Cây bút làng

(ĐTTCO) - Tuổi thơ bất hạnh, lớn lên không được học hành đến nơi đến chốn, làm thợ sơn guốc sống qua ngày, vậy mà chàng trai Nguyễn Văn Tài đã vượt lên chính mình bằng nghề cầm bút, trở thành một tác giả lớn và độc đáo viết về làng quê. Ông chính là nhà văn Kim Lân (1921-2007), một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam đương đại.

(ĐTTCO) - Tuổi thơ bất hạnh, lớn lên không được học hành đến nơi đến chốn, làm thợ sơn guốc sống qua ngày, vậy mà chàng trai Nguyễn Văn Tài đã vượt lên chính mình bằng nghề cầm bút, trở thành một tác giả lớn và độc đáo viết về làng quê. Ông chính là nhà văn Kim Lân (1921-2007), một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam đương đại.

Chất liệu sống từ gia đình, quê hương

Ngày 1-8-2016 vừa qua sinh nhật lần thứ 95 của nhà văn Kim Lân, một bậc tài hoa của làng Chợ Giàu, thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ những năm 1940, ông có truyện ngắn đầu tiên Đứa con người vợ lẽ đăng ở tờ Trung Bắc Chủ nhật. Từ đó, truyện của Kim Lân đăng khá đều trên tuần báo này cùng tờ Tiểu thuyết thứ bảy, đề tài chủ yếu là chuyện về thú chơi tiêu khiển gà chọi, chó săn, chim bồ câu... những sinh hoạt văn hóa truyền thống ở thôn quê.

Ngoài bối cảnh là ngôi làng Chợ Giàu quê hương, nhân vật trong những truyện ngắn đầu tiên ông viết đều nói về bản thân mình, gia đình mình. “Truyện Làng tôi viết về làng Chợ Giàu, nhưng chẳng có ai là Lão Hai cả. Lão Hai chính là tôi. Viết đi viết lại hình như cuối cùng câu chuyện cũng là mình. Khỉ thế! Từ tình cảm đến lời ăn tiếng nói, tính nết, cách xử sự việc đời của nhân vật, đều chính là mình” - sinh thời nhà văn thổ lộ.

Ngay cả truyện ngắn đầu tiên Đứa con người vợ lẽ, nhà văn Kim Lân cũng phản ánh chính nỗi cơ cực, tủi hờn của mẹ con mình. Khi truyện in báo, ông anh Cả (con bà Cả) đọc được cứ mãi theo chất vấn hạch sách Kim Lân. Nhà văn nhớ lại: “Mẹ tôi là vợ ba, lại là dân ngụ cư quê gốc ở Kiến An, Hải Phòng làm thợ cấy phiêu bạt khắp nơi. Cho nên mẹ bị gia đình chồng coi thường. Mẹ phải hầu hạ như một vú em trong nhà. Không ai xem mẹ tôi là vợ của bố cả. Những người con của 2 bà lớn đều gọi mẹ tôi là “chị Tam”. Hồi nhỏ, tôi cứ đinh ninh Tam là tên của mẹ. Sau Cách mạng Tháng Tám, tôi mới biết mẹ tên là Náng (ông ngoại tôi tên Nếnh), còn dì tôi tên Mủng. Nếnh, Náng, Mủng - chỉ cái tên thôi cũng thấy cái thân phận thấp hèn, trôi nổi của dân ngụ cư lúc đó”.

Việc khắc họa thành công hình tượng người phụ nữ với những tính cách, số phận điển hình trong những hoàn cảnh điển hình chính là yếu tố quan trọng giúp nhà văn Kim Lân dựng nên những truyện ngắn đặc sắc. Trong truyện ngắn tiêu biểu nhất Vợ nhặt, nhân vật bà cụ Tứ chính là hình ảnh của mẹ ông. Còn người vợ trong truyện cũng có nguyên mẫu người vợ của ông, nhưng giống hoàn cảnh thôi, còn vợ ông ngoài đời được cưới xin đàng hoàng chứ không phải vợ nhặt. Nhà văn Kim Lân cho biết, thời trẻ ông là con nhà nghèo, người gầy gò xấu xí.

Dù có say mê người đẹp, nhưng vì mặc cảm ông thường lánh, ít dám trò chuyện. Kim Lân hay đến chơi nhà người bạn thân Nguyễn Văn Bảy, một người cũng có máu văn nghệ, sau này trở thành người tham gia sáng lập xưởng Phim truyện Việt Nam đầu tiên. Bấy giờ, ông Bảy có người em gái ruột xinh xắn, Kim Lân thấy thích nhưng không dám nói. May mà, theo lời ông: “Bà ấy chắc cũng thích tôi nên chuyên môn dúi cho tôi... mận. Sau anh Bảy biết, anh ấy “ghép” cho, thế là chúng tôi nên vợ nên chồng. Nhưng cũng phải mất gần 4 năm tôi mới cưới được bà. Bà ấy giúp tôi rất nhiều. Tôi đi kháng chiến, viết văn, còn chuyện gia đình phó thác cho bà. Bà làm đủ thứ nghề, từ buôn bán hàng rong từng quả mận, quả cau, quả bí, quả bầu tới may vá, mở hàng bán nước kiếm từng đồng từng cắc nuôi chồng, nuôi con. Chúng tôi được 7 đứa con, mà hết 5 là họa sĩ. Tôi nghiệm thấy vợ các nhà văn đều tốt, lại “nghiện” chồng lắm. Điển hình như bà Nguyên Hồng, bà Nguyễn Tuân”. 

Nhà văn Kim Lân bên bức chân dung ông do con gái - họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẽ.

 Nhà văn Kim Lân bên bức chân dung ông do con gái - họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẽ.

Sáng tạo trên nền hiện thực đời sống

Đối với nhà văn Kim Lân, cách mạng không chỉ mang lại sự thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình, mà còn giúp đổi thay sự nghiệp cầm bút của ông. Khi tham gia hoạt động văn hóa cứu quốc, ông được gặp và trao đổi nghề nghiệp với các nhà văn Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài... Từ đó, cách viết của Kim Lân bắt đầu đổi khác: Trình độ một anh nhà quê viết theo bản năng, cảm tính mới dần dần thấy được công việc thực sự của người viết văn chuyên nghiệp.

Và bài học mà ông rút ra: “Những chuyện thật tôi ghi lại được đều nhạt nhẽo và khô cứng. Nhưng sự thật cũng có giá trị của sự thật, rất giá trị, rất cần thiết. Tất cả những truyện Vợ nhặt, Ông lão hàng xóm, Con chó xấu xí đều dựa trên cái nền là sự thật. Còn những truyện khác, kể cả Làng, hầu hết là tôi bịa. Bịa cả nhân vật lẫn tình tiết. Bởi không có sự thật nào như thế cả. Nhưng cái bịa ấy là cái điều chính tác giả muốn nói.

Và chính tác giả muốn nói nên mới sinh ra cái bịa. Gọi là bịa chứ kỳ thực chính là sáng tạo”. Nhà văn Kim Lân lý giải: “Vì sao phải bịa? Người viết muốn nói một việc gì, một ý nghĩ gì chuyện đời thường hàng ngày tự thân đã có tiếng nói riêng của nó. Còn tiếng nói của chính tâm linh người viết chỉ có bịa mới ra được. Nhưng như vậy không có nghĩa là nó tách rời hoàn cảnh xã hội, tách rời đời sống, mà hình như nó thực hơn. Chính vì vậy tôi cũng thường nói bịa lại thực hơn. Vì nó thực với chính mình trước tiên. Và kỳ lạ khi mình bịa, mình viết say mê hơn nhiều. Không biết khi mình say sưa bịa ấy có phải là những giây phút thăng hoa nhất của người viết không?”.

Một điều nữa nhà văn Kim Lân trăn trở khi trò chuyện, đó là trong mấy mươi năm nhiều cây bút thường viết chạy theo thời sự, nói về chính sách hay một cuộc chiến đấu nhằm cổ vũ cho chính sách hay cuộc chiến đấu đó. Nếu so với hàng ngàn năm lịch sử dân tộc trước đây, chỉ có một số ít bài thơ yêu nước và thể hiện tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu... Còn trong khoảng nửa sau thế kỷ 20, văn học Việt Nam xuất hiện cả một bề dày tác phẩm đồ sộ viết về đề tài này. Ông nói: “Theo tôi, kháng chiến và mọi chính sách chỉ nên quan niệm là cái nền của con người đang sống. Con người vẫn là quan trọng. Ngòi bút của tôi hướng về cái đời thường, diễn ra hàng ngày, về quan hệ vợ chồng, con cái. Qua đó, tôi cũng có thể thấy được chính sách hay cuộc chiến đấu nó có tác động vào đời sống như thế nào”.

Từ quan niệm trên, nhà văn Kim Lân không thích dùng lý lẽ trong những trang viết. Bởi theo ông, dùng lý lẽ để thuyết phục trong văn chương cũng là một thứ cưỡng chế. Những lý lẽ ma giáo ấy nhiều khi làm cho người ta không giữ được chính mình. Nói một cách khác, người cầm bút phải viết như chơi, viết thoải mái bằng tấm lòng của mình, hướng vào cái thật, cái đẹp, giúp cho con người sống thật, sống đẹp với nhau. Và khi nhà văn gặp cái gì trái với cái thật, cái đẹp phải biết bất bình, dám lên tiếng.

Các tin khác