Nhiều rào cản cho vay theo chuỗi cung ứng

(ĐTTCO)-Tài trợ chuỗi cung ứng giúp khắc phục vấn đề thiếu hụt vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ở Việt Nam. Chuỗi cung ứng giúp chuyển hóa các khoản phải thu, hàng tồn kho thành tiền mặt dễ dàng và tiếp cận vốn với chi phí thấp. Tuy nhiên thực tế tại Việt Nam vốn cho chuỗi cung ứng vẫn còn nhiều rào cản.

(ĐTTCO)-Tài trợ chuỗi cung ứng giúp khắc phục vấn đề thiếu hụt vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ở Việt Nam. Chuỗi cung ứng giúp chuyển hóa các khoản phải thu, hàng tồn kho thành tiền mặt dễ dàng và tiếp cận vốn với chi phí thấp. Tuy nhiên thực tế tại Việt Nam vốn cho chuỗi cung ứng vẫn còn nhiều rào cản.

 

Các chuyên gia tại hội thảo quốc tế về “Tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam” do IFC, Hiệp hội Ngân hàng và Nhóm Tư vấn Kinh doanh của Cộng đồng Kinh tế các nước châu Á-Thái Bình Dương (APEC ABAC) tổ chức đều thừa nhận vai trò quan trọng của chuỗi cung ứng trong sản xuất kinh doanh. Tài trợ chuỗi cung ứng giúp khắc phục vấn đề thiếu hụt vốn ở Việt Nam bởi nó cho phép các nhà cung cấp cải thiện tình trạng vốn lưu động bằng việc chuyển hóa các khoản phải thu và hàng tồn kho thành tiền mặt một cách nhanh chóng và tiếp cận vốn với chi phí thấp dựa trên mức tín nhiệm tín dụng cao của bên mua.

Sản phẩm tài trợ này cũng sẽ tạo điều kiện cho các nhà cung cấp ở các thị trường mới nổi có thể thực hiện tài trợ cho các giao dịch thanh toán sau với lãi suất cạnh tranh. Điều này sẽ khiến cho các nhà cung cấp trở nên hấp dẫn hơn đối với bên mua là các công ty toàn cầu.

Theo GS. Nguyễn Mại, chuỗi cung ứng (Supply Chain) là hệ thống tổ chức, con người, hoạt động thông tin và nguồn lực liên quan tới chu chuyển sản phẩm hay dịch vụ từ nhà cung ứng đến khách hàng. Doanh nghiệp Việt cũng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, như xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ từ hạng 6 năm 2000 đã đứng đầu ASEAN vào năm 2014 với 29,4 tỷ USD; Xuất khẩu dệt may 2016 là 30 tỷ USD, chiếm 4% kim ngạch dệt may thế giới, đứng đầu về năng suất lao động. Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động, smarphone, máy tính bảng; đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, cà phê, gạo thủy sản.

Tuy nhiên, thực tế là chỉ có 21% DNVVN Việt Nam liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 30% và Malaysia là 46%. DNVVN chủ yếu quan hệ mua bán hàng hóa với nhau, chưa chú trọng hỗ trợ theo chuỗi cung ứng. Hơn nữa, doanh nghiệp FDI vẫn thống trị nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm tại Việt Nam.

Được biết, một số ngân hàng Việt Nam đã tham gia cung cấp các dịch vụ tài chính tài trợ chuỗi như Agribank đang triển khai thí điểm cho vay liên kết khép kín từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm. BIDV tài trợ chuỗi khép kín theo các khâu nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản phù hợp đặc thù kinh doanh của ngành, kết hợp cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính trọn gói. Vietinbank cung cấp dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng online cho cả bên mua và nhà cung cấp hàng hóa. VPBank tài trợ chuỗi cung ứng mua xe ô tô và máy nông nghiệp. Tuy nhiên các dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng vẫn chưa được phổ biến.

Vấn đề vốn cho các doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng gặp rất nhiều khó khăn cũng là thực trạng tại Việt Nam hiện nay. Các doanh nghiệp vẫn than họ không thể tiếp cận được với vốn của ngân hàng.

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank thừa nhận, các ngân hàng thích đổ vốn vào bất động sản nhiều hơn bởi vì tài sản đảm bảo có thể sờ được, thấy được, đồng thời cán bộ tín dụng đỡ chịu rủi ro về mặt pháp lý. Lĩnh vực bất động sản lại thu hút và tiêu thụ được lượng vốn lớn trong thời gian ngắn. Hơn nữa tài trợ vốn cho bất động sản cũng được xem là tài trợ chuỗi vì đi kèm theo đó là nhà thầu xây dựng, và chuỗi các người mua. Thực tế là các ngân hàng “khoái” làm chuỗi này hơn. Trong khi đó tài trợ cho chuỗi cung ứng các DNVVN khá “chua chát”.

Nguyên nhân là do NIM (chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra) ít hấp dẫn nhưng chi phí để triển khai trên diện rộng, lượng vốn vốn thu hút chậm đòi hỏi nhà tài trợ phải kiên trì triển khai từng món nhỏ nhiều khi chỉ có vài chục đến vài trăm triệu nhưng thời gian tiết kiệm so với khoản vay lớn là không quá nhiều.

Ông Thanh nhấn mạnh cần phân tích nhiều hơn về tính bền vững, tính hấp dẫn để hoạt động tài trợ chuỗi đúng bản chất của nó là dựa trên dòng tiền, quản lý được dòng tiền đó, rủi ro cũng được hạn chế đến mức thấp nhất.

Theo bà Lệ An, Chuyên gia tài trợ chuỗi cung ứng, Nguyên Phó giám đốc Trung tâm tác nghiệp Tài trợ thương mại BIDV, cần khuyến khích tất cả các doanh nghiệp cùng hợp lực với nhau để quản trị chuỗi cung ứng trơn tru mới mang lại hiệu quả. Tuy nhiên vấn đề sổ sách chưa minh bạch, thiếu báo cáo kiểm toán của DNVVN khiến ngân hàng khó xem xét cho vay. Các DNVVN hãy làm tốt kế hoạch kinh doanh, báo cáo tài chính minh bạch thì các bên ngân hàng-doanh nghiệp hiểu nhau thì mới mang lại kết quả tích cực.

Quan điểm chung của nhiều chuyên gia để tài trợ chuỗi cung ứng, một khái niệm còn mới mẻ với nhiều ngân hàng được bền vững và hiệu quả là các ngân hàng phải nâng cao hiểu biết nhận thức và hiểu rõ hơn về tài trợ chuỗi để tư vấn cho các doanh nghiệp. Quan trọng là ngân hàng phải phân tích được chu kỳ thương mại của doanh nghiệp, phải hiểu được nhu cầu của họ để từ đó đưa ra các giải pháp cho phù hợp với thực trạng hiện nay.

Các tin khác