Cuộc đua hạt nhân mới (Kỳ 3)

Phập phồng Trung Đông (ĐTTCO) - Sau khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với nhóm P5+1 (Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức cùng EU) vào năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya'alon cảnh báo một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đã được khởi động trong thế giới Ả-rập.

Phập phồng Trung Đông

(ĐTTCO) - Sau khi Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với nhóm P5+1 (Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức cùng EU) vào năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya'alon cảnh báo một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đã được khởi động trong thế giới Ả-rập.

Thỏa thuận lịch sử

Sau gần 2 năm đàm phán, ngày 14-7-2015 Iran và 6 thế lực P5+1 đã ký thỏa thuận lịch sử, giúp chấm dứt những căng thẳng liên quan chương trình hạt nhân của Tehran. Theo thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), có hiệu lực từ ngày 16-1-2016, Iran được quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt tài chính, kinh tế và dầu mỏ để đổi lấy việc nước này giới hạn các hoạt động hạt nhân. Ước tính chỉ riêng trong năm 2015, các lệnh trừng phạt này khiến Iran thất thu 100 tỷ USD xuất khẩu dầu mỏ, chưa kể các cơ hội thu hút đầu tư.

Trong vòng 6 tháng sau khi ký kết thỏa thuận, Iran đã giảm bớt các kho uranium, nước nặng và vô hiệu hóa lò phản ứng hạt nhân Arak. Tehran cũng cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp cận chưa từng có đối với các cơ sở hạt nhân bị tình nghi của nước này. Washington và Tehran đã thiết lập những kênh liên lạc trực tiếp, dù chưa có quan hệ ngoại giao chính thức. Tuy nhiên, Iran đã cương quyết không cho thanh tra quốc tế tiếp cận các cơ sở quân sự bí mật của họ, mà những nơi này bị nghi ngờ có thể là nơi Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Vì vậy, mặc dù thỏa thuận hạt nhân của Iran được đánh giá là bước tiến đáng kể, nhưng khả năng giúp cải thiện an ninh khu vực Trung Đông vẫn chưa được nhận ra. Thay vào đó nó khiến người ta lo ngại như một kiểu “giấy phép” cho chương trình hạt nhân của Tehran, vốn được cho có thể dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Tại anh?

Tháng 7-2015, trong khi JCPOA sắp được ký kết, một đài truyền hình nhà nước ở Saudi tiết lộ nước này chuẩn bị phát triển bom hạt nhân vì cảm thấy bị đe dọa từ “giấy phép” hạt nhân của Tehran. Jamal Khashoggi, Giám đốc đài truyền hình Al Arab, nói: “Nếu Iran phát triển vũ khí hạt nhân, tôi nghĩ Saudi Arabia sẽ làm điều tương tự. Cũng giống như Ấn Độ và Pakistan”.

Đối với Saudi Arabia và những nước Hồi giáo Sunni khác trong vùng Vịnh, Iran là một mối đe dọa. Iran được xem là thế lực đứng đầu những quốc gia và tổ chức Hồi giáo dòng Shiite. Hiện thế lực Hồi giáo Shiite đã tiến hành chiến tranh với thế lực Hồi giáo Sunni ở Syria và Yemen. Đặc biệt, đối với Saudi Arabia, Iran còn là một đối thủ chính trị, đe dọa sự tồn tại của chế độ quân chủ Ả-rập bằng những chính quyền theo kiểu cộng hòa Hồi giáo. Thêm vào đó, Iran còn là đối thủ văn hóa của Vương quốc al-Saud, đe dọa thay thế sự thống trị của văn hóa Ả-rập trong khu vực bằng văn hóa Ba Tư.

Nếu Saudi Arabia phát triển bom hạt nhân, nhiều khả năng họ cũng đối mặt với cấm vận quốc tế. Dù vậy, Saudi Arabia đang hành động tích cực để sở hữu năng lượng hạt nhân. Gần đây, nước này đã ký các thỏa thuận với Pháp, Nga, Hàn Quốc để chuẩn bị xây dựng các cơ sở hạt nhân trong nước. Thỏa thuận với Nga mới được ký vào tháng 6-2015. Tuy nhiên, có thể sẽ khó khăn để biến một chương trình hạt nhân tiềm năng thành một chương trình vũ khí hạt nhân. Karl Dewey, nhà phân tích hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân tại IHS Janes, nói với Reuters: "Về mặt kỹ thuật, rất khó có vật liệu phân hạch cần thiết để phát triển một vũ khí hạt nhân, đặc biệt dưới sự giám sát của quốc tế”.

Saudi Arabia cũng có khả năng đạt được điều tương tự từ Pakistan. Đã có những tin đồn về việc Saudi Arabia đang mua vũ khí hạt nhân sẵn có của Pakistan, một đồng minh Sunni đã được Saudi tài trợ rất lớn cho chương trình hạt nhân. Dù đã đổ ra hàng trăm tỷ USD để mua vũ khí của Hoa Kỳ, nhưng đến nay Saudi Arabia vẫn bị xem là dưới cơ Iran trong một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp.

Lãnh đạo Iran và Hoa Kỳ bắt tay thực hiện thỏa thuận JCPOA.

Lãnh đạo Iran và Hoa Kỳ bắt tay thực hiện thỏa thuận JCPOA.

Hay tại ả?

Trong cảnh báo đưa ra hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya'alon cho biết các nguồn tin tình báo của Israel xác nhận các quốc gia Ả-rập Sunni đã bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó với thỏa thuận của Iran và 6 thế lực dẫn đầu bởi Hoa Kỳ. Bộ trưởng Ya'alon dẫn chứng việc truyền thông Saudi đã cổ súy phát triển vũ khí hạt nhân, cho rằng một cuộc chạy đua hạt nhân ở Trung Đông chắc chắn cũng sẽ lôi kéo Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Algeria. Đó sẽ là một thảm họa cho một khu vực vốn đã chứng kiến biến động, hỗn loạn, chiến tranh... Tuy nhiên, thực tế là cấm kỵ hạt nhân ở Trung Đông đã bị Israel phá vỡ vào thập niên 50 của thế kỷ trước.

Tình báo Hoa Kỳ phát hiện chương trình vũ khí hạt nhân của Israel lần đầu tiên thông qua hình ảnh chụp từ máy bay do thám U-2 vào cuối những năm 1950. Tổng thống John F. Kennedy ép Thủ tướng Israel David Ben-Gurion không tiến hành một chương trình vũ khí, cho rằng nó sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực. Dưới áp lực của Kennedy, Israel đã đồng ý để Hoa Kỳ thanh tra lò phản ứng do Pháp cung cấp, lò Dimona, nhưng sau đó ngăn chặn có hệ thống bất kỳ quá trình kiểm tra nghiêm túc nào.

Israel chưa bao giờ ký kết Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT) và chưa bao giờ thừa nhận có kho vũ khí hạt nhân. Kể từ thời Tổng thống Nixon, Hoa Kỳ ngừng phản đối chương trình hạt nhân của Israel. Cả Tel Aviv lẫn Washington từ đó cũng không công khai thảo luận về kho vũ khí của Israel. Năm 2015, The Economist ước tính Israel có 80 đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của mình, tức chỉ đứng sau Ấn Độ và bỏ xa Triều Tiên. Israel có quyền phát triển một kho vũ khí hạt nhân vì từ khi lập quốc đã ở trong chiến tranh. Nước này tồn tại trong một khu vực nguy hiểm và ngày càng nguy hiểm và hỗn loạn hơn.

Nhà báo Israel Ari Shavit viết trong cuốn sách xuất bản năm 2013 “Miền đất hứa của tôi, vinh quang và bi kịch của Israel”, rằng sau 65 năm quyền bá chủ hạt nhân của Israel ở Trung Đông đang đến hồi kết thúc: “Sớm hay muộn, độc quyền của Israel sẽ bị phá vỡ. Tất cả các nước Ả-rập đều tin rằng nếu chúng ta (Israel) có quyền với lò phản ứng Dimona, họ cũng có quyền đối với các lò của họ. Chương trình hạt nhân đã giúp Israel đi tới sự phồn thịnh, nhưng đồng thời nó là mối đe dọa lớn nhất nước này sẽ phải đối mặt. Nó có thể sẽ biến cuộc sống của người Israel thành ác mộng”.

Các tin khác