Mù mờ thông tin giao dịch trực tuyến

(ĐTTCO) - Thủ tục hành chính nói chung và các thủ tục nhạy cảm khác như thuế, nhà đất là những lĩnh vực mà doanh nghiệp, người dân ngán ngại nhất khi phải đụng đến. Chính vì thế mới đây Chính phủ và một số địa phương, trong đó có TPHCM, đã tiến hành thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Nhưng xem ra, người dân vẫn không mấy tin tưởng hoạt động sẽ thuận lợi hơn, bởi trong khi giao dịch bình thường chưa ổn, khi “nâng cấp” có khi còn bị hành hơn.

(ĐTTCO) - Thủ tục hành chính nói chung và các thủ tục nhạy cảm khác như thuế, nhà đất là những lĩnh vực mà doanh nghiệp, người dân ngán ngại nhất khi phải đụng đến. Chính vì thế mới đây Chính phủ và một số địa phương, trong đó có TPHCM, đã tiến hành thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Nhưng xem ra, người dân vẫn không mấy tin tưởng hoạt động sẽ thuận lợi hơn, bởi trong khi giao dịch bình thường chưa ổn, khi “nâng cấp” có khi còn bị hành hơn.

Theo quy định của Chính phủ, dịch vụ công trực tuyến được chia làm 4 cấp độ. Trong đó cấp độ 4 cho phép người dân có thể ngồi nhà hay bất cứ nơi đâu nộp hồ sơ và thanh toán phí, nhận ngay kết quả. Các thống kê cho thấy chỉ 1.200 dịch vụ công đang được cung cấp ở cấp độ 4, nghĩa là rất khiêm tốn so với tổng số 125.000 dịch vụ công Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đang cung cấp cho người dân. Tôi đã nhiều lần đi làm các giấy tờ thủ tục và khi hỏi nhiều người, mẫu số chung cho biết còn rất mù mờ về những thông tin này.

Một người bạn tôi ở quận Tân Bình khi đi làm thủ tục nhà đất cho biết, quy định thời hạn giải quyết hồ sơ rất rõ ràng, nhưng cán bộ thụ lý không liệt kê ra 1 lần để bổ sung giấy tờ mà cứ yêu cầu bổ sung lắt nhắt, đến khi trễ hẹn cũng không có thông báo gì với người dân. Vậy tại sao các cơ quan chức năng không thực hiện thủ tục hành chính theo cách thông thường với người dân cho tốt đi, trước khi bắt đầu triển khai trực tuyến? Bởi khi triển khai dịch vụ công trực tuyến đòi hỏi người thực thi phải am hiểu về công nghệ thông tin, sự liên thông giữa các sở, ngành… trong khi hiện nay vấn đề này chưa có sự chuẩn bị tốt, còn người dân không phải ai cũng có thể thao tác thành thạo trên máy tính.

Do vậy, dù có thực hiện trực tuyến, nhiều người vẫn muốn đến trực tiếp UBND phường, quận làm hồ sơ. Bởi tận tay mang hồ sơ lên, trực tiếp nghe cán bộ hướng dẫn chi tiết, nhiều lúc chưa nắm hết và phải đi lại bổ sung nhiều lần. Nếu nộp hồ sơ qua mạng, mọi người đều chung quan điểm sợ hồ sơ thất lạc hoặc quá trình giải quyết có vướng mắc gì không được trao đổi trực tiếp sẽ khiến mất thêm nhiều thời gian hơn. Vì vậy dù có dịch vụ trực tuyến, không ít người vẫn nộp hồ sơ tận tay cho chắc ăn. Tại cửa tiếp nhận hồ sơ các quận, huyện, một số người đến vị trí đặt bảng “Trực tuyến” các hồ sơ như xây dựng, lao động, tiền lương để hỏi về dịch vụ này. Dù được cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hướng dẫn cách nộp hồ sơ trực tuyến cặn kẽ, cụ thể cho từng trường hợp, nhưng nhiều người vẫn rất lúng túng. Rõ ràng chúng ta đi chưa xong đã lo chạy theo công nghệ thông tin trong các vấn nạn thủ tục gây phiền toái.

Theo tôi, chủ trương thực hiện dịch vụ công trực tuyến là sự nỗ lực của chính quyền các cấp nhằm tạo thuận lợi cho người dân, dù thời gian đầu người dân chưa quen nên có sự lúng túng. Tuy nhiên, trước mắt các quận, huyện cần tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân, đồng thời phải xây dựng mô hình một cửa liên thông, tiến đến liên thông điện tử giữa các sở, ngành liên quan, áp dụng chữ ký số để xác định rõ trách nhiệm khi hồ sơ bị trễ hẹn, trách nhiệm người đứng đầu… Khi người dân thấy được sự thuận lợi và không còn bị sách nhiễu, chắc chắn sẽ đồng thuận thực hiện.

(Tân Bình, TPHCM)

Các tin khác