Sức ép lên VNĐ đang tăng

(ĐTTCO) –Nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và xuất khẩu. Tác động riêng lẻ của mỗi sự kiện như Brexit, bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ… không lớn nhưng tổng lực tác động của nhiều sự kiện đang tạo ra sức ép phá giá ngày càng lớn với VNĐ. Việc tỷ giá tăng mạnh trong thời gian gần đây và vượt mức 22.600VNĐ/USD đã phản ánh sự tác động này.

(ĐTTCO) –Nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và xuất khẩu. Tác động riêng lẻ của mỗi sự kiện như Brexit, bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ… không lớn nhưng tổng lực tác động của nhiều sự kiện đang tạo ra sức ép phá giá ngày càng lớn với VNĐ. Việc tỷ giá tăng mạnh trong thời gian gần đây và vượt mức 22.600VNĐ/USD đã phản ánh sự tác động này.

Tác động đến dòng vốn FDI

10 tháng năm 2016 Việt Nam thu hút được 17,6 tỷ FDI đăng ký và giải ngân được 12,7 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có dấu hiệu chững lại của dòng vốn FDI sau sự kiện Brexit. Trong 6 tháng đầu năm 2016, nguồn vốn FDI thu hút được trong từng tháng đều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, và có lượng vốn đăng ký đạt 11,28 tỷ USD (tăng gấp đôi so với cùng kỳ), vốn giải ngân 7,26 tỷ USD (tăng 15,1% so với cùng kỳ), nhưng các tháng sau sự kiện Brexit có chiều hướng tăng chậm lại. 

Sự sụt giảm trong dòng vốn FDI và xuất khẩu đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2016. Ước tính khả năng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 chỉ ở mức 6-6,3%, thấp hơn so với mục tiêu 6,5-6,7%. Những điều này đang tạo kỳ vọng Việt Nam phải phá giá VNĐ để giải tỏa áp lực.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Đáng chú ý, vốn FDI cam kết trong tháng 9 và 10 sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, khi chỉ thu hút được hơn 2,13 tỷ USD và 1,18 tỷ USD, tương ứng giảm 4,2% và 8,7% so với cùng kỳ năm 2015. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, vốn FDI bị sụt giảm cả ở vốn mới lẫn vốn tăng thêm. Trong 10 tháng, ngoài dự án đầu tư của LG Display có vốn đăng ký 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng, không có dự án nào có quy mô lớn như năm 2015.

 Sự sụt giảm trong dòng vốn FDI đáng chú ý ở lĩnh vực dệt may, cũng là ngành hàng  xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được cho sẽ hưởng lợi lớn nhờ TPP. Năm 2014 và 2015, dòng vốn FDI vào lĩnh vực này bùng nổ để đón đầu TPP. Riêng năm 2015, Việt Nam thu hút được hơn 4 tỷ USD (chiếm hơn 76% FDI đăng ký mới) vào lĩnh vực dệt may với các dự án có quy mô lớn như Hyosung Đồng Nai (quy mô 660 triệu USD), Folytex Far Eastern (274 triệu USD)… Nhưng từ đầu năm đến nay, hoạt động đầu tư FDI vào dệt may gần như im ắng và không có dự án lớn nào. Ngoài ra, sự kiện điện thoại Galaxy Note 7 của Samsung bị nổ và thu hồi từ tháng 9 đang tạo ra ảnh hưởng xấu đến lĩnh vực xuất khẩu điện thoại, là mảng xuất khẩu số 1 của Việt Nam hiện nay. Dù sự cố Galaxy Note 7 không ảnh hưởng nhiều đến hiện tại nhưng sẽ khiến Việt Nam mất đi tiềm năng xuất khẩu trong năm 2017.

Nỗi lo khủng hoảng từ Trung Quốc

Việc Tổng thống Donald Trump đắc cử đang tạo ra các sức ép lên thị trường tiền tệ thế giới. Chỉ số USD Index đã tăng hơn 5% kể từ Brexit (2,6% từ đầu năm) và mạnh hơn sau bầu cử do giới đầu tư e ngại các chính sách rủi ro của Donald Trump. Đồng NDT nhanh chóng giảm giá mạnh với mức thấp kỷ lục từ cuộc khủng hoảng năm 2008 là 6,895NDT đổi 1USD do ông Trump có thể áp đặt mức thuế bảo hộ 45% lên hàng hóa của Trung Quốc. Kịch bản chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ được dấy lên, khiến Bắc Kinh lo ngại sự tháo chạy của dòng vốn như đã từng xảy ra từ giữa năm 2015 đến đầu năm 2016. Theo Business Insider, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có thể phải can thiệp để chống bị tấn công tiền tệ nếu tỷ giá chạm đến ngưỡng 7NDT đổi 1USD. Theo một số nhà kinh tế, nếu không có sự can thiệp, tỷ giá đồng NDT/USD có thể giảm 7,2% vào cuối năm 2017, tức giảm thêm 4,2% so với hiện tại.

Nhưng thực ra, sự mất giá của NDT bắt nguồn từ tình trạng bong bóng của nền kinh tế Trung Quốc. Từ tháng 3-2015, Trung Quốc đã tung ra các gói kích cầu, mở rộng tăng trưởng M2 và tín dụng quá mức dẫn đến tình trạng chênh lệch ngày càng lớn giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng M2. Đến tháng 3-2016, tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc 25,4% trong khi tăng trưởng M2 chỉ ở mức 13,5%, tạo ra mức chênh lệch gần 12%. Chênh lệch này đã mở rộng từ 7,8% vào tháng 6-2015, thời điểm Trung Quốc bị tấn công tiền tệ và chứng khoán với sự sụp đổ của chỉ số Shanghai Index. Điều đáng nói, sự chênh lệch này là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng tài chính như đã từng xảy ra với Thái Lan và Hàn Quốc vào năm 1997-1998.

Sau giai đoạn bong bóng, tăng trưởng M2 và tín dụng của Trung Quốc đều sụt giảm mạnh. Đến tháng 10-2016, tăng trưởng M2 của Trung Quốc chỉ còn 11%, thấp hơn so với mục tiêu 13%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng cũng giảm nhưng không nhiều. Thậm chí, trong quý III-2016, Trung Quốc phải thực hiện nới lỏng các điều kiện tín dụng để tạo động lực tăng trưởng nợ vay trở lại nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế. Theo số liệu đến tháng 9-2016, tổng tài trợ xã hội - thước đo tín dụng rộng nhất của Trung Quốc - đã tăng thêm 1.720 tỷ NDT, tương ứng với tăng 12,5% so với đầu năm.

Bài toán ổn định tỷ giá
Biến động của đồng NDT đang khiến Việt Nam phải chịu tác động trực tiếp. Tháng 8-2015, Trung Quốc phá giá đồng NDT sau khi bong bóng chứng khoán sụp đổ khiến VNĐ phải phá giá gần 3%. Điều này do Trung Quốc là đối tượng cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày da, máy vi tính và linh kiện điện tử. Vì vậy, việc đồng NDT mất giá 6% so với đồng USD đang gây ra e ngại kịch bản phá giá VNĐ tái diễn như năm 2015.

Đồ thị trên cho thấy, tỷ giá trung tâm của Việt Nam chạy sát với chỉ số USD Index. Do đó không hề ngạc nhiên tại sao cơn sốt tỷ giá của Việt Nam trong tháng 11 trở nên mạnh hơn sau bầu cử ở Hoa Kỳ, một phần cũng vì nó làm tăng tốc sự mất giá của đồng NDT. Với triển vọng FED sớm tăng lãi suất (xác suất 90% sẽ tăng vào tháng 12), khả năng VNĐ còn chịu áp lực mất giá trong thời gian tới. 

Sự ổn định của tỷ giá là điều Việt Nam mong muốn, tuy nhiên bài toán điều hành chính sách tiền tệ trở nên khó khăn trong bối cảnh lạm phát trở lại. Chỉ số CPI đến tháng 10 đã tăng 4,05% so với cùng kỳ và tăng 3,97% so với tháng 12-2015. Với xu hướng thường tăng vào cuối năm, lạm phát hoàn toàn có khả năng chạm mục tiêu 5% đề ra vào đầu năm. Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia có mức độ ảnh hưởng cao của lạm phát nhập khẩu, nên những chính sách tài khóa và tiền tệ của Hoa Kỳ sẽ tạo ra tác động tiêu cực. Bản thân lạm phát ở Việt Nam có dấu hiệu tăng trong các tháng cuối năm là ảnh hưởng của chính sách  mở rộng tín dụng trong quý II-2015 khi tăng trưởng tín dụng cao hơn cả tăng trưởng cung tiền M2.

Hiện nay, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dần chuyển dịch sang hướng tập trung vào lạm phát với sự linh hoạt lớn hơn của tỷ giá. Với quỹ dự trữ ngoại hối ở mức 41 tỷ USD, thanh khoản trong hệ thống NH dư thừa (tính đến hết tháng 10-2016, tăng trưởng tín dụng đạt 11,45%, thấp hơn mức tăng trưởng 13,4% của tổng phương tiện thanh toán (M2) so với cuối năm 2015), Việt Nam hoàn toàn có thể dập tắt cơn sốt tỷ giá hiện nay. Tuy nhiên, bài toán còn phụ thuộc vào mức độ đánh giá rủi ro của NHNN vào các biến số bên ngoài như khả năng tăng giá cao hơn của USD và mức độ NDT bị tấn công tiền tệ. Sự tăng giá mạnh hơn của USD, đồng nghĩa kịch bản NDT bị tấn công cao hơn và đe dọa nhiều hơn đến sự phá giá của VNĐ. Một số dự báo đang hướng tới khả năng VNĐ/USD sẽ chạm mức 22.700. Ít nhất, khả năng mất giá của VNĐ sẽ còn kéo dài đến cuộc họp chính sách tiền tệ của FED nhằm tránh rủi ro tỷ giá phải tăng sốc, nếu FED thực sự tăng lãi suất. Theo một nghiên cứu của Rina Bhattacharya thuộc IMF, trong ngắn hạn yếu tố chính lái lạm phát của Việt Nam là tỷ giá. 1% phá giá của VNĐ có thể làm tăng 0,3% lạm phát ở Việt Nam.

Các tin khác