Cấp bách cải thiện môi trường, đô thị

(ĐTTCO) - Ngày 7-12, kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với nội dung thảo luận tình hình kinh tế- xã hội TP năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2017. Trong 2 ngày làm việc cũng như các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, những vấn đề về môi trường đô thị vẫn luôn là nội dung được người dân quan tâm hàng đầu.

(ĐTTCO) - Ngày 7-12, kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với nội dung thảo luận tình hình kinh tế- xã hội TP năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2017. Trong 2 ngày làm việc cũng như các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, những vấn đề về môi trường đô thị vẫn luôn là nội dung được người dân quan tâm hàng đầu.

Kiến nghị tâm huyết

TPHCM làm ra của cải vật chất rất nhiều, thu ngân sách năm nào cũng đạt và vượt, nhưng đời sống của người dân TP có chất lượng rất thấp ở một số lĩnh vực. Trong đó, rác là một điểm nghẽn. Đại biểu lo ngại TP văn minh nhưng vứt rác tràn lan, làm sao thu hút du lịch cho được. Vận động Nhân dân không xả rác bừa bãi là cần thiết nhưng quan trọng là cách tổ chức, quản lý của mình sao cho đồng bộ. HĐND TPHCM sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề, bàn vấn đề này vì nếu chúng ta không bắt đầu không thể có kết thúc.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM

Nhiều đại biểu cho biết tình trạng tái lập mặt đường sau khi thi công các dự án điện, nước không đảm bảo gây nguy hiểm cho người dân dù đã bị phản ánh không biết bao nhiêu lần nhưng hiện vẫn xảy ra khá khổ biến trên địa bàn TP. Ngoài ra, hàng loạt vấn đề bức xúc khác cũng đã được phản ánh nhiều lần nhưng chưa được giải quyết triệt để, như: Tình trạng cấp phép các nhà cao tầng trong nội thành dẫn đến giao thông quá tải; xây dựng không phép sai phép; càng chống càng ngập; chậm thu hồi đất các dự án chậm triển khai… Các đại biểu yêu cầu các cơ quan chức năng của TP phân tích làm rõ nguyên nhân để có giải pháp giải quyết hiệu quả những bức xúc của người dân; cần công khai lộ trình thực hiện các dự án công cộng để người dân biết...

Nhìn chung, các kiến nghị liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, giao thông vận tải, quy hoạch, chậm tiến độ thực hiện các dự án, đất đai, môi trường, chế độ chính sách, văn hóa xã hội, nước sạch, giảm ngập nước, an ninh trật tự… Trước những bức xúc của người dân, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, nói: “Đây là những kiến nghị đầy tâm huyết, thể hiện niềm tin, kỳ vọng của cử tri gửi gắm đến các đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, UBND TP tiếp thu, ghi nhận và nỗ lực xử lý, giải quyết… Tuy nhiên, không ít bức xúc của người dân chúng tôi vẫn còn nợ, chưa thể giải quyết hết. Đơn cử, có tới 24 vấn đề liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải trên khắp địa bàn TP đã được cử tri đặt ra hết sức cụ thể, đòi hỏi TP phải khẩn trương giải quyết. Song, có những cái trong thẩm quyền TP đã xử lý; có những vụ việc còn phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, bộ, ngành… vẫn chưa thể dứt điểm ngay".

Những vấn đề cụ thể

Liên quan đến đất đai, môi trường, nổi lên là kiến nghị của 90 hộ dân khu K 300, sau nhiều năm vẫn chưa được xem xét nộp tiền thuế sử dụng đất để hợp thức hóa chủ quyền nhà. Về ô nhiễm môi trường, trước tình trạng Công ty TNHH Nông sản Việt Phước (Bình Phước) xả xác heo chết ra thượng nguồn sông Sài Gòn gây ô nhiễm nguồn nước, UBND TP đã đề nghị Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai khảo sát, đánh giá và có giải pháp cải thiện ô nhiễm dòng nước.  Hoặc cử tri quận 12 phản ánh đã mua đất của Công ty Tân Hoàng Uy hơn 16 năm nay nhưng chưa được chủ đầu tư làm việc với cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với công ty. Nhiều dự án khác trên địa bàn quận 12 như khu nhà ở của Công ty Nam Long, chủ đầu tư không hoàn thành các hạng mục hạ tầng, chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu và tiếp nhận, gây ngập úng, ô nhiễm cho người dân.

Tình trạng kẹt xe, ngập nước được người dân phản ánh nhiều.

Tình trạng kẹt xe, ngập nước được người dân phản ánh nhiều.

Tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Quang Thắng cho biết hiện nay có hơn 8 triệu xe máy, gần 700.000 ô tô, đất giao thông lại phân bố không đồng đều giữa các khu vực dẫn đến ùn tắc giao thông. Do đó ngay từ bây giờ chúng ta phải có giải pháp căn cơ, như tính đến chuyện cấm nhập xe gắn máy, hạn chế ô tô. Cần quy hoạch lại mạng lưới trường học, bệnh viện, quy hoạch chỗ đậu xe… Nhiều vấn đề mà đại biểu, người dân phản ánh tại kỳ họp không mới, thậm chí nhiều vụ việc đã phản ánh hàng chục năm trước nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chính vì vậy đã làm giảm sút niềm tin của người dân vào cơ quan chức năng. Một cử tri tại quận 12 cho biết khi được địa phương yêu cầu đi tiếp xúc đại biểu, bà nói ngay: “Đừng mời tôi nữa, nói hoài có ai giải quyết đâu”.

Theo đại biểu Trương Lâm Thanh, cháy nổ, kẹt xe, rác thải, ùn tắc giao thông, sự phục vụ của xe buýt… là các vấn đề cử tri và đại biểu nói hoài. Và hậu quả rất lớn. Điểm chung của các vấn đề trên là việc thực hiện công tác quản lý của chúng ta chưa nghiêm, xử lý chưa đến nơi đến chốn. Nói đến ô nhiễm, ngập nước, ai cũng kêu hết. Song 10 tháng qua, cả TP chỉ mới xử phạt được vài chục trường hợp trong hàng trăm trường hợp bị phát hiện gây ô nhiễm hay chiếm vị trí kênh rạch, tuyến ống, hầm ga, cửa xả khiến ngập nước. Ở các nước, quăng một điếu thuốc xuống đường đã bị phạt, trong khi ở TP những vụ việc này xảy ra thường xuyên, phát hiện nhiều quá nhưng cách xử lý không nghiêm, không đến nơi đến chốn. Đại biểu Thanh cho rằng cần phải có giải pháp kiểm tra, chấn chỉnh, đồng thời có biện pháp xử lý tương xứng với hành vi.

Trong khi đó, đại biểu Lê Trương Hải Hiếu bày tỏ sự bức xúc về việc quy hoạch hiện nay đang theo kiểu đụng đâu làm đó. Trong tổ chức thực hiện quy hoạch, đáng lý ra Viện Nghiên cứu phát triển, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc… phải trình bày trước HĐND TP phương án tổ chức thực hiện quy hoạch hàng năm. Như tại kỳ họp cuối năm 2016 này, phải trình bày phương án tổ chức quy hoạch năm 2017 để HĐND TP hình dung được đường đi nước bước của TP trong các năm sẽ như thế nào, đường nào mở thêm, thêm khu nào giải tỏa, phát triển khu nào… giúp đại biểu có thông tin và góp ý kiến.

Các tin khác