CHÍNH SÁCH KINH TẾ CỦA DONALD TRUMP

Cực đoan, cũ kỹ và kỳ dị

(ĐTTCO) - Nếu chính sách kinh tế của Donald Trump dưới góc độ kinh tế học, nhiều người sẽ hiểu tại sao 370 nhà kinh tế học, bao gồm cả 8 nhà kinh tế đạt giải Nobel, đã viết thư kêu gọi người dân không bầu cho ông Trump. Bởi lẽ đây là những chính sách kinh tế mang đậm phong cách “cực đoan, cũ kỹ và kỳ dị”, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

(ĐTTCO) - Nếu chính sách kinh tế của Donald Trump dưới góc độ kinh tế học, nhiều người sẽ hiểu tại sao 370 nhà kinh tế học, bao gồm cả 8 nhà kinh tế đạt giải Nobel, đã viết thư kêu gọi người dân không bầu cho ông Trump. Bởi lẽ đây là những chính sách kinh tế mang đậm phong cách “cực đoan, cũ kỹ và kỳ dị”, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

E ngại sự bảo hộ thù địch 

Không chỉ thái độ cứng rắn và thù địch về thương mại với Trung Quốc, việc Donald Trump đề xuất xem lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ và đe dọa hủy bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chính quyền Obama nhiều năm đàm phán, cũng đang khiến các nhà kinh tế lo ngại.

Giáo sư đạt giải Nobel kinh tế 2001 Joseph Stiglitz nói: “Nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ thất bại lớn khi Trump trở thành Tổng thống và thiết lập hàng rào lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này sẽ có 2 tác động ngay lập tức. Đầu tiên, người dân Hoa Kỳ vốn đang phụ thuộc vào hàng hóa có chi phí rẻ của Trung Quốc sẽ nhận thấy chuẩn sống của họ giảm ngay lập tức. Trong khi đó, khả năng những ngành công nghiệp đã rơi vào Trung Quốc trở về Hoa Kỳ rất chậm. Thứ hai, Trung Quốc có thể phản kháng bằng cách thiết lập một hàng rào bảo vệ theo quy định của WTO để chống lại Hoa Kỳ. Lúc này sẽ có một số ngành công nghiệp của Hoa Kỳ bị tổn thương, kéo theo thất nghiệp tăng lên”. Theo Joseph Stiglitz thương mại toàn cầu dựa trên lợi thế so sánh, trong khi ông Trump chẳng hiểu gì về kinh tế học. Có thể nhiều việc làm của người dân Hoa Kỳ rơi vào tay người Trung Quốc, nhưng ngược lại Hoa Kỳ có lợi thế về công nghệ và hệ thống thương mại toàn cầu, tức sẽ mua hàng hóa được sản xuất từ Trung Quốc, sau đó bán hàng hóa cho các quốc gia khác.

 Trump khăng khăng về con số thâm hụt thương mại với Trung Quốc cứ tăng dần từ  250 tỷ USD vào năm 2007 (trước khủng hoảng) lên 300 tỷ USD vào năm 2012, và lên đến 343 tỷ USD vào năm 2014. Cuối cùng là con số 365 tỷ USD vào năm 2015 mà Trump đã dùng nó để chỉ ra cần phải có thái độ “kẻ thù” với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trump không nhận thấy, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ đã giảm mạnh hơn 700 tỷ USD vào trước khủng hoảng 2008 xuống còn 531 tỷ USD vào năm 2015. Điều này do Hoa Kỳ đã bán được nhiều hàng hóa hơn với phần còn lại của thế giới.

Donald Trump cho rằng Trung Quốc đã định giá thấp đồng NDT 15-40% khiến thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ tăng lên với Trung Quốc. Cách tiếp cận này có thể phù hợp với giai đoạn 2000-2007 nhưng cuộc chiến tranh thương mại - tiền tệ giữa Hoa Kỳ và Trung đã thay đổi theo hướng khác mà ông Trump không nhận ra. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong khi nhiều quốc gia đang phát động chiến tranh tiền tệ để tạo lợi thế xuất khẩu dựa trên đồng nội tệ giá rẻ, mục tiêu của Trung Quốc hoàn toàn ngược lại với nỗ lực làm cho đồng NDT trở nên lớn mạnh hơn. Họ tham gia vào rổ tiền tệ của IMF và đang cố gắng làm chậm lại sự sụt giảm giá nhanh của đồng NDT bằng cách đầu tư hàng trăm tỷ USD ra nước ngoài. Trung Quốc đang hướng tới việc làm mạnh đồng NDT để cạnh tranh với đồng USD trong việc làm đồng tiền thanh toán toàn cầu. Do đó, việc Trump cứ lặp đi lặp lại thông điệp Trung Quốc thao túng đồng NDT là không hiểu bối cảnh hiện nay.

Mục đích của Donald Trump là muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ phải đưa nhà máy về nước để tạo nên công ăn việc làm cho người dân. Thí dụ, trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump đã nhắc đến nhà máy sản xuất iPhone của Apple sẽ không còn nằm ở Trung Quốc mà là ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học nhận xét quan điểm của Donald Trump quá giản đơn. Việc quyết định đặt các nhà máy sản xuất không chỉ đơn thuần về thuế mà còn vấn đề chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, chất lượng nguồn nhân lực… Ông Trump đã không hiểu rằng một số sản phẩm công nghệ cao của Hoa Kỳ như máy tính, điện thoại, máy bay… phải được sản xuất theo chuỗi cung ứng toàn cầu để tối đa hóa lợi nhuận. Tư duy của Trump có phần nào giống tư duy kiểu cũ của những năm kinh tế thập niên 80 khi sản xuất của các tập đoàn chưa phải ở quy mô toàn cầu.

Đối diện rủi ro vỡ nợ?

Trump đang hướng tới thực hiện chính sách nới lỏng tài khóa với kế hoạch chi hơn 500 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và kế hoạch cắt giảm thuế mạnh tay. Donald Trump muốn cắt giảm thuế cho người giàu chỉ chiếm 1% dân số và có thể làm thu nhập của họ tăng thêm 10%. Với việc đảng Cộng hòa nắm cả Thượng viện và Hạ viện, Trump có thể thông qua kế hoạch này. Theo Trump, việc cắt giảm thuế này sẽ làm tăng trưởng kinh tế chạm mức 3,5-4%, từ mức 2,1% hiện nay. Thậm chí, Trump mơ tưởng về một quốc gia có thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0% để tạo nên sự bùng nổ kinh doanh chưa từng có.

Nhưng kế hoạch có thể khiến ngân sách mất đi 7.200 tỷ USD trong một thập niên, tức ngang bằng với 50% so với trần nợ công 14.000 tỷ USD hiện tại. Con số này cũng đồng nghĩa nợ công của Hoa Kỳ sẽ tăng thêm 7.200 tỷ USD trong 10 năm tới và có thể là 20.000 tỷ USD trong 20 năm. Nếu so với kế hoạch chi tiêu hiện tại, Hoa Kỳ chỉ có mức thấp hơn hàng năm khoảng 1.300 tỷ USD vào năm 2026, cho thấy kế hoạch của Trump đang gấp tới gần 5,5 lần so với kế hoạch ngân sách hiện tại. Vì thế, kế hoạch chi tiêu ngân sách mạnh tay có đạt được mục tiêu tăng trưởng Trump dự phóng hay không là vấn đề nhiều nhà kinh tế hoài nghi. Trong khi đó, hậu quả trước mắt là nợ công có thể tăng vọt và dẫn Hoa Kỳ đến nguy cơ vỡ nợ. 

Thậm chí, những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump khiến các nhà kinh tế học phải kinh ngạc và sửng sốt về vấn đề giải quyết nợ quốc gia. Ông Trump nói rằng sẽ đàm phán lại vấn đề nợ công quốc gia khi nói bóng gió về việc mua lại nợ với giá rẻ hơn để giảm áp lực nợ công. Kế hoạch này của Trump cũng không khả thì vì Hoa Kỳ vốn chẳng có nhiều tiền để mua lại nợ cũ. Nước này đã nợ đến 19.000 tỷ USD, nếu muốn thực thi kế hoạch kỳ dị này, Trump sẽ phải phát hành nợ mới để mua nợ cũ. Điều này đồng nghĩa Cục Dự trữ liên bang (FED) sẽ phải in thêm tiền để cho chính phủ vay và sẽ tạo ra cơn bão lạm phát.

Tư duy của Trump có phần nào giống tư duy kiểu cũ của thập niên 80.

Tư duy của Trump có phần nào giống tư duy kiểu cũ của thập niên 80.

Lạm phát ngoài tầm kiểm soát

Thị trường đang lo lắng về sự trở lại của lạm phát với chính sách nới lỏng tài khóa của Donald Trump. Ở phía cầu kéo, chi tiêu của chính phủ cho cơ sở hạ tầng có thể dẫn đến gia tăng lạm phát. Ở phía chi phí đẩy, Hoa Kỳ có thể gặp phải cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và Mexico dẫn đến làm tăng chi phí nhập khẩu, từ đó gia tăng lạm phát. Do đó, các cuộc chiến tranh thương mại với 2 quốc gia này sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kể của việc nhập khẩu cũng như giá cả hàng nhập khẩu sẽ tăng lên.

Paul Krugman, nhà kinh tế học hàng đầu đạt giải  Nobel kinh tế học năm 2008, cho rằng chính sách tài khóa bất cẩn của Donald Trump có thể thổi bay tất cả thành quả. Paul Krugman đã từng nhận định cuộc suy thoái kéo dài này sẽ không kết thúc nếu Donald Trump trở thành tổng thống, đồng thời đặc biệt lo lắng về vấn đề thuế của ông này có thể tạo ra cuộc khủng hoảng ngân sách và đẩy Hoa Kỳ vào trạng thái sụp đổ. Đồng USD có thể mất giá mạnh mẽ  và một siêu lạm phát có thể xảy ra. Ngoài ra, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ là một rủi ro tiềm ẩn cho kế hoạch của Trump. Liệu OPEC có đạt được thỏa thuận cắt giảm nguồn cung vào tháng 11 này hay không sẽ cho thấy kịch bản lạm phát tương lai. Nếu giá dầu bị đẩy lên mức 60-70USD/thùng, kế hoạch kiềm chế lạm phát của Trump có thể phá sản.

Việc mọi người nghĩ rằng FED sẽ bị Trump ép tăng lãi suất lên nhanh để ngăn chặn lạm phát từ chính sách mở rộng tài khóa vẫn còn là hoài nghi. Thậm chí, trong lịch sử, FED hiếm khi hành động sớm hơn để ngăn chặn lạm phát và thường hành động khá trễ.

Các tin khác