10 gương mặt nguyên thủ tham nhũng

(ĐTTCO) - Cựu Tổng thống El Salvador Elias Antonio Saca cùng 6 nghi phạm khác đã bị bắt trong một vụ án mới nhất liên quan đến tệ nạn tham nhũng ở hàng nguyên thủ quốc gia, cho thấy tệ nạn tham nhũng đã lên đến cao trào. Trong 10 gương mặt đứng đầu trong danh sách các nguyên thủ quốc gia tham nhũng nhất lịch sử cận đại, dựa trên số tiền tham nhũng bị cáo buộc chính thức, có 3 nguyên thủ đến từ châu Mỹ, 3 nguyên thủ châu Phi, 2 nguyên thủ châu Âu và 2 nguyên thủ châu Á. Rõ ràng “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, khi người đứng đầu nhà nước là kẻ tham nhũng, đất nước đó chắc chắn chìm trong nạn tham nhũng.

(ĐTTCO) - Cựu Tổng thống El Salvador Elias Antonio Saca cùng 6 nghi phạm khác đã bị bắt trong một vụ án mới nhất liên quan đến tệ nạn tham nhũng ở hàng nguyên thủ quốc gia, cho thấy tệ nạn tham nhũng đã lên đến cao trào. Trong 10 gương mặt đứng đầu trong danh sách các nguyên thủ quốc gia tham nhũng nhất lịch sử cận đại, dựa trên số tiền tham nhũng bị cáo buộc chính thức, có 3 nguyên thủ đến từ châu Mỹ, 3 nguyên thủ châu Phi, 2 nguyên thủ châu Âu và 2 nguyên thủ châu Á. Rõ ràng “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, khi người đứng đầu nhà nước là kẻ tham nhũng, đất nước đó chắc chắn chìm trong nạn tham nhũng.

Thẻ tín dụng “không đáy”

Xếp vị trí thứ 10 là Arnoldo Aleman, Tổng thống Nicaragua từ năm 1997-2002. Ngay sau khi rời nhiệm sở năm 2002, Tổng thống đời thứ 81 của Nicaragua bị bắt với cáo buộc tham nhũng liên quan đến 100 triệu USD trong các quỹ nhà nước. Năm 2003, ông bị kết tội rửa tiền, gian lận, biển thủ và vi phạm bầu cử, bị kết án 20 năm tù giam. Vụ tham nhũng tiếp tục bị phanh phui và thêm 14 người khác bị bắt giữ, bao gồm nhiều thành viên gần gũi trong gia đình tổng thống.

Aleman nổi tiếng với việc sử dụng một thẻ tín dụng “không đáy” của chính phủ cho các chi tiêu cá nhân, các khoản tiền bao gồm 25.955USD cho tuần trăng mật tại Italia, 68.506USD cho chi phí khách sạn và hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ trong đợt đi nghỉ ở Ấn Độ (với vợ), và 13.755USD cho 1 đêm tại khách sạn Ritz Carlton ở Bali. Tiền tham nhũng của ông được rửa qua các công ty vỏ bọc và tài khoản đầu tư giả ở Panama và Hoa Kỳ, sau đó sử dụng để mua các tài sản có giá trị cao bao gồm bất động sản và chứng chỉ tiền gửi. Các tài khoản cũng được sử dụng để phân chia số tiền tham ô cho các thành viên gia đình của ông này.

Mỗi ngày nửa triệu USD

Xếp trên Aleman 1 bậc là Pavlo Lazarenko, Thủ tướng Ukraine từ 1996-1997. Một tính toán của Liên hiệp quốc cho thấy Pavlo Ivanovych Lazarenko đã biển thủ 200 triệu USD từ ngân sách nhà nước (tương đương nửa triệu USD/ngày trong thời gian làm thủ tướng). Số tiền này sau đó được chuyển vào nhiều tài khoản ngân hàng ở Ba Lan, Thụy Sĩ và Antigua (một đảo thuộc quần đảo Leeward nằm trong biển Caribe), sau đó được rửa thông qua những công ty bình phong ở Hoa Kỳ và dùng để mua nhiều tài sản.

Vào tháng tháng 12-2008, Lazarenko đã bị chính phủ Thụy Sĩ bắt giữ về tội rửa tiền khi ông vượt biên từ nước Pháp sang, nhưng được thả sau đó vài tuần sau khi đóng 3 triệu USD bảo lãnh. Vài tháng sau, Ukraine tước quyền miễn trừ ngoại giao của ông và ông trốn sang Hoa Kỳ. Nhưng ở đó ông cũng bị bắt giữ vì nghi ngờ nhập cảnh bất hợp pháp. Sau đó ông bị truy tố về 53 tội danh âm mưu, rửa tiền, lừa đảo và vận chuyển của gian. Vào tháng 11-2009, ông bị một tòa án California phạt tù 97 tháng, phải nộp phạt hơn 9 triệu USD tiền mặt và 22,8 triệu USD dưới các dạng tài sản khác. Lazarenko đã được thả khỏi một nhà tù liên bang Hoa Kỳ vào tháng 11-2012.

Người hùng tham nhũng

Đứng thứ 8 trong danh sách là Alberto Fujimori, Tổng thống Peru từ 1990-2000. Là con trai của một người nhập cư Nhật Bản, Alberto Fujimori là Tổng thống thứ 45 của Peru. Một “người hùng” độc tài, ông có công lớn trong việc dập tắt sự bùng lên của chủ nghĩa khủng bố trên toàn quốc, cũng như giải cứu đất nước khỏi sự sụp đổ kinh tế. Tuy nhiên, trong suốt 1 thập niên nắm quyền, Fujimori bị cáo buộc đã tích lũy bất hợp pháp hơn 600 triệu USD trong các quỹ công cộng.

Vào tháng 4-2001, 4 tháng đầu trong nhiệm kỳ thứ ba của ông, Fujimori trốn sang Nhật Bản sau khi vỡ lở vụ bê bối tham nhũng 1 tỷ USD có liên quan đến giám đốc tình báo Vladimiro Montesinos. Tháng 11-2005, ông bay đến Chile (từ Nhật Bản) nhưng bị bắt và bị dẫn độ về Peru. Sau khi thừa nhận việc chuyển 15 triệu USD công quỹ cho vị giám đốc tình báo, ông bị kết tội tham ô, và tháng 7-2009 bị kết án 7 năm rưỡi tù giam. 2 tháng sau đó, ông đã nhận tội một vụ hối lộ khác, bị kết án thêm 6 năm tù nữa. Năm 2015, Fujimori tiếp tục nhận tội với các cáo buộc hối lộ và tham nhũng (vụ thứ 5) và bị thêm 8 năm tù vào bản án.

Tổng thống buôn ma túy

Ở vị trí thứ 7 là Jean-Claude Duvalier, Tổng thống Haiti từ 1971-1986. Năm ông này lên nắm quyền, Bộ Thương mại Hoa Kỳ báo cáo 64% doanh thu của chính phủ đã bị chiếm dụng, với hàng triệu USD chuyển cho các chi phí ngoài ngân sách, bao gồm cả các khoản tiền gửi vào các tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ. Trong suốt triều đại 15 năm của mình, Duvalier và bạn bè của ông bị cáo buộc tích lũy 300-800 triệu USD. Năm 1980, IMF cung cấp cho Haiti 22 triệu USD viện trợ. Nhưng có đến 20 triệu USD bị bòn rút, với 16 triệu USD vào tay gia đình Duvalier.

Trong chương trình kiếm tiền khác, chính phủ đã mua máu từ các nhà thiện nguyện Haiti với giá 5USD/panh (0,57 lít) và bán cho Hoa Kỳ với giá 35USD/panh. Duvalier cũng kiếm hàng triệu USD từ việc tham gia buôn bán ma túy và các bộ phận cơ thể người. Năm 1985, sau một cuộc trưng cầu dân ý được cho là có tới 99,9% dân số tham gia, Duvalier được làm tổng thống suốt đời. Tuy nhiên, ông đã bị lật đổ bởi cuộc tổng nổi dậy vào năm sau đó và phải chạy trốn sang Pháp, nơi ông sống lưu vong trong 25 năm tiếp theo. Năm 2011, ông bất ngờ trở lại Haiti và đã bị bắt giữ, bị buộc tội tham nhũng và biển thủ. Tuy nhiên, sau khi Duvalier chết vì một cơn đau tim vào tháng 10-2014, vụ án rơi vào quên lãng.

Tội phạm chiến tranh

Ở vị trí kế tiếp là Slobodan Milosevic, Tổng thống Serbia/Yugoslavia từ 1989-2000. Slobodan Milosevic có 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống Serbia (1990-1997) trước khi trở thành Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Nam Tư. Tuy nhiên, ông nổi tiếng nhất với vai trò trong các cuộc chiến tranh Nam Tư, khi gây ra những vụ thảm sát và ngược đãi ở Kosovo, Croatia và Bosnia trong những năm 1990. Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ (ICTY) sau đó truy tố ông về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại.

Một cuộc điều tra chung của Nam Tư, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Trưởng Công tố viên tội ác chiến tranh của Liên hiệp quốc cho thấy Milosevic, gia đình và một mạng lưới 200 chính trị gia, doanh nhân trung thành đã tham ô vài tỷ USD công quỹ để sử dụng cho các mục đích cá nhân. Trong khi Ngân hàng Trung ương Nam Tư ước tính có tới 4 tỷ USD đã bị tham ô. Trường hợp lớn nhất là vụ bán công ty điện thoại di động nhà nước PTT Serbia cho một tổ hợp các công ty điện thoại Italia và Hy Lạp. Công ty này được bán với giá khoảng 1 tỷ USD, nhưng có tới 550 triệu USD không bao giờ được gửi vào tài khoản nhà nước. Milosevic chết vì một cơn đau tim vào năm 2006, trước khi phiên tòa đưa ra phán quyết.

(Còn tiếp)

Các tin khác