Chàng kỹ sư IT “hai lúa”

(ĐTTCO) -  Từ bỏ công việc ổn định với mức lương “khủng”, chàng kỹ sư IT Nguyễn Hải Châu đã lựa chọn cuộc sống gắn liền với người nông dân Việt và niềm đam mê sáng chế máy móc của mình.

(ĐTTCO) -  Từ bỏ công việc ổn định với mức lương “khủng”, chàng kỹ sư IT Nguyễn Hải Châu đã lựa chọn cuộc sống gắn liền với người nông dân Việt và niềm đam mê sáng chế máy móc của mình.

“Vua sáng chế” nông nghiệp

Hiện nay một số máy móc do Nguyễn Hải Châu sáng chế được xuất khẩu sang một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Malaysia... Với gần 30 đại lý phân phối trên cả nước, mỗi năm cơ sở của anh Châu sản xuất ra thị trường khoảng 2.000 máy móc các loại phục vụ nông nghiệp, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Sinh ra trong một gia đình công nhân, sống ở nông thôn từ nhỏ nên Nguyễn Hải Châu (sinh năm 1969, quê gốc Nghệ An) đã có nhiều trăn trở với công việc nặng nhọc của bà con nông dân, những người ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng năng suất công việc lại chẳng thấm tháp vào đâu.

 Sau khi tốt nghiệp Khoa công nghệ thông tin Trường Đại học Mở Hà Nội, Châu đầu quân về làm cán bộ hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông thôn vùng cao của một tổ chức phi chính phủ. Những ngày đầu, đặt chân lên mảnh đất Lạng Sơn, Nguyễn Hải Châu nhận thấy những công cụ lao động người nông dân nơi đây dùng để canh tác vẫn còn rất lạc hậu.

“Người dân cắt lúa bằng tay rồi đập vào đá, trồng cây cứ con trâu đi trước cái cày theo sau mà năng suất lao động không cao. Mặc dù đã có một số máy móc đơn giản, phù hợp với điều kiện kinh tế người dân nơi đây, nhưng lại không cho năng suất cao, tính an toàn rất thấp, nhiều người đã bị tai nạn, bị máy xén mất ngón tay khi sử dụng máy thái rau, băm cỏ. Khi đó tôi trăn trở lắm, phải tìm bằng được cách cải tiến máy móc để phù hợp, an toàn cho người sử dụng” - anh Châu kể lại.

Mỗi sản phẩm trước khi xuất xưởng đều được chàng kỹ sư IT kiểm nghiệm lại lần cuối.

Mỗi sản phẩm trước khi xuất xưởng
đều được chàng kỹ sư IT kiểm nghiệm lại lần cuối.

Nói là làm, Nguyễn Hải Châu quyết định xin nghỉ phép nửa tháng, nửa năm để rồi đến năm 2005 nghỉ hẳn công việc kỹ sư IT với mức lương vào hạng “khủng” thời bấy giờ (khoảng 20 triệu đồng/tháng) để tập trung  vào công việc sáng chế. Anh lang thang khắp các cửa hàng bán máy nông nghiệp, tìm hiểu quy chế vận hành của các loại máy có trên thị trường.

Anh Châu nhớ lại: “Đó cũng là giai đoạn khó khăn nhất khi vốn đầu tư mua máy móc nghiên cứu cạn kiệt dần. Tôi phải xin làm nhân viên tiếp thị, rồi nhân viên giao hàng. Ngày đi làm, tối về thức trắng đêm học cách vẽ phác thảo các bộ phận, chi tiết rồi tính toán công năng và các thông số kỹ thuật. Sau khi nghiên cứu, tôi nhận ra rằng có thể kết hợp nhiều chức năng trong cùng một loại máy để giảm chi phí và tiết kiệm thời gian sản xuất. Ý tưởng phác họa trong đầu, vướng mắc ở đâu tôi lại tìm tòi tài liệu hoặc đến hỏi các bác thợ cơ khí hoặc chuyên nghành về lĩnh vực đó”.

 Sau gần 2 năm mày mò sáng chế, Nguyễn Hải Châu đã trình làng sản phầm đầu tay. Chiếc máy “Máy băm nghiền đa năng 3A" với khả năng làm được 3 việc: băm nhỏ cỏ, thân cây ngô để cho bò ăn, nghiền các loại ngũ cốc khô, cá khô thành bột rồi phối trộn theo công thức để thành cám tổng hợp. Ngoài ra, chiếc máy còn có thể băm, nghiền các loại cây tươi khác.

Duyên với nghiệp sáng chế máy móc

Những tưởng việc chế tạo được chiếc máy đa năng “độc nhất vô nhị” vào thời điểm bấy giờ đã có thể mang lại thành công, thế nhưng việc đưa máy ra thị trường lại là một rào cản không nhỏ. Anh Châu mang sản phẩm ra các đại lý chào hàng và ký gửi, nhưng các cửa hàng từ chối và cho biết khách hàng thấy máy mới không có thương hiệu, lại không biết chất lượng ra sao nên chẳng ai mua.

Anh Châu nghiên cứu các thế hệ máy nông nghiệp tiếp theo.

Anh Châu nghiên cứu các thế hệ máy nông nghiệp tiếp theo.

“Mãi mới có người mua nhưng họ đòi được mua chịu, được trả chậm mới mua" - anh tâm sự. Một vài gia đình dùng thử sau đó thấy hiệu quả bắt đầu đặt mua và giới thiệu bạn bè. Các phản hồi nhiều dần lên, sản phẩm cũng bắt đầu tiêu thụ được một số tỉnh, thành. Không chỉ riêng nông dân ở Hà Nội, nhiều người ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Tây Ninh, Đắk Nông, Gia Lai, Bạc Liêu... cũng giới thiệu đi đến tận nơi đặt hàng.

“Những cuộc điện thoại đầu tiên đặt hàng khiến tôi như ngất đi vì hạnh phúc. Lúc đó, trung bình mỗi ngày tôi làm việc khoảng 20 tiếng, từ vai ông chủ hướng dẫn cho nhân viên, tới công nhân cơ khí ở xưởng hay chạy xe máy hàng trăm cây số mỗi ngày như nhân viên giao hàng để chào mời khách hàng dùng thử sản phẩm” - anh Châu xúc động.

Đến nay, sau nhiều năm bén duyên với nghiệp sáng chế máy móc, Nguyễn Hải Châu đã cho ra đời hàng trăm chiếc máy nông nghiệp từ máy băm rơm, cắt cỏ, nghiền ngô, bột cám, tách hạt, máy nghiền phế phẩm nông nghiệp, máy chế biến thức ăn chăn nuôi... tất cả đều xuất phát từ ý tưởng và trực tiếp qua bàn tay lắp ráp của chàng kỹ sư IT đam mê máy nông nghiệp này.

Các tin khác