Đất thiêng Tây Sơn Thượng Đạo

(ĐTTCO) -  Tây Sơn Thượng Đạo, cái tên nghe đầy quyến rũ gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Đây là vùng di tích thắng cảnh nên thơ và là địa chỉ văn hóa về nguồn hết sức có ý nghĩa.

(ĐTTCO) -  Tây Sơn Thượng Đạo, cái tên nghe đầy quyến rũ gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Đây là vùng di tích thắng cảnh nên thơ và là địa chỉ văn hóa về nguồn hết sức có ý nghĩa.

Tây Sơn là miền đất thiêng, từ thượng đạo đến hạ đạo. Nếu như Tây Sơn Hạ Đạo thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định là quê hương và thủ phủ cuộc khởi nghĩa của 3 vị hào kiệt, còn Tây Sơn Thượng Đạo chính là nơi họ tập hợp lực lượng, chuẩn bị binh lương và phất cờ khởi binh. Tuy ngăn cách với miền đồng bằng bởi dãy núi điệp trùng đầy trắc trở, nhưng kỳ thực Tây Sơn Thượng Đạo vốn cũng thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, sau này mới tách sang tỉnh Gia Lai.

Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo gồm 18 di tích đã được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1991. Hiện nay, quần thể di tích này nằm trải dài trên một vùng rộng lớn, chủ yếu tập trung tại thị xã An Khê và 3 huyện KBang, Đăk Pơ, Kông Chro của tỉnh Gia Lai. Trong đó, tiêu biểu như di tích lũy An Khê, An Khê Trường, An Khê Đình, miếu Xà, gò Chợ, vườn Mít, cánh đồng Cô Hầu, kho tiền và nền nhà Ông Nhạc… Ngoài ra, còn một số di tích đã dần biến mất do bị xâm hại thời gian gần đây.

Những ngày cuối năm 2016, chúng tôi từ TPHCM vượt hơn 600 cây số về thăm quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo, dâng hương tưởng nhớ 3 vị anh hùng áo vải cùng các chiến tướng, nghĩa binh Tây Sơn. Người dân nơi đây cho biết, từ năm 2007 nhằm quy tập những di vật liên quan tới cuộc khởi nghĩa, Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo đã được xây dựng với kinh phí lên tới 4 tỷ đồng.

Nhưng dù có kiến trúc đẹp và hoành tráng, đáng tiếc gần 10 năm trôi qua bảo tàng chỉ sưu tầm và trưng bày được một số hiện vật ít ỏi gồm 1 cây súng đồng, 2 viên đá móng nền nhà Ông Nhạc, lõi cây ké “phất cờ”, cây cầy “đánh trống” và vài bộ trang phục truyền thống, hình ảnh chụp lại đời sống sinh hoạt của người Bahnar, Jrai xưa vốn ủng hộ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

Ông Phan Đình Quý, Phó phòng Văn hóa và Thông tin thị xã An Khê, cho biết do kinh phí eo hẹp, công tác sưu tầm, phục chế hiện vật của khởi nghĩa Tây Sơn chưa được quan tâm. Vì vậy, quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo chưa thu hút được nhiều du khách tham quan, mặc dù mùng 4 tháng giêng âm lịch năm nào nơi đây cũng tổ chức kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Bên cạnh đó, An Khê Trường và An Khê Đình là nơi thờ thành hoàng làng và 3 anh em nhà Tây Sơn vẫn luôn duy trì sinh hoạt theo tục lệ truyền thống của người dân địa phương.

An Khê trường nằm dưới bóng cây bàng, quanh năm cửa đóng then cài.
An Khê trường nằm dưới bóng cây bàng, quanh năm cửa đóng then cài.

Tây Sơn Thượng Đạo là vùng đất thiêng, có địa thế hiểm trở, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số Bahnar sinh sống. Ở đây có 3 ngọn núi cao hướng về phía Đông, trong đó cao nhất là núi Ông Bình (tức Nguyễn Huệ) cao 814m, từ đây nghĩa quân có thể quan sát đến tận vùng hạ đạo.

2 hòn Bình và hòn Nhược (Nguyễn Nhạc) nối với nhau bằng một thành lũy kiên cố tạo thành thế liên hoàn án ngữ phía Đông và Nam, trong khi dưới chân hòn Tào (Nguyễn Lữ) là khu vực gò Kho, xóm Ké, nơi nghĩa quân đồn trữ binh lương. Các tên hòn Bình, hòn Nhược, hòn Tào do dân địa phương gọi khác đi để che mắt nhà Nguyễn của vua Gia Long trả thù nhà Tây Sơn.

Ông Trần Cao Nguyên, Bí thư Huyện ủy Kông Chro, tâm sự dù nằm ở vùng xa xôi và địa phương phải tự nỗ lực để phục chế, nhưng Tây Sơn Thượng Đạo luôn là vùng đất thiêng mọi người Việt Nam hướng về. Trong khi Tây Sơn Hạ Đạo nhận được sự quan tâm đầu tư nhiều của Trung ương, còn kinh phí dành cho Tây Sơn Thượng Đạo quá ít ỏi, địa phương lại rất khó khăn, đời sống người dân vùng cao rất nghèo.

“Nhiều di tích trong quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo đang đối mặt với nguy cơ trở thành phế tích. Các cơ quan chức năng cần sớm có chương trình nghiên cứu khảo cổ riêng để những di tích lịch sử này không bị chìm vào quên lãng. Hy vọng năm mới quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực để thu hút đông đảo du khách bốn phương” - ông Nguyên trăn trở và cho biết thêm diện tích các điểm di tích vùng Tây Sơn Thượng Đạo đang ngày càng bị xâm chiếm do nhu cầu sản xuất của người dân địa phương. Nhiều điểm di tích bị biến dạng, xuống cấp (hồ Ông Nhạc), thậm chí có nơi còn mất hẳn dấu tích (kho tiền, gò Chợ) hoặc đan xen trong khu dân cư.

Nỗi niềm của Bí thư Trần Cao Nguyên cũng như lãnh đạo địa phương vùng Tây Sơn Thượng Đạo thật đáng suy ngẫm. Thắp hương cúi đầu tưởng nhớ các vị hào kiệt, chúng tôi cầu mong cho vùng đất thiêng này sớm đổi mới, không chỉ riêng các di tích mà cả đời sống của người dân nghèo miền cao vốn có truyền thống yêu nước, cần cù chịu thương chịu khó.

Các tin khác