Thị trường tài chính

Sau cơn hoảng loạn bầu cử Hoa Kỳ

(ĐTTCO) - Vào giữa tháng 8, trên trang Twitter của mình, Donald Trump tự xưng là “Mr. Brexit”. Và trong ngày Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành tân tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Mr. Brexit đã tái hiện kịch bản hỗn loạn của Brexit ở Vương quốc Anh ngày 24-6 trên thị trường tài chính thế giới.

(ĐTTCO) - Vào giữa tháng 8, trên trang Twitter của mình, Donald Trump tự xưng là “Mr. Brexit”. Và trong ngày Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành tân tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Mr. Brexit đã tái hiện kịch bản hỗn loạn của Brexit ở Vương quốc Anh ngày 24-6 trên thị trường tài chính thế giới.

Các thị trường chao đảo

Các chỉ số chứng khoán tương lai Hoa Kỳ giảm mạnh hơn 5%, giống như Brexit. Tại khu vực châu Á, chỉ số Nikkei 225 cũng giảm trên 5% vì lo ngại kế hoạch Abenomics sẽ thất bại khi Donal Trump làm tổng thống. Các thị trường châu Á khác từ Trung Quốc, Hồng Công cho đến các quốc gia Đông Nam Á… đều giảm điểm mạnh. Giá dầu giảm hơn 4%. Trên thị trường ngoại hối, đồng USD giảm hơn 2% so với đồng EUR. Đồng Peso của Mexico giảm hơn 11% so với USD, vì đây là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh từ việc Donald Trump trở thành tổng thống (Trump dọa sẽ xây bức tường ngăn dòng người nhập cư từ Mexico). Trong chiều hướng ngược lại, giá vàng tăng vọt gần 50USD, tương ứng 3,84% và chạm mức 1.323USD/oz. 

Các ngân hàng lớn ở Phố Wall sẽ không vui với việc Trump lên làm tổng thống vì ông sẽ tái thiết lập Đạo luật Glass-Steagall. Trump dự định sẽ phát triển các ngân hàng nhỏ để tránh rủi ro sụp đổ hệ thống và rủi ro đạo đức từ các ngân hàng lớn. Việc Donald Trump đắc cử tổng thống sẽ khiến cho chính sách tiền tệ của FED trong tương lai vẫn là dấu hỏi. Donald Trump vốn phản đối FED và chắc chắn sẽ không tái bổ nhiệm bà Yanet Jellen.

Chiến thắng của Donald Trump là một kịch bản gây sốc cho thị trường. Bà Hillary Clinton đã giành chiến thắng trong cả 3 vòng tranh luận và các cuộc điều tra của các hãng truyền thông lớn trước bầu cử đều cho thấy bà Clinton sẽ chiến thắng. Thậm chí, bà Hilary nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của bộ máy truyền thông. Thông thường, các hãng truyền thông thể hiện quan điểm trung lập trong các cuộc tranh cử. Nhưng việc tất cả các hãng truyền thông lớn đều công bố kết quả điều tra ủng hộ Hillary Clinton cho thấy họ đã nghiêng hẳn về phía bà. Bộ máy vận động tranh cử của Hillary Clinton cũng có chi phí ngân sách lớn hơn và có được sự ủng hộ của các ngôi sao, diễn viên nổi tiếng, những người có khả năng thu hút công chúng. Ngoài ra, 370 nhà kinh tế hàng đầu cử Hoa Kỳ cũng viết thư kêu gọi công chúng không bầu cho Donald Trump. Bản thân Tổng thống Obama cũng nói: “Trump không thể trở thành tổng thống được”.

 Nhưng trong ngày thứ 3 (giờ Hoa Kỳ), khi màu đỏ của đảng Cộng hòa thắng lớn, cả thị trường tài chính rơi vào hoảng loạn. Chiến thắng của ông Trump đã tạo nên nhiều kỳ tích trong bầu cử tổng thống. Lần đầu tiên trong chính trường Hoa Kỳ, một nhà kinh doanh không có kinh nghiệm chính trị lại đánh bại một chính trị gia lão luyện để trở thành tổng thống. Donald Trump còn bị các ứng cử viên đảng Cộng hòa quay lưng (vì Trump là người theo chủ nghĩa bảo hộ, đối lập với truyền thống tự do thương mại của đảng này). Đây cũng là cuộc bầu cử có nhiều bê bối nhất cho cả tân tổng thống và ứng cử viên đối lập. Việc Trump dành cú ăn 3 khi nắm cả Nhà Trắng, Thượng Viện và Hạ Viện là một kỳ tích ít ai nghĩ tới trước cuộc bầu cử.

Phản ứng của thị trường trong ngày bầu cử đã diễn ra đúng theo lo ngại của các nhà phân tích. Trước đó, Citigroup cảnh báo SP 500 sẽ rơi ngay lập tức 3-5% nếu Trump thắng. Tuy nhiên, khả năng thị trường không quá bi quan trong các tháng cuối năm vì một số lý do. Thứ nhất, khả năng Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất vào tháng 12 tới sẽ sụt giảm khi Trump làm tổng thống. Trên thị trường tương lai, xác suất FED tăng lãi suất vào tháng 12 đã giảm xuống còn 68% so với gần 80% của cuối tháng 10. FED có thể hoãn tăng lãi suất giống như họ đã làm sau sự kiện Brexit ở Anh vào tháng 6.

Thứ hai, các con số thống kê lịch sử cho thấy thị trường tài chính (TTCK) trong tháng 11 và tháng 12 của năm bầu cử thường tích cực hơn khi đảng Cộng hòa của Donald Trump thắng lợi. Nhà phân tích Anthony Chan nói với CNBC: “Trong các năm bầu cử từ 1932 đến nay, tôi thấy có sự khác nhau giữa tháng 11 và tháng 12 qua các chu kỳ bầu cử tổng thống. TTCK trung bình giảm 0,9% vào tháng 11 khi đảng Dân chủ thắng và theo sau là đợt tăng 2% ở tháng 12. Ngược lại, khi đảng Cộng hòa thắng, TTCK tăng 1,7% trong tháng 11 và tiếp tục tăng 0,9% ở tháng 12”. Còn chuyên gia Dan Clifftion nói với CNBC: “Nếu Donald Trump thắng, hãy bắt đáy CK”.

Các chỉ số chứng khoán tương lai Hoa Kỳ giảm mạnh hơn 5% trong ngày hôm qua.

Các chỉ số chứng khoán tương lai Hoa Kỳ giảm mạnh hơn 5% trong ngày hôm qua.

Những chính sách gây lo ngại 

Khẩu hiệu tranh cử của Donald Trump là “Làm cho Hoa Kỳ vĩ đại hơn một lần nữa!”, nhưng liệu ông làm cho Hoa Kỳ lớn hơn hay bé lại là một hoài nghi đối với những nhà phân tích. Với tính khí thất thường và những phát ngôn thiếu chừng mực, Donald Trump được cho là một rủi ro chính trị.

Chính sách tranh cử của Donald Trump có nhiều yếu tố cực đoan về ngoại giao và thương mại. Là người phản đối các toàn cầu hóa và tự do thương mại, Donald Trump phê phán các hiệp định tự do thương mại như NAFTA và WTO và đe dọa không thông qua hiệp định TPP. Đây là thông tin bất lợi cho Việt Nam, nước được dự báo sẽ hưởng lợi mạnh từ TPP. Một số quốc gia khác như Mexico lo lắng vì Trump sẽ thực hiện xây bức tường ngăn ngừa người nhập cư vào Hoa Kỳ.

Tobias Levkovich, trưởng bộ phận phân tích của Citigroup, nói: “Chúng ta đã xem việc bảo hộ như chìa khóa quan trọng đe dọa đến biên lợi nhuận trong nhiều năm, vì các công ty Hoa Kỳ thu được lợi ích từ việc gia công toàn cầu và định giá minh bạch thông qua công nghệ. Bất cứ sự can thiệp nào không chỉ xóa đi lợi nhuận mà còn phá hỏng lợi ích của người tiêu dùng được tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ giá rẻ. Đây cũng là rủi ro cho các công ty Hoa Kỳ nếu như Trump chiến thắng, vì khiến các quốc gia tăng các rào cản thương mại để phản ứng với Trump”. Hồi tháng 9, Citigroup cũng đưa ra tính toán cho thấy nếu Trump thắng GDP toàn cầu sẽ giảm đi 0,7-0,8%.

Về chính sách đối ngoại, ông Trump cũng muốn thu lại hoạt động quân sự và tập trung sức mạnh cho Hoa Kỳ. Donald Trump không ủng hộ nhiều với NATO và sẽ ít can thiệp hơn khi các quốc gia trong khối bị tấn công và thậm chí rút quân nếu không được trả tiền bảo hộ. Việc thế giới vắng bóng một quốc gia đóng vai trò “cảnh sát quốc tế” sẽ tạo nên rủi ro lớn cho chính trị thế giới và là điều khiến các quốc gia đồng minh thân cận của Hoa Kỳ lo lắng. Các cuộc chiến chống khủng bố IS ở Trung Đông có thể được xem xét lại. Giá cổ phiếu (CP) ngành an ninh, quốc phòng chắc chắn sẽ giảm mạnh khi Trump không khuyến khích lĩnh vực này, trong đó có cả chính sách cấm người dân sở hữu súng ở Hoa Kỳ.

Trump được cho là sẽ trở nên thân thiện hơn với Nga và không có ý định hướng trục sang khu vực biển Đông. Điều này hoàn toàn ngược lại với bà Cliton, khi có thái độ cứng rắng với Trung Quốc và Nga.

Về đối nội, Donald Trump tuyên bố sẽ “xóa bỏ Obama ra khỏi lịch sử” với đe dọa hủy Obamacare. Điều này có thể khiến giá CP ngành dược phẩm, chăm sóc y tế giảm mạnh. Việc Donald Trump lên làm tổng thống sẽ làm thay đổi chính sách năng lượng của Hoa Kỳ. Theo đó, Donald Trump không hướng đến chính sách năng lượng sạch như bà Clinton mà sẽ đẩy mạnh ngành công nghiệp dầu mỏ, than đá. Ông tuyên bố sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác dầu ở Hoa Kỳ, điều làm tăng nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, vẫn có điểm tích cực dành cho Donald Trump khi ông thực hiện một chính sách thuế thấp và tăng đầu tư cho chính sách tài khóa. Đây là điểm mà ông Donald Trump được đánh giá là thân thiện hơn so với bà Clinton. Ông từng chỉ trích Tổng thống Obama không tiếp tục chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Bush. Nhưng với các chính sách cực đoan về thương mại toàn cầu và đối ngoại, ông Donald Trump vẫn được xem là một rủi ro lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh Hoa Kỳ đang có sự bất đồng lớn.

Các tin khác