Căng thẳng Mỹ-Trung thời Donald Trump (Kỳ 2)

(Kỳ 2): Đe dọa chiến tranh thật (ĐTTCO) - Những xung đột lợi ích về thương mại, kinh tế, quyền tự do hàng hải, sức ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế; cùng khác biệt về văn hóa, chính sách, những đổ vỡ về ngoại giao, những đe dọa tiềm tàng về khí tài, quân sự… liệu có đẩy 2 cường quốc đứng đầu thế giới đến chỗ phải “dụng võ”? Căng thẳng Mỹ-Trung thời Donald Trump (Kỳ 1)

(Kỳ 2): Đe dọa chiến tranh thật
(ĐTTCO) - Những xung đột lợi ích về thương mại, kinh tế, quyền tự do hàng hải, sức ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế; cùng khác biệt về văn hóa, chính sách, những đổ vỡ về ngoại giao, những đe dọa tiềm tàng về khí tài, quân sự… liệu có đẩy 2 cường quốc đứng đầu thế giới đến chỗ phải “dụng võ”?

Căng thẳng Mỹ-Trung thời Donald Trump (Kỳ 1)

Xung đột lợi ích

Có 3 yếu tố chính là nguồn gốc gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, bao gồm: Sự khác biệt văn hóa, quan điểm khác nhau về vai trò của Trung Quốc trên thế giới và ảnh hưởng rất lớn 2 cường quốc này nắm giữ trên đấu trường quốc tế.

Ngày 20-12, Trung Quốc đã đồng ý trả lại thiết bị lặn không người lái (UUV) cho Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã thu giữ UUV này hôm 15-12 ở vùng biển cách Vịnh Subic (Philippines) hơn 90km về hướng Tây Bắc. UUV này là thiết bị nghiên cứu của Hải quân Hoa Kỳ. Lầu Năm Góc cho rằng họ chỉ hoạt động trên vùng biển quốc tế, vì vậy những hành động bắt giữ và cản trở của Trung Quốc là phi pháp. Trong khi đó, hành động của Bắc Kinh bị Tổng thống tân cử Donald Trump gọi là “ăn cắp”. Ông viết trên mạng xã hội Twitter: “Chúng ta nên nói với Trung Quốc rằng chúng ta không cần thiết bị lặn mà họ đã ăn cắp. Cứ để họ giữ nó”.

Dù cuối cùng mọi việc có vẻ được giải quyết êm xuôi, nhưng giới quan sát tin rằng sự cố UUV này là bề nổi của tảng băng. Nó là tín hiệu cho thấy những xung đột lớn về lợi ích của Trung Quốc và Hoa Kỳ tại biển Đông, trong bối cảnh Washington và các đồng minh châu Á ngày càng tỏ ra lo ngại việc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông. Những nước này cho rằng Trung Quốc đang đe dọa quyền tự do đi lại và các quyền khác của họ tại các vùng biển quốc tế.

Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cho rằng UUV của Hoa Kỳ có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu về các hành động hải quân của Trung Quốc, cũng như hoạt động của các tàu ngầm nước này. Một tờ báo Trung Quốc khác là Hoàn cầu Thời báo dẫn lời các chuyên gia quân sự Trung Quốc, nói rằng UUV bị thu giữ có thể đã thu thập các thông tin tình báo giá trị và Hoa Kỳ nên ngừng các hoạt động do thám ở biển Đông.

Tương tự, Zhang Baohui, một chuyên gia về an ninh Trung Quốc tại Đại học Lingnan (Hồng Công), cho rằng dù UUV được sử dụng để thu thập dữ liệu về các yếu tố như dòng chảy, độ mặn… nhưng nó cũng có thể dùng để thu thập các tín hiệu từ các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc. “Nó có thể được dùng để lập lộ trình của các tàu ngầm Trung Quốc, cũng như dò tìm và theo dõi các tàu ngầm ạt nhân Trung Quốc” - ông Zhang nói.

Trump đối đầu với rồng Trung Quốc.

Trump đối đầu với rồng Trung Quốc.

Đổ vỡ ngoại giao

Nhiều chuyên gia nhận định vụ thu giữ UUV là một tín hiệu thách thức Bắc Kinh muốn gửi tới ông Trump, người đã đưa ra các tuyên bố cứng rắn chống lại Trung Quốc, đặc biệt việc ông phá vỡ các nguyên tắc ngoại giao khi tiến hành điện đàm với lãnh đạo Đài Loan. "Bắc Kinh không xem nhẹ các vấn đề sau khi Tổng thống đắc cử điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn" - ông Harry Kazianis, Giám đốc Nghiên cứu Quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Hoa Kỳ, nói. Ông Kazianis còn cho rằng có thể Trung Quốc sẽ “dằn mặt” ông Trump bằng việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông giống như đã từng làm ở Biển Hoa Đông vào năm 2013.

Việc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan của một Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ chưa từng có tiền lệ, bởi từ năm 1979, Hoa Kỳ chấp thuận chính sách “Một Trung Quốc” của Trung Quốc và Đài Loan. Theo đó, các nhà lãnh đạo ở cả Đài Bắc và Bắc Kinh cho rằng chỉ có 1 Trung Quốc ở 2 bên bờ eo biển Đài Loan, dù không thừa nhận bên nào là lãnh đạo. Sau đó, ông Trump đã nói thẳng: "Tôi không biết tại sao chúng ta phải bị ràng buộc bởi chính sách 1 Trung Quốc trừ phi chúng ta có thỏa thuận với Trung Quốc về các thứ khác như thương mại".

Việc ông Trump bổ nhiệm nhà kinh tế Trung Quốc Peter Navarro, người công khai chỉ trích Trung Quốc, làm người đứng đầu Hội đồng Thương mại quốc gia mới đây càng làm nổi bật thái độ của ông đối với Trung Quốc. Ông Navarro viết rất nhiều sách chỉ trích Trung Quốc, trong đó nổi tiếng nhất là cuốn “Chết bởi Trung Quốc”.

Trong cuốn sách này, Navarro chỉ trích gay gắt các chính sách của Bắc Kinh, từ việc để các sản phẩm tiêu dùng độc hại bày bán khắp nơi, tới chuyện thao túng tiền tệ và nô lệ lao động, đe dọa hòa bình thế giới… Bằng việc bổ nhiệm tác giả cuốn sách vào một vị trí quan trọng, Trump đã gián tiếp thừa nhận những cáo buộc trong cuốn sách đối với Bắc Kinh.

 Phải “động tay động chân”?

Khi ông Trump tỏ thái độ xem thường chính sách 1 Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang cảnh báo: “Nếu chính sách đó bị tổn hại hay đổ vỡ, mối quan hệ Trung-Mỹ đang phát triển tốt đẹp cũng như những hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực quan trọng sẽ miễn bàn”.

Ở một cấp độ, xung đột giữa Bắc Kinh và Washington là tranh chấp về lãnh thổ. Bắc Kinh khẳng định gần như toàn bộ biển Đông, gồm các đảo, rạn san hô và đá ngầm đến cá và năng lượng dưới nước dự trữ... trong lịch sử đã thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên, Hoa Kỳ xem đây là vùng biển quốc tế, ít nhất cho đến khi những tranh chấp của các nước liên quan được giải quyết. Washington cho rằng chỉ có Hải quân Hoa Kỳ mới đáng tin cậy trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này, nơi bao gồm những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới.

Ở cấp độ lớn hơn, xung đột xoay quanh sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc trong khu vực, đe dọa sự kiểm soát của Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương. Nó cũng liên quan đến những xung đột với hệ thống các quy tắc quốc tế và các định chế Washington và các đồng minh tạo ra sau thế chiến 2. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần phàn nàn hệ thống này ủng hộ Hoa Kỳ, trong khi ngăn chặn Bắc Kinh vươn lên vị trí xứng đáng là thế lực thống trị ở châu Á.

John Pilger, một nhà báo từng đoạt giải BAFTA và cũng là một nhà làm phim, cho rằng nguy cơ chiến tranh, thậm chí chiến tranh hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đến rất gần. Từ nhiều năm qua, chính sách “xoay trục” của Tổng thống Barack Obama đem lại kết quả Hoa Kỳ đã thiết lập được 400 căn cứ quân sự bao quanh Trung Quốc.

Và cùng với việc phát triển những căn cứ này, Hoa Kỳ đã mang tới đó những vũ khí hạng nặng như tên lửa, tàu chiến và cả vũ khí hạt nhân, tạo thành một cái “vòng thòng lọng” chực chờ Trung Quốc. Và mới đây, với việc chọn Tướng “Chó điên” James Mattis lên làm Bộ trưởng Quốc phòng, có lẽ ông Trump cũng có những toan tính khó đoán.

Các tin khác