Định hướng phát triển kinh tế 2016-2020

Bài 2: Đẩy mạnh bán vốn nhà nước

(ĐTTCO) - Đề án tái cơ cấu kinh tế đặt mục tiêu huy động 15-20 tỷ USD, thông qua bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trao đổi với ĐTTC, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho rằng mục tiêu này sẽ thực hiện được, quan trọng là thực hiện thế nào.

(ĐTTCO) - Đề án tái cơ cấu kinh tế đặt mục tiêu huy động 15-20 tỷ USD, thông qua bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trao đổi với ĐTTC, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho rằng mục tiêu này sẽ thực hiện được, quan trọng là thực hiện thế nào.

Khả quan thu về 300.000 tỷ đồng

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vậy giải pháp nào để huy động nguồn lực 15-20 tỷ USD từ cổ phần hóa (CPH) DNNN trong 5 năm tới? 

Việc huy động vốn thông qua CPH DNNN phải cân nhắc kỹ từng phương án sao cho hiệu quả, tôn trọng nguyên tắc thị trường, không bán cổ phần DNNN bằng mọi giá mà phải bán với giá tốt nhất. Con số mục tiêu huy động 10,5 triệu tỷ đồng, tương đương 480 tỷ USD là nguồn lực đầu tư toàn xã hội, còn nguồn lực đầu tư công chỉ chiếm trên 30-35%. Vấn đề của CPH DN hiện nay là làm sao huy động được 300.000 tỷ đồng.

Ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN: - Mục tiêu này đã được Quốc hội thông qua, đề án giao Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN thu về khoảng 300.000 tỷ đồng (15 tỷ USD) từ quá trình CPH các DNNN. Hiện có 3 giải pháp cần triển khai quyết liệt để hiện thực hóa mục tiêu, gồm đổi mới về thể chế, đổi mới khuôn khổ pháp lý; tổ chức thực hiện CPH phải tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, tôn trọng nguyên tắc thị trường; tuyên truyền để người lao động hiểu rõ chủ trương CPH DN.

Cụ thể về thể chế, cần thay đổi vấn đề xác định giá trị DN, chiến lược đầu tư, nhà đầu tư chiến lược và quản trị DN, để các DNNN thoái được vốn ra thị trường. Với DNNN không hoạt động hiệu quả phải có cơ chế để bán được vốn, hướng tới mục tiêu cuối cùng là mang lại hiệu quả trong thoái vốn nhà nước khỏi DN.

 Số liệu báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, kết thúc năm tài chính 2015, có 652 DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ, tổng tài sản nhà nước tại các DN trên 3 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1,3 triệu tỷ đồng. Trong đó khối tập đoàn, tổng công ty (TĐ,TCT), công ty mẹ-con có vốn trên 1,25 triệu tỷ đồng, chiếm 91% tổng vốn chủ sở hữu.

Riêng 7 TĐ lớn nắm giữ nguồn vốn nhà nước trên 901.603 tỷ đồng, hơn 70 TCT nắm giữ 322.907 tỷ đồng. Với nguồn lực như vậy, 5 năm tới thoái vốn nhà nước thu về khoảng 300.000 tỷ đồng là mục tiêu khả quan. So với tốc độ phát triển của nền kinh tế, CPH những năm qua bị chậm.

Thực ra việc giảm số lượng DNNN chỉ về hình thức, CPH thu hẹp về số lượng nhưng không thu hẹp về chất lượng, vì tất cả DN sau CPH vẫn có tỷ lệ vốn nhà nước bình quân khoảng 65% vốn điều lệ. Một số TĐ, TCT sau CPH tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ vẫn rất cao, như TCT Lắp máy Việt Nam 98%, TCT Hàng không Việt Nam 95,5%, TĐ Xăng dầu Việt Nam 94,99%, TCT Thép Việt Nam 93,6%, TCT Cảng hàng không 92,5%, TCT Viglacera 93%…

Ngoài giải pháp về thể chế, vấn đề tổ chức thực hiện CPH, thoái vốn nhà nước khỏi DN phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về pháp luật, tôn trọng nguyên tắc thị trường, nghĩa là các ban chỉ đạo về đổi mới DN nếu không thực hiện đúng quy định pháp luật phải bị xử lý nghiêm.

Theo đó phải công khai đúng thông tin về DN trên thị trường, giúp nhà đầu tư tiếp cập thông tin rộng rãi và đi đến quyết định mua cổ phần nhà nước. Về công tác tuyên truyền phải làm rõ cho người lao động hiểu được sau khi CPH họ vẫn tiếp tục gắn bó với DN, khác với việc Nhà nước bán DN và người mua, người sở hữu được toàn quyền.

- Với tổng tài sản DNNN trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn sở hữu nhà nước 1,3 triệu tỷ đồng, chúng ta có thể huy động nhiều hơn nguồn lực cho tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, thưa ông?

- Huy động nhiều hơn nguồn lực từ CPH DNNN hay không phải theo đúng kế hoạch về đầu tư công và chiến lược về kế hoạch tài chính trung hạn. Huy động nhiều sử dụng không hiệu quả sẽ dẫn tới lãng phí nguồn lực. Hơn nữa trong đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế cũng đặt mục tiêu huy động từ nhiều nguồn lực, không chỉ huy động từ CPH DNNN.

Theo đó, tất cả dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn nhà nước đều phải được xác lập trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cũng như chiến lược tài chính trung hạn vừa được Quốc hội thông qua. Vấn đề hiện nay là bám lấy 2 cơ sở đó để thực hiện.

Mặc dù quy mô huy động vốn rất lớn nhưng việc bán cổ phần nhà nước hay không và bán được hay không lại là vấn đề khác. Kinh nghiệm giai đoạn 2011-2015 cho thấy dù CPH được 508 DNNN, nhưng sau CPH có DN có tỷ lệ vốn nhà nước trên 90% vốn chủ sở hữu, như vậy không gọi là bán vốn nhà nước.

Đó mới chỉ là việc thoái vốn cho có về mặt tỷ lệ tài chính để đạt mục tiêu CPH. Hơn nữa, ở thị trường Việt Nam hiện nay không phải nhà đầu tư tư nhân nào cũng đủ khả năng hấp thụ hết cổ phần tại các DNNN, vì vậy phải huy động nguồn lực ngoài nước. Để huy động nguồn lực này phải xây dựng quy trình bán, mời chào nhà đầu tư và tổ chức bán khá phức tạp.

Công khai danh sách DN thoái vốn 

Về cơ bản Nhà nước sẽ thoái vốn ở tất cả DNNN, sẽ chỉ giữ lại vốn ở 4 nhóm ngành, gồm 12-16 lĩnh vực như an ninh quốc phòng, dịch vụ công ích, an sinh xã hội, các lĩnh vực hạ tầng lớn nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đường truyền tải điện, đường sắt, hàng không, lĩnh vực điều hành bay…

- Tại sao thời gian qua các DNNN chỉ bán tỷ lệ nhỏ phần vốn nhà nước và có yếu tố nào để xác định việc bán cổ phần nhà nước là được giá nhất không, thưa ông?

 - Nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu DN không muốn bán vốn, không muốn thoái vốn nhà nước cho nhiều thành phần, thực chất do họ sợ mất ghế nên lái các phương án bán vốn theo cách của họ. Khi lãnh đạo DNNN vẫn con người đó, vẫn cách quản trị đó sẽ rất khó đẩy mạnh bán vốn nhà nước.

Hơn nữa việc định giá DN quá lâu, quá chậm đã làm mất cơ hội của DN tại thời điểm đó. Điều này rất quan trọng trong đẩy mạnh tiến trình CPH DNNN, nhưng 5 năm qua nhiều DN chậm CPH vẫn chưa thấy ai bị xử lý. Để khắc phục cần phải thấy rõ trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và lãnh đạo DN.

Về vấn đề bán giá tốt nhất, được giá nhất là bán theo giá thị trường, có nhiều người mua và thị trường sẽ quyết định giá bán cổ phần DNNN trong thời gian tới. Thí dụ, ta định giá 10 đồng, ra thị trường chỉ có 1 người mua nó cũng chỉ đáng giá 10 đồng. Nếu có hơn 1 nhà đầu tư tham gia, sự cạnh tranh trên thị trường sẽ nâng giá trị cổ phần bán ra. Nguyên tắc của bán vốn nhà nước tại DN là tính đúng, tính đủ giá trị.

- Được biết sắp tới Chính phủ sẽ công bố danh sách DNNN sẽ thoái vốn và tỷ lệ thoái vốn. Vậy những ngành, lĩnh vực nào Nhà nước sẽ không giữ lại vốn?

- Danh sách thoái vốn, tỷ lệ thoái vốn, các tiêu chí thoái vốn hiện đã được các bộ, ngành dự thảo và trình Thủ tướng. Danh sách này sẽ được công bố trong hội nghị tổng kết 5 năm CPH DNNN sắp tới. Theo đó sẽ công khai tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn tại các DN nhằm giúp nhà đầu tư nắm được thông tin cụ thể, DN nào Nhà nước sẽ nắm giữ 50% vốn, DN nào sẽ nắm giữ 70% vốn và những DN sẽ thoái hết vốn.

Cần nhắc lại giai đoạn từ 2011 đến hết tháng 9-2016, có 557 DNNN được phê duyệt phương án CPH, trong đó có 426 DN triển khai xong việc bán cổ phần lần đầu. Sau khi bán cổ phần lần đầu, tổng giá trị vốn điều lệ của 426 DN là 184.254 tỷ đồng, trong đó Nhà nước tiếp tục nắm giữ 149.342 tỷ đồng, chiếm 81,1%; nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 13.494 tỷ đồng, chiếm 7,3%; người lao động nắm giữ 2.964 tỷ đồng, chiếm 1,6%; tổ chức công đoàn nắm giữ 1.171 tỷ đồng, chiếm 0,6%; các nhà đầu tư khác nắm giữ qua việc bán đấu giá công khai 17.281 tỷ đồng, chiếm 9,4% vốn điều lệ.

Một nhà máy trực thuộc TCT Lắp máy Việt Nam, dù CPH nhưng tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước vẫn còn 98%.

Một nhà máy trực thuộc TCT Lắp máy Việt Nam,
dù CPH nhưng tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước vẫn còn 98%.

Ngành công nghiệp chế tạo, cơ khí hấp dẫn nhất

- Quá trình thoái vốn nhà nước sẽ tạo cơ hội, động lực cho tư nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực DNNN đang đầu tư, theo ông lĩnh vực nào sẽ hấp dẫn khu vực tư nhân, điều này tác động thế nào đến việc huy động nguồn lực xã hội cho tái cơ cấu kinh tế?

- CPH sẽ tạo dư địa cho khu vực tư nhân phát triển. Các ngành nghề DNNN đang nắm giữ đối với khu vực tư nhân ngành nào cũng hấp dẫn. Vì đó là những ngành thiết yếu, phục vụ thị trường hơn 90 triệu dân trong nước, nên khi Nhà nước rút lui khỏi lĩnh vực đó tư nhân sẽ lấp vào để thay thế. Như vậy Nhà nước sẽ huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân. Quá trình này cũng tạo ra động lực cạnh tranh để thúc đẩy việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Đa phần lĩnh vực hoạt động của DNNN chủ yếu phục vụ nhu cầu thiết yếu của thị trường trong nước, không phục vụ cho xuất khẩu. Còn ngành nghề, lĩnh vực nào trong CPH hấp dẫn tư nhân và hấp dẫn đến đâu tùy thuộc vào khả năng tham gia của nhà đầu tư tư nhân. Điều quan trọng là phù hợp với khả năng của nhà đầu tư và họ có thể phát huy được lợi thế khi bỏ vốn.

Nhìn vào thị trường thời điểm này, nhà đầu tư thấy ngành sữa là hấp dẫn, lôi cuốn, nhưng thực sự sữa không phải là ngành hấp dẫn nhất. Việc chuyển giao Vinamilk cho nhà đầu tư tư nhân nó vẫn là Vinamilk. Chính các DNNN trong ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp cơ khí mới là ngành hấp dẫn nhất. Bởi Chính phủ đang ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, tương lai chúng ta sẽ tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu. Hoặc các TCT trong ngành nông nghiệp, thực phẩm cũng đang rất hấp dẫn vì nhu cầu thị trường rất lớn.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác