TPP thời Donald Trump (K1): Tương quan Mỹ-Trung

(ĐTTCO) - TPP từ lâu được giới quan sát nhìn nhận như một nỗ lực “xoay trục” sang châu Á của Hoa Kỳ, hòng kiềm hãm Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh và không ngừng lôi kéo ảnh hưởng. Vì vậy, nhiều người cho rằng khi TPP chết, quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc sẽ được viết lại.

(ĐTTCO) - TPP từ lâu được giới quan sát nhìn nhận như một nỗ lực “xoay trục” sang châu Á của Hoa Kỳ, hòng kiềm hãm Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh và không ngừng lôi kéo ảnh hưởng. Vì vậy, nhiều người cho rằng khi TPP chết, quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc sẽ được viết lại.

Hoa Kỳ thất bại?

Trên nguyên tắc, khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, hiệp định này không thể đi tiếp nếu không được đàm phán lại. Và điều này chỉ xảy ra nếu có ít nhất 6/12 thành viên đồng ý, nhưng với việc chiếm tới 80% tổng GDP các nước trong hiệp định, Hoa Kỳ và Nhật Bản đều có quyền phủ quyết bất kỳ bước đi tiếp theo nào của TPP.

Với việc rút khỏi TPP, Hoa Kỳ được nhiều hay mất nhiều hơn? Những người theo chủ nghĩa bảo hộ như Trump tin rằng nếu dựng lên các rào cản thương mại và chấm dứt đầu tư ra nước ngoài, Hoa Kỳ có thể lấy lại các nhà máy đang hoạt động ở Trung Quốc và Mexico, giúp tăng trưởng việc làm, gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu như giai đoạn giữa thế chiến 2 và những năm 1970. Điều này thể hiện rõ trong khẩu hiệu tranh cử của Trump “Làm Hoa Kỳ vĩ đại trở lại”. Nhưng các nhà quan sát cho rằng khẩu hiệu đó của Trump là sự dối trá. Bạn không thể lấy lại việc làm nếu nó không tồn tại. Trong thực tế, việc làm trong lĩnh vực sản xuất đang ngày càng giảm, kể cả ở Trung Quốc. Nhà kinh tế Joseph Stiglitz nói chủ nghĩa bảo hộ không thể giải quyết vấn đề này. Điều tốt nhất nó có thể làm là cố kiếm miếng to hơn trong chiếc bánh đang ngày càng nhỏ, và điều này dẫn đến thảm họa cho mọi người ở tất cả quốc gia.

Xét về kinh tế, việc rút khỏi TPP sẽ khiến Hoa Kỳ chịu nhiều thiệt hại. Theo tờ The Diplomat, sức mạnh của kinh tế Hoa Kỳ sẽ kém hơn, tiếng nói trong các vấn đề quốc tế cũng không còn nhiều trọng lượng. Cụ thể, phân tích của Viện Peterson cho biết nếu gia nhập TPP, Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng thu nhập thêm 59 tỷ USD/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Không có TPP, mối lợi trên sẽ không còn. Điều này, trước tiên sẽ ảnh hưởng tới ngân sách chi cho an ninh quốc phòng và củng cố sự hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Xét theo phương diện đó, chính sách thương mại cũng chính là chính sách an ninh quốc gia, và Hoa Kỳ đang thất bại.

Xét về chính trị, có nhiều lý do để tin rằng Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều hệ quả xấu nếu TPP không thành công. Thứ nhất, Hoa Kỳ sẽ gặp khó trong việc xây dựng thêm quan hệ đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sẽ không có nhiều nước mặn mà với việc bỏ tiền bỏ nhân lực ra để cùng với Hoa Kỳ thực hiện những mục tiêu Nhà Trắng quan tâm, như chống khủng bố hay thay đổi khí hậu. Khi không thấy được lợi ích rõ ràng trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, nhiều quốc gia sẽ suy nghĩ kỹ càng hơn trước khi quyết định có tiến lại gần hơn với Hoa Kỳ hay không.

Thứ hai, thất bại của TPP sẽ khiến nguy cơ bất ổn và khủng hoảng cao hơn. Hãy xét đến trường hợp Trung Quốc tranh chấp về lãnh thổ với một nước láng giềng nào đó. Nếu có TPP, chắc chắn các tranh chấp sẽ không bùng phát thành khủng hoảng toàn diện, bởi Trung Quốc thừa hiểu Hoa Kỳ sẽ can thiệp để bảo vệ quyền lợi thương mại của mình. Nhưng nếu không có TPP, khả năng Hoa Kỳ can thiệp sẽ thấp hơn nhiều, nguy cơ bất đồng leo thang thành khủng hoảng sẽ tăng cao. Thứ ba, nếu TPP thất bại, các nước trong khu vực dù không muốn cũng sẽ phải tự hiểu rằng Hoa Kỳ không tha thiết với vai trò lãnh đạo khu vực.

 Cơ hội cho Trung Quốc?

Nhiều người cho rằng TPP là vũ khí kinh tế nhằm cân bằng sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc ở mặt địa-chính trị tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, khi TPP không còn, Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi nhất. Thực tế, để đối phó với TPP, Trung Quốc đã chủ động xây dựng riêng các khối thương mại đối địch, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hay Hiệp định Khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Dù các hiệp định này không phải là sáng kiến của Trung Quốc (RCEP là sáng kiến của ASEAN; FTAAP là sáng kiến của các nước APEC từ năm 2006), nhưng việc Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - tham gia các hiệp định này, cho thấy nước này đang củng cố tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Rút khỏi TPP là ưu tiên của Donald Trump.

Rút khỏi TPP là ưu tiên của Donald Trump.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc không hề có ý định phản ứng lại bằng cách thiết lập các FTA đối nghịch để chống lại Hoa Kỳ, do Trung Quốc không chỉ thấy những thách thức mà còn thấy các cơ hội TPP có thể mang lại. Chính Thủ tướng Singapore cũng khẳng định Trung Quốc sẽ “không vui vẻ gì”. Bởi, Trung Quốc chính là sân sau chiến lược không thể thiếu của TPP. Thị trường hơn 1,3 tỷ dân của Trung Quốc chính là người tiêu dùng tiềm năng của TPP. Trong 12 thành viên TPP có tới 8 thành viên thuộc nhóm các quốc gia có hoạt động thương mại phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc, trong đó có cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore.

Với vai trò là bệ đỡ cho TPP vận hành, Trung Quốc sẽ khai thác được rất nhiều lợi ích khi trao đổi giữa các thành viên TPP gia tăng. Vì vậy, Bắc Kinh được cho là đã chuẩn bị cả tiền và hàng cung cấp cho nhiều thành viên TPP. Điều đó cho thấy giá trị Trung Quốc sẽ hiện diện trong các dòng lưu thông hàng hóa, tiền Trung Quốc sẽ có mặt trong các dòng lưu thông tiền tệ giữa thành viên TPP khi hiệp định này vận hành. Như vậy, ở mức độ nào đó Bắc Kinh cũng chờ đợi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua TPP không kém gì chính quyền Obama và các thành viên khác trong TPP.

Nhưng nhiều người khẳng định việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP cũng là cơ hội để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực. “Trung Quốc đang thúc đẩy ảnh hưởng kinh tế của họ một cách quyết liệt” - trang IPCS nhận định. Ngay sau khi có kết quả bầu tổng thống Hoa Kỳ, Trung Quốc đã thông báo về ý định thúc đẩy những cuộc thương lượng như vậy - những cuộc thương lượng cho đến nay vẫn diễn tiến rất chậm chạp. Các nước châu Á cũng sẵn sàng cho lộ trình này và sẽ theo định hướng của Trung Quốc. “Ngay cả các đồng minh trung thành của Hoa Kỳ như Australia cũng cho rằng thất bại của TPP cũng có thể bù đắp bằng RCEP” - AFP đưa tin.

(còn tiếp)

Các tin khác