Khép lại một cung trầm

(ĐTTCO) - Sáng 1-12-2016, sau khi cùng vợ đi tập thể dục về, ca sĩ Quang Lý bị một cơn nhồi máu cơ tim đột ngột. Không kịp cấp cứu, ca sĩ Quang Lý đã qua đời ở tuổi 68, lúc giọng hát đắm đuối của ông vẫn còn khiến bao người say mê.

(ĐTTCO) - Sáng 1-12-2016, sau khi cùng vợ đi tập thể dục về, ca sĩ Quang Lý bị một cơn nhồi máu cơ tim đột ngột. Không kịp cấp cứu, ca sĩ Quang Lý đã qua đời ở tuổi 68, lúc giọng hát đắm đuối của ông vẫn còn khiến bao người say mê.

NSƯT Quang Lý sinh năm 1949 tại Thái Lan. 9 tuổi, ông theo gia đình về Hải Phòng. Năm 1983, ông bắt đầu gắn bó với Đoàn ca múa nhạc Bông Sen - TPHCM và được khán giả cả nước yêu mến qua những ca khúc trữ tình cách mạng. NSƯT Quang Lý có lẽ là một trường hợp đặc biệt trong giới âm nhạc. Công chúng chỉ biết đến ông và hâm mộ ông qua giọng hát, chứ không hề có tác động bởi bất kỳ giai thoại nào.

Chuyện phát ngôn gây ấn tượng Quang Lý không có, thị phi danh lợi Quang Lý cũng không. Và cả chuyện thường gặp ở làng văn nghệ, tình ái lăng nhăng, ông cũng chẳng có. Hình dung về ca sĩ Quang Lý rất đơn giản, đó là người đàn ông có lối sống thầm lặng, có đôi mắt lúc nào cũng lấp lánh cái nhìn gần gũi, có nước da ngăm ngăm và khuôn mặt có lúm đồng tiền khi cười thật hiền lành. Xét vẻ bề ngoài, Quang Lý có nét lịch lãm của một trí thức nhiều hơn một nghệ sĩ.

Ca sĩ Quang Lý không bia, không rượu, không thuốc lá và rất quan tâm đến sức khỏe bản thân. Vì vậy, sự ra đi bất ngờ của ông làm bạn bè và công chúng bàng hoàng. Có lẽ đó cũng là số mệnh, số mệnh đánh đố và số mệnh trớ trêu.

 Tôi quen với ca sĩ Quang Lý gần 20 năm, nhưng rất ít dịp gặp nhau. Thỉnh thoảng chỉ nghe ông gọi điện thông báo, đại khái: “Tối qua có người mời anh hát “Dịu dàng ơi”, khán giả hoan nghênh ghê lắm”. Đấy là ông nhắc bài hát kỷ niệm giữa ông, nhạc sĩ Phú Quang và tôi. Năm 2003, nhạc sĩ Phú Quang phổ bài thơ “Dịu dàng ơi” của tôi thành ca khúc, và ca sĩ Quang Lý là người hát đầu tiên. Suốt hơn 1 thập niên qua, ca sĩ Quang Lý vẫn là người hát “Dịu dàng ơi” truyền cảm nhất.

Có duyên hạnh ngộ, ca sĩ Quang Lý mới thổ lộ dăm điều về cuộc đời ông. Ca sĩ Quang Lý nếm trải thời niên thiếu và thời thanh xuân ở thành phố cảng Hải Phòng, trong một gia đình đông con. Trong 12 anh chị em, ca sĩ Quang Lý thứ 11. Thuở nhỏ, Quang Lý vốn nhút nhát và thường bị bắt nạt. Niềm an ủi của Quang Lý là những lúc quanh quẩn bên cạnh mẹ, được nghe bà hát dân ca.

Chính những giai điệu xao xuyến từ trái tim người mẹ đã thổi vào ông tình yêu âm nhạc. Tốt nghiệp phổ thông, Quang Lý vào học Trường Trung cấp Đường sắt Hải Phòng với mơ ước một ngày nào đó được lái tàu đi dọc Việt Nam. Thế nhưng, khi Quang Lý về nhận công tác ở Nhà máy Toa xe Hải Phòng, người ta chỉ đánh giá cao chàng thanh niên Quang Lý ở lĩnh vực ca hát.

Ở tuổi 68, ca sĩ Quang Lý vẫn ấp ủ nhiều dự định. Sau album “Cung trầm” phát hành năm 2009 gồm 8 ca khúc, Quang Lý còn nhiều sáng tác muốn công bố. Thế nhưng, khi vừa hào hứng “The mash up - Hoán chuyển bất ngờ” như một cách khuyến khích thế hệ ca sĩ tiếp nối, ca sĩ Quang Lý đã vẫy chào cõi nhân gian, để lại tiếng hát buồn thương trong trái tim bao người.

Ở tuổi 68, ca sĩ Quang Lý vẫn ấp ủ nhiều dự định. Sau album “Cung trầm” phát hành năm 2009 gồm 8 ca khúc, Quang Lý còn nhiều sáng tác muốn công bố. Thế nhưng, khi vừa hào hứng “The mash up - Hoán chuyển bất ngờ” như một cách khuyến khích thế hệ ca sĩ tiếp nối, ca sĩ Quang Lý đã vẫy chào cõi nhân gian, để lại tiếng hát buồn thương trong trái tim bao người.

Một ngã rẽ thú vị đã đến với ông. Năm 1970, Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam xuống Hải Phòng để tuyển chọn ca sĩ mới, các đồng nghiệp xúi Quang Lý tham gia. Không dám trông thẳng lên bàn giám khảo có nhạc sĩ Hồ Bắc đang ngồi chăm chú, Quang Lý nhắm tịt mắt hát ca khúc vừa ra đời ca ngợi quê hương mình “Thành phố hoa phượng đỏ”. Hát xong, Quang Lý hé mắt ra, đã thấy Hồ Bắc đứng trước mặt. Ông nhạc sĩ lừng lẫy bảo cậu thí sinh trẻ măng: “Ngày mai cậu theo tớ lên Hà Nội”. Thuở khởi nghiệp theo hồi ức của Quang Lý: “Lần đầu tiên nghe tiếng hát của mình qua sóng phát thanh, tâm hồn cứ như bay bổng lên mây”.

Khi ca sĩ Quang Lý đã thành danh với những bản tình ca, rất nhiều người đẹp vây quanh. Thế nhưng, người đàn ông hào hoa ấy lại có cách cư xử rất khéo léo và rất chừng mực. Ông lý giải: “Mình không thể làm tổn thương vợ. Tôn trọng vợ cũng là tôn trọng công sức của mình.

Ngày xưa, mình phải tốn bao nhiêu buổi chiều đưa cô ấy ra đê sông Hồng và hát cho cô ấy nghe, mới cầu hôn được đấy”. Tôi tin ca sĩ Quang Lý chân thành, vì ông đã viết ca khúc “Xin cám ơn” để ghi nhớ ngày cưới của họ: “Mỗi sớm mai vừa thức dậy. Từng cơn gió mát lạnh, thì thầm gọi tên em. Mỗi sớm mai vừa thức dậy, lời ngọt ngào đầu tiên, anh nói yêu em. Ôi! Tình em, tình em chắp cánh ta bay. Xin cám ơn hương đời, xin cám ơn tình em cho ta một bài ca…”.

Ca sĩ Quang Lý có 2 người con, 1 trai 1 gái, đều du học nước ngoài và thành đạt. Con trai đầu làm ngân hàng, còn con gái sau tên Nguyệt Anh cũng có gen di truyền của bố nên hát rất hay. Thế nhưng Quang Lý không bao giờ có ý định dùng uy tín nghề nghiệp của mình để lăng-xê Nguyệt Anh. Ông nói rõ quan niệm với con gái: “Nghệ thuật không thể cưỡng cầu, và cũng không thể dùng thủ đoạn lối ngang ngõ tắt”.

Một điểm đặc biệt nữa của ca sĩ Quang Lý là ông không thích quỵ lụy vào bất kỳ sự ban ơn nào. Có người khuyên Quang Lý làm đơn xin phong tặng NSND và còn mách nước cho vài đường đi nước bước cần thiết. Nhưng Quang Lý nhẹ nhàng cảm ơn và lặng lẽ khước từ.

Ca sĩ Quang Lý cũng chẳng mặn mà với việc chạy show. Ông bộc bạch: “Lúc mới chuyển vào Sài Gòn sinh kế rất khó khăn, mỗi tối mình đành phải đạp xe đi hát vài tụ điểm để kiếm tiền nuôi vợ con. Tính mình không thích bon chen. Hơn nữa, mấy năm gần đây vợ mình có mở một khách sạn mini, kinh tế ổn định, nên chủ yếu mình rong chơi thôi”. 

Các tin khác