Mảng tối lobby ngành dược (Kỳ 2)

Thao túng lục địa già (ĐTTCO) –  Tại châu Âu, các công ty dược cũng là một thế lực lớn, với mức chi cho vận động hành lang (lobby) trong năm 2015 lên tới 40 triệu EUR, cao hơn 15 lần so với các nhóm lobby cho xã hội dân sự và tiêu dùng nói chung.

 Thao túng lục địa già
(ĐTTCO) –  Tại châu Âu, các công ty dược cũng là một thế lực lớn, với mức chi cho vận động hành lang (lobby) trong năm 2015 lên tới 40 triệu EUR, cao hơn 15 lần so với các nhóm lobby cho xã hội dân sự và tiêu dùng nói chung.

Đội ngũ hùng hậu

Có hàng trăm công ty lobby hoạt động ở Brussels (Bỉ), cung cấp dịch vụ cho những công ty và hiệp hội doanh nghiệp muốn góp tiếng nói vào quá trình hình thành chính sách ở EU. Những công ty này có sự trợ giúp của nhiều cựu quan chức EU, những người có mối quan hệ rộng rãi với các nhà hoạch định chính sách ở lục địa già. Tuy nhiên, trong số hàng trăm công ty đó, chỉ có số ít chuyên vận động hành lang cho các vấn đề liên quan đến dược phẩm (thuốc, y tế, sở hữu trí tuệ...). Theo Transparency Register, khoảng 25 công ty lobby có ít nhất 1 khách hàng là các công ty dược, 13 công ty trong số đó ít nhất 4 khách hàng dược và 5 công ty trong số đó có ít nhất 10 khách hàng là công ty dược.

Top 10 công ty lobby ngành dược có doanh thu bình quân gần 8,1 triệu EUR trong năm 2015, một con số tăng trưởng chóng mặt so với mức 1 triệu EUR cách đó 3 năm. Top 10 công ty dược lớn nhất cho biết đã chi cho lobby nhiều hơn 6 triệu EUR so với năm 2012, trong đó 8 công ty lớn nhất chi nhiều hơn năm 2012 gấp 7 lần.

Liên đoàn Công nghiệp dược châu Âu (EFPIA) là nhóm lobby ngành dược chủ chốt ở châu Âu và chi mạnh tay nhất cho hoạt động lobby. Thành viên của nó gồm các công ty dược lớn và quyền lực nhất trên thế giới hiện nay, như GlaxoSmithKline, Pfzer, Eli Lilly, Astra Zeneca, Baxter, Johnson & Johnson, Novartis, Shire, Sanof và Roche. EFPIA đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các chính sách liên quan đến ngành dược ở EU. Điều này thể hiện qua con số rất lớn những cuộc gặp gỡ hàng năm với các ủy viên EU đằng sau những cánh cửa đóng kín, số tiền hàng triệu EUR chi tiêu lobby và con số công ty, cố vấn lobby họ thuê. Tài liệu được tiết lộ cho thấy từ tháng 11-2014 đến tháng 3-2015, EFPIA đã tổ chức hơn 50 cuộc gặp gỡ với các quan chức cấp cao trong Ủy ban châu Âu (EC).

 Hợp doanh công-tư lớn nhất EU

Đó là hợp doanh công-tư trị giá nhiều tỷ EUR giữa EC và EFPIA có tên gọi Sáng kiến sáng tạo thuốc (IMI), nhắm đến việc thúc đẩy phát triển các loại thuốc tốt hơn và an toàn hơn cho bệnh nhân. Nó cũng nhằm hỗ trợ các dự án hợp tác nghiên cứu và xây dựng những mạng lưới các chuyên gia nhằm thúc đẩy sáng tạo trong ngành dược phẩm châu Âu. Tuy nhiên, đằng sau những lời lẽ đẹp đẽ đó là việc EC bị thao túng bởi ngành dược theo hướng có lợi cho các đại gia dược phẩm.

IMI hiện đang ở giai đoạn 2, với ngân sách 3,3 tỷ EUR từ năm 2014-2024. Trong đó, 1,6 tỷ EUR từ tiền đóng thuế của người dân và 1,4 tỷ EUR từ các công ty thành viên EFPIA. Giai đoạn 1 của IMI bắt đầu từ năm 2008, với ngân sách 2 tỷ EUR, trong đó 1 tỷ đến từ ngân sách của EU và 1 tỷ đến từ các công ty “tốt bụng” trong EFPIA. Một điều gây tranh cãi là dù hoạt động bằng ngân sách của EU và EFPIA, nhưng những loại thuốc phát minh ra trong chương trình IMI hầu hết đều thuộc quyền sở hữu trí tuệ của các đại gia dược phẩm. Tức người đóng thuế châu Âu phải bỏ tiền ra cho IMI nghiên cứu chế tạo thuốc, rồi họ lại phải bỏ tiền để mua thuốc độc quyền giá cao được sáng chế từ chương trình này.

Nhắm đến TITP

Trong bảng kê khai minh bạch của mình (ngày 11-4-2015), EFPIA cho biết chi phí lobby năm 2014 hơn 5 triệu EUR. Còn trong bảng kê khai năm 2010, con số này chỉ hơn 50.000EUR. Chỉ 1 năm sau (2011), con số này tăng 10 lần lên 571.900EUR và tiếp tục tăng mạnh cho đến nay. So với năm 2010, chi phí lobby của EFPIA đã gia tăng gấp... 100 lần! EFPIA là khách hàng VIP của 6 công ty lobby, tính đến 13-5-2015, gồm Gplus Ltd (với chi phí 100.000-199.999EUR), Vital Transformation (50.000-99.999EUR), Burson Marsteller (25.000-49.999EUR), và FIPRA International Ltd (10.000-24.999EUR) năm 2014; và HCS Sprl (dưới 9.999EUR), và APCO Worldwide (dưới 9.999EUR) năm 2013. Ngoài ra, EFPIA hiện cũng là thành viên hoặc đại diện của ít nhất 4 nhóm chuyên gia trong EC.

Vì sao có sự gia tăng đột biến này? Theo báo Đức Spiegel, một con số kỷ lục các bằng phát minh dược phẩm sẽ hết hạn trong vòng vài năm tới. Khi đó, một lượng lớn thuốc độc quyền, vốn giúp ngành công nghiệp dược phẩm được xếp vào lĩnh vực lợi nhuận nhiều nhất thế giới, sẽ hết hạn độc quyền và trở thành thuốc giá rẻ. Vì vậy, các hãng dược đã cố vận động để bảo vệ và mở rộng quyền sở hữu trí tuệ của họ đối với các loại thuốc đó. Ngoài ra, các hãng dược cũng cố thao túng những chính sách của Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đang được đàm phán giữa Hoa Kỳ và EU, tìm cách để hiệp định này có lợi nhất cho ngành dược. EFPIA và các công ty thành viên cho đến nay đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với các nhà hoạch định chính sách ở cả 2 bên bờ Đại Tây Dương, cũng như tài trợ cho nhiều cuộc bàn bạc giữa phái đoàn của 2 bên để vận động cho những chính sách có lợi nhất cho ngành dược.

Chi phí lobby của EFPIA tăng gấp 100 lần trong 5 năm.

Chi phí lobby của EFPIA tăng gấp 100 lần trong 5 năm.

Cuộc chiến thất bại

Tuy nhiên, với việc ông Donald Trump, người phản đối các hiệp định tự do thương mại, vừa đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, khả năng TTIP thất bại khá cao. Một trong những “trận chiến lobby” gây cấn nhất của ngành dược châu Âu thời gian gần đây là việc tác động đến Hướng dẫn Các sản phẩm thuốc lá (TPD) của châu Âu. TPD có hiệu lực từ tháng 5-2014 sau khi được Nghị viện châu Âu (EP) và EC phê duyệt vào tháng 2 và tháng 3 cùng năm. Hướng dẫn này được các công ty dược đặc biệt chú ý vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề sức khỏe, ngoài ra nó còn được thêm vào 1 sản phẩm mới là thuốc lá điện tử.

Thuốc lá điện tử có chứa nicotine nhưng không có lá thuốc, vì vậy trở thành một mặt hàng lớn của ngành dược như một liệu pháp thay thế chứng nghiện nicotine (NRT) nhằm giúp người nghiện thuốc lá có thể cai thuốc lá, cũng như các loại kẹo nicotine. Thị trường cai thuốc lá trước đó nằm dưới sự thao túng của những thương hiệu như Nicotinell của Novartis, NiQuitin của GlaxoSmithKline và Nicorette của Pfzer. Tuy nhiên, những sản phẩm này đã chứng kiến doanh số sụt giảm thê thảm kể từ khi thuốc lá điện tử xuất hiện.

Vì vậy, các đại gia dược muốn các cơ quan chức năng quy định thuốc lá điện tử là một loại dược phẩm, hòng loại các nhà sản xuất thuốc lá điện tử nhỏ lẻ ra khỏi cuộc chơi (do chi phí đăng ký dược phẩm đắt đỏ) để họ dễ dàng thao túng. Và dưới tác động lobby của các công ty dược, dự thảo TPD lúc đầu đã liệt kê thuốc lá điện tử như một loại dược phẩm. Tuy nhiên, điều này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của công chúng và phi vụ này đã thất bại.

Các tin khác