Tỷ giá và vàng dễ “nóng”

(ĐTTCO) -  Người dân đang mạnh tay mua vàng dù khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới ngày càng gia tăng. Trong khi đó, tỷ giá USD trên thị trường ngoại hối vẫn không có dấu hiệu đứng yên trước khả năng gần như Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) chắc chắn sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 này.

(ĐTTCO) -  Người dân đang mạnh tay mua vàng dù khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới ngày càng gia tăng. Trong khi đó, tỷ giá USD trên thị trường ngoại hối vẫn không có dấu hiệu đứng yên trước khả năng gần như Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) chắc chắn sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 này.

Cặp đôi tăng giá

Trong tuần đầu tiên của tháng 12, các NH tiếp tục tăng mạnh giá mua USD. Đến ngày 7-12, NHNN công bố tỷ giá trung tâm 22.124 đồng/USD, tăng 4 đồng so với phiên trước. Trong khi giá giao dịch USD tại các NH vào buổi sáng cùng ngày giảm nhẹ khoảng 5 đồng xuống khoảng 22.670-22.760 đồng/USD, tuy nhiên đến buổi chiều giá giảm mạnh 40 đồng/USD. Trong khi đó, USD tự do tiếp tục tăng 30 đồng mỗi USD ở cả 2 chiều mua-bán, ở mức 23.230-23.280 đồng/USD.  

Thời gian qua rất nhiều đồng tiền đã mất giá mạnh so với USD. Chỉ xét riêng 1 tháng gần đây, đồng USD tăng giá 3% so với EUR, 2,2% so với bảng Anh, 8,75% so với yen Nhật Bản, 1,74% so với NDT. Như vậy, việc mất giá của tiền VNĐ trong hơn 1 tháng gần đây vẫn được xem là nhẹ. Do đó áp lực mất giá tiền đồng trong thời gian tới vẫn còn.

Nhiều ý kiến cho rằng tỷ giá biến động mạnh do yếu tố mùa vụ của các doanh nghiệp, khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đã chấm dứt xu hướng giảm so với năm trước. Một lý do khác là kỳ vọng tăng giá của USD khiến các nhà đầu tư gia tăng nắm giữ hoặc mua đồng tiền này để đầu cơ trong tương lai. Đặc biệt khi các chuyên gia và giới phân tích đều nghiêng về xu hướng tỷ giá USD/VNĐ sẽ tiếp tục gia tăng và VNĐ có thể trượt giá 2-3% trong năm 2016. Tính đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 1,1% so với đầu năm, trong khi thời gian còn lại của năm không còn nhiều.

Trong khi đó, thị trường vàng trong nước đang tạo hưng phấn khá tốt cho nhà đầu tư dù giá vàng thế giới giảm. Theo phòng phân tích Doji, vàng có xu hướng giảm giá khi USD tăng. Việc USD tăng mạnh lên mức cao nhất 13 năm rưỡi qua là nhân tố chính khiến giá vàng trên thế giới giảm mạnh. Thế nhưng, mấy ngày qua giá vàng trong nước vẫn tăng. Đến trưa ngày 7-12, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận-PNJ niêm yết quanh 36,25-36,65 triệu đồng, tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua-bán. Đại diện PNJ cho biết nhu cầu vàng miếng SJC gia tăng mạnh, dù chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hơn 4,5 triệu đồng/lượng nhưng lượng khách tham gia giao dịch khá đông, với lượng khách mua vào chiếm hơn 75%. Tương tự, lượng khách mua vào chiếm 65% tổng số giao dịch diễn ra tại DOJI.

Các đơn vị này cho biết do sự mất cân đối giữa lượng mua và bán, nên đa số doanh nghiệp vàng phải kéo giãn biên độ mua vào-bán ra, đồng thời tăng giá bán để giảm bớt rủi ro. Các chuyên gia cho rằng, hiện những biến động của giá vàng trong nước, kết hợp với đà tăng của đồng USD và những dự định của FED vào giữa tháng 12 sẽ khiến xu hướng giá càng khó đoán.   

Ảnh minh họa: LONG THANH
Ảnh minh họa: LONG THANH

 Áp lực cuối năm

Biến động tỷ giá thời điểm cuối năm luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Càng về cuối năm cầu USD càng lớn để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu và thanh toán nợ. Một lãnh đạo doanh nghiệp nhập khẩu tỏ ra lo ngại khi tỷ giá tăng, chẳng hạn một lô hàng nhập khẩu của công ty ông về Việt Nam với giá trị tính bằng USD, quy đổi ra tỷ giá tăng sẽ khiến công ty bị lỗ hoặc phải mua giá cao, nên chi phí giá vốn bị đội lên. Đặc biệt với những hợp đồng đã được ký trước đó bằng VNĐ, việc tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng mạnh tới doanh nghiệp nhập khẩu.

Trong khi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước, tỷ giá tăng sẽ tác động ít hoặc theo chiều hướng tích cực. Thông thường những doanh nghiệp này vay vốn bằng USD quy đổi ra tiền đồng để mua nguyên liệu trong nước, nên nếu tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến giá trị khoản vay này khi quy đổi ra tiền đồng. Do vậy, nếu đánh giá lại tỷ giá sẽ làm tăng chi phí tài chính đáng kể. Tuy nhiên, xuất khẩu thu về USD lại có lợi nên có thể bù đắp được.

Theo một chuyên gia tài chính, về mặt lý thuyết khi VNĐ mất giá sẽ hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu. Dù vậy, việc tiền đồng mất giá có lợi hay không còn phải so sánh tương quan với việc mất giá đồng tiền của các quốc gia có hàng hóa xuất khẩu đang cạnh tranh với hàng hóa tại Việt Nam. Nếu tiền đồng cũng mất giá nhưng ít hơn đồng tiền của quốc gia có mặt hàng xuất khẩu đang cạnh tranh thì cũng vô nghĩa.

Nhiều nhận định cho rằng áp lực tiền đồng mất giá đang khá lớn dù năm 2016 Việt Nam vẫn thặng dư cán cân thương mại. Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), VNĐ đã được kiểm soát ở mức ổn định trong thời gian dài, trong khi đồng NDT liên tục trượt giá trong năm nay. Nếu VNĐ tiếp tục duy trì ổn định, Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc và thâm hụt thương mại với Trung Quốc sẽ gia tăng. Việc thâm hụt thương mại trở lại làm giảm thăng dự thương mại từ đầu năm, góp phần làm giảm nguồn cung USD, tạo ra thêm áp lực giảm giá cho VNĐ.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN:

NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường vàng

Từ cuối tháng 11-2016, chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế tăng, có thời điểm lên đến 4,4 triệu đồng/lượng, nhưng chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu trong nước với giá vàng quốc tế quy đổi (chưa tính phí) chỉ ở mức dưới 1 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, thị trường vàng ổn định, khối lượng giao dịch mua, bán vàng miếng trong ngày vẫn duy trì ở mức thấp, tiếp tục giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2015, không có tình trạng người dân xếp hàng, đổ xô đi mua vàng như những thời kỳ trước đây.

Nguyên nhân của hiện tượng chênh lệch giá tăng thời gian qua do sự sụt giảm của giá vàng quốc tế khi USD tiếp tục tăng giá so với những đồng tiền chủ chốt khác, lợi suất trái phiếu của Hoa Kỳ tăng cao và sự lạc quan về triển vọng của thị trường tài chính trong đại bộ phận giới đầu tư, vì FED nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trong phiên họp chính sách định kỳ diễn ra vào cuối năm nay. Giá vàng quốc tế hiện ở mức 1.170USD/oz, mức thấp nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây. Trong khi đó, do trước đây các doanh nghiệp và người dân đã mua vàng với giá cao chưa muốn bán vàng ra nên giá vàng trong nước dù có giảm theo giá vàng quốc tế, nhưng với tốc độ chậm hơn và trong biên độ hẹp hơn, từ mức 37 triệu đồng/lượng xuống còn 36,62 triệu đồng/lượng (chỉ giảm khoảng 380.000 đồng/lượng).

NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường và khẳng định sẵn sàng các phương án, đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết. Việc can thiệp bình ổn thị trường vàng sẽ được thực hiện nhất quán với chủ trương quản lý thị trường vàng theo định hướng của Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định 24 đã phát huy hiệu quả tích cực. Thị trường vàng ổn định, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm. NHNN tiếp tục quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng, tạo điều kiện phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ một cách lành mạnh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân cũng như doanh nghiệp.

Các tin khác