DNNVV cần chính sách hỗ trợ bền vững, lâu dài

(ĐTTCO)- Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến trên 95%.

(ĐTTCO)- Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến trên 95%.

 

Hiện nay, số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, sử dụng tới hơn 50% lực lượng lao động và đóng góp hơn 40% GDP.

Nhưng hiện nay khối này vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh như: tín dụng, mặt bằng sản xuất, thị trường…Về lâu dài, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thúc đẩy năng lực sản xuất kinh doanh, phát triển hạ tầng thương mại cũng như mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Trong những năm qua, dù nền kinh tế vẫn còn những khó khăn, số lượng doanh nghiệp thành lập vẫn có xu hướng tăng lên, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy vậy, lâu nay, khối doanh nghiệp này còn chưa có được sự hỗ trợ đúng mức để đạt được sự phát triển tối ưu.

Cụ thể, hơn 80% chính sách, chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động. Một số chương trình mới dừng ở mức ước tính tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia, thậm chí có chương trình không thể đánh giá được mức độ tham gia của các doanh nghiệp...

Vì những lý do trên, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa kỳ vọng, dự thảo Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực doanh nghiệp này, thông qua việc thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia.

Tiến sỹ Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty tư vấn Quốc tế ECONOMICA – VIETNAM mong muốn các biện pháp hỗ trợ sẽ liên kết các doanh nhiệp nhỏ và vừa với những khu vực kinh tế khác như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với thị trường toàn cầu. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp lớn mạnh nhanh hơn và có sức cạnh tranh bền vững hơn.

Đứng từ góc độ cơ quan soạn thảo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được thực hiện xuyên suốt với nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có các giải pháp về hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ thông qua ngân sách khó bền vững và còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ. Vì vậy, điều quan trọng hơn là nhà nước cần gia tăng những giải pháp hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn thời gian tới, việc hỗ trợ phải đi vào thực chất thông qua các giải pháp về tài chính như giảm lãi suất cho vay, hay giảm thuế sẽ góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là các chính sách hỗ trợ của nhà nước nên hướng theo nhu cầu, theo mong muốn của từng nhóm đối tượng doanh nghiệp.

Ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần khóa Việt Tiệp kiến nghị các cơ quan chức năng và mong rằng Nhà nước có những hỗ trợ thật tốt về nền tảng cho doanh nghiệp phát triển.

Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới thông qua việc tham gia và kí kết một loạt Hiệp định thương mại tự do với các nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần có cơ chế, chính sách xuyên suốt, ổn định để có thể tự cạnh tranh bằng thực lực trong nền kinh tế thị trường.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần tập trung tái cơ cấu như công tác quản trị doanh nghiệp, quản lý lao động, cơ sở vật chất, mặt bằng, năng lực về thị trường hay thủ tục pháp lý…để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất kinh doanh.

Các tin khác