Giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách

NSNN vẫn hỗ trợ TPHCM phát triển

(ĐTTCO)-“Không phải Bộ Tài chính không ý thức được nhu cầu của TPHCM mà đã tính toán kỹ làm sao để tỷ lệ điều tiết không giảm quá lớn. Nếu giảm vẫn có lý do của nó và cũng có nguồn lực khác cộng vào để đảm bảo tổng thể NS nhà nước trên địa bàn TPHCM không bị tác động lớn” - ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với báo giới.

(ĐTTCO)-“Không phải Bộ Tài chính không ý thức được nhu cầu của TPHCM mà đã tính toán kỹ làm sao để tỷ lệ điều tiết không giảm quá lớn. Nếu giảm vẫn có lý do của nó và cũng có nguồn lực khác cộng vào để đảm bảo tổng thể NS nhà nước trên địa bàn TPHCM không bị tác động lớn” - ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với báo giới.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, một vấn đề nóng thời gian gần đây là câu chuyện giảm tỷ lệ điều tiết của TPHCM từ 23% xuống còn 18% kể từ năm 2017. Thưa ông, cơ sở nào để Bộ Tài chính điều chỉnh tỷ lệ này?

 

Ông VÕ THÀNH HƯNG: - Năm 2017 là năm đầu tiên xác định lại thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước (NSNN) mới. Đó là thời kỳ tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho các địa phương cơ bản ổn định. Dự kiến thời kỳ này kéo dài đến năm 2020. Tỷ lệ điều tiết xác định trên cơ sở: khả năng thu và nhu cầu chi. Nếu khả năng thu thấp hơn nhu cầu chi thì địa phương được nhận bổ sung cân đối. Còn khả năng thu lớn hơn thì điều tiết về NS trung ương.

Đến nay có 50 địa phương nhận cân đối, 13 điều tiết về Trung ương. Bức tranh NS của Việt Nam có sự khác biệt rất lớn. Ví dụ như: TPHCM và Hà Nội chiếm khoảng 50% số thu NSNN. Nếu cộng cả các trọng điểm thu (trên 10 địa phương) thì chiếm 80% tổng thu NSNN.

Bắc Kạn là địa phương thu NS ít nhất cả nước, chưa được 600 tỷ đồng một năm, chưa bằng 1 ngày thu của TPHCM. Nhưng Bắc Kạn cũng có đủ 1 bộ máy từ cấp huyện đến cấp xã và phải chi mấy ngàn tỷ đồng. Có nhiều địa phương cũng tương tự như Bắc Kạn. Giai đoạn 2011-2016, khi các địa phương thu tăng thì cũng được tăng chi. Các địa phương trọng điểm thu, tăng thu tương đối cao, nếu giữ tỷ lệ điều tiết như cũ chỉ sau 5 năm, quy mô thu của họ tăng gấp đôi giai đoạn đầu.

Các địa phương nhỏ lại khó khăn, phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, thu từ công nghiệp không có, trong khi đó lại chịu tác động nhiều từ giá nông sản giảm, biến đổi khí hậu. Nhiều địa phương thu năm 2016 gần như không tăng so với năm 2011. Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra khi xây dựng định mức phân bổ NS cần xác định phân bổ nguồn lực làm sao cho cân bằng hơn để mỗi địa phương có đủ nguồn lực đảm đương các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Để có nguồn lực hỗ trợ các địa phương khó khăn như Bắc Kạn… NS Trung ương sẽ phải lấy từ các địa phương giàu. Đây là nguyên lý chung về điều hòa NS của tất cả các nước. Vấn đề là điều hoà bao nhiêu để địa phương giàu không mất đi động lực, nghèo thì khá lên?

- TPHCM quy mô thu tăng khá, quy mô chi tăng khá. Nhưng nhu cầu chi chung chưa đáp ứng. Làm sao để khắc phục điều này?

- Để đảm bảo nhu cầu chi của TPHCM, định mức chi thường xuyên chúng tôi đã ưu tiên lớn cho TP. Ngoài ra, NS Trung ương còn bổ sung cho TP trên 7.000 tỷ đồng để đầu tư một số dự án. Nếu tính cả 7.000 tỷ đồng đó, tỷ lệ điều tiết không phải là 18% mà là 22%. Giai đoạn 2016-2020, NSNN vẫn tiếp tục bổ sung cho TP như cấp phát ODA trên dưới 3 tỷ USD để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, cấp thoát nước, xử lý môi trường; cho vay lại trên dưới 1 tỷ USD…

Không phải Bộ Tài chính không ý thức được nhu cầu của TPHCM mà đã tính toán kỹ làm sao để tỷ lệ điều tiết không giảm quá lớn. Nếu giảm vẫn có lý do của nó và cũng có nguồn lực khác cộng vào để đảm bảo tổng thể NS nhà nước trên địa bàn TPHCM không bị tác động lớn. Không chỉ riêng TPHCM, nhiều trường hợp khác tỷ lệ điều tiết giảm, ví dụ như Đà Nẵng giảm 30%, từ 85% xuống 55% nếu tính đúng theo định mức.

Thu ngân sách những năm tới, năm nào cũng khó. Nhưng khó nhất là tiền có từng đấy phân bổ sao cho hài hoà.

 

- Thưa ông, có những ý kiến cho rằng, trong phân bổ ngân sách, câu chuyện đặt ra là làm sao để tạo động lực tăng trưởng của các địa bàn như TPHCM, Hà Nội từ đó kéo theo sự phát triển của các khu vực xung quanh?

- Chúng ta luôn vướng là ưu tiên kinh tế hay các vấn đề xã hội, giải quyết vấn đề kinh tế hay xoá đói giảm nghèo. Bao giờ cũng phải cân bằng 2 yếu tố ấy. Sẽ khó đáp ứng yêu cầu chi của 2 TP lớn là TPHCM và Hà Nội.

Như tôi đã nói, tỷ lệ điều tiết không giảm quá lớn, chỉ là không tăng như nhu cầu. 2 TP này cũng có nhiều công trình TW do TW đầu tư trên địa bàn. Ví dụ như TPHCM mỗi năm, các bộ, cơ quan Trung ương đầu tư 6-7.000 tỷ đồng, số này cũng tính vào tăng trưởng của TP.

- Có những địa phương thu không đạt NS Trung ương phải điều tiết. Theo ông, cần phải có chế tài gì?

- Có 50 địa phương nhận bổ sung cân đối. Họ được nhận 100% số thu trên địa bàn nên tăng hay không tăng là phụ thuộc vào chi của họ. Nếu tăng thu được nhiều thì được tăng chi. NS Trung ương không lấy đồng nào từ địa phương đó. Thời gian qua nổi lên vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo Luật Đầu tư công, nếu địa phương nào nợ đọng sau năm 2015 thì tự lo. Đó chính là chế tài.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác