Giá nhà ở các thành phố hàng đầu Trung Quốc tăng gần 43% trong năm qua.

Trong khi đó, thị trường tín dụng của Trung Quốc cũng rất đáng quan ngại. Hiện nay, một số ước tính ngành ngân hàng Trung Quốc có mức nợ xấu lên đến 30%. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thường xuyên bơm tiền giải cứu các ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường tiền tệ có dấu hiệu tăng, từ dưới 2% hồi đầu hè lên 2,3% vào đầu tháng 12 tại Thượng Hải. Việc cho phép các quỹ đầu tư quốc tế dễ dàng chuyển vốn có thể gây thêm áp lực với các ngân hàng, vốn đã chịu nhiều sức ép từ các khoản nợ xấu. Trong 9 tháng năm 2016, 5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã phải hủy tới 274 tỷ NDT (39,44 tỷ USD) nợ không đòi được.

Thậm chí, thị trường trái phiếu Trung Quốc cũng đang ở thế vỡ trận. Lợi suất trái phiếu tăng mạnh, với lợi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 5-10 năm đã tăng tới 70 điểm cơ bản so với hồi đầu tháng 10, đạt mức tương ứng 3,15 và 3,34%/năm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh hơn, khiến nhiều công ty gặp khó trong việc trả nợ trái phiếu. Trong năm qua, có tới 55 doanh nghiệp Trung Quốc bị vỡ nợ trái phiếu, tăng hơn gấp đôi so với con số 24 doanh nghiệp năm 2015.

3 tử huyệt

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang có 3 tử huyệt. Đầu tiên, đầu tư tài sản cứng đã tăng 9% so với năm 2015 trong nửa đầu năm 2016, nhưng chậm lại sau đó. Tăng trưởng trong đầu tư bất động sản dẫn đầu tăng trưởng trong vài tháng đầu năm 2016. Chính phủ đã can thiệp bằng cách lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước tăng cường đầu tư, điều này đã giúp cải thiện con số tổng thể, nhưng đầu tư tư nhân - một phong vũ biểu của niềm tin kinh doanh - đã giảm sút. Thứ hai, tình trạng dư cung trong các ngành công nghiệp nặng như thép, nhôm, xi-măng, than đá... vẫn rất nghiêm trọng. Một khảo sát trên 2.000 doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc có quy mô doanh thu trên 724.500USD, cho thấy hơn một nửa trong tình trạng thừa công suất. Do nhu cầu trong và ngoài nước đối với các vật liệu xây dựng và sản xuất đều giảm, nên các công ty công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Điều này gia tăng gánh nặng lên chính quyền trung ương, vì đã hỗ trợ rất nhiều cho các ngành công nghiệp bằng cả tiền mặt lẫn trợ giá điện.

Thứ ba, cải cách trong các ngành dịch vụ vẫn quá chậm. Trong khi dịch vụ chiếm hơn 50% GDP năm 2015 và 3 quý đầu năm 2016, hầu hết đều đến từ 2 ngành bong bóng là tín dụng và nhà đất. Những ngành dịch vụ khác như vận tải, y tế, công nghệ thông tin, nghiên cứu, giáo dục, giải trí... đều rất kém.

(còn tiếp)

Các tin khác