Từng bước gỡ bỏ rào cản

(ĐTTCO) - Sau khi bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, hiện Bộ Công Thương đang xem xét để tiếp tục bỏ quy định dán nhãn năng lượng. Đây được xem là những tín hiệu tích cực trong việc từng bước gỡ bỏ rào cản trong kinh doanh cho DN.

(ĐTTCO) - Sau khi bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, hiện Bộ Công Thương đang xem xét để tiếp tục bỏ quy định dán nhãn năng lượng. Đây được xem là những tín hiệu tích cực trong việc từng bước gỡ bỏ rào cản trong kinh doanh cho DN.

Phi lý quá lâu

Ngày 18-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc họp nhằm rà soát riêng quy định về dán nhãn năng lượng, một thủ tục kiểm tra chuyên ngành do bộ này ban hành từ năm 2012. 4 năm kể từ khi ban hành và buộc DN phải thực hiện, đến nay thủ tục này đã gây nhiều phiền hà cho DN. Mục tiêu chính của việc dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị nhập khẩu nhằm không cho phép nhập khẩu các loại sản phẩm hàng hóa có mức hiệu suất năng lượng thấp hơn mức tối thiểu. Trên thực tế, có những DN nhập khẩu những thiết bị tiên tiến của các hãng trên thế giới đang áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả năng lượng nhưng vẫn phải kiểm tra lại.

Điều này được ông Đỗ Phước Tống, Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, minh chứng trong ngành của mình. Cụ thể, DN nhập một dây chuyền thiết bị và trong quá trình sử dụng mô tơ bị hỏng phải nhập bổ sung, nhưng khi nhập về phải chuyển ra Hà Nội để kiểm định dán nhãn năng lượng trong khi có những mô tơ DN nhập thuộc loại cao cấp Việt Nam chưa sản xuất được, một số nước Đông Nam Á cũng chưa sản xuất được và chuẩn tiết kiệm năng lượng rất cao. Điều này dẫn đến tình trạng “nhắm mắt dán tem”.

Trước nhiều kiến nghị của DN, Bộ Công Thương đã quyết định sửa đổi thông tư và trong khi chờ lấy ý kiến các đơn vị, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Tổng cục Năng lượng cần có ngay thông báo tới DN song song với việc cải thiện quy trình làm việc. Theo đó, Tổng cục Năng lượng cần có cơ chế cho DN được làm thủ tục khai báo thông tin online. Trước đó ít lâu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa ký Thông tư 23 bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Kể từ ngày 26-11 tới, các DN khi xuất nhập khẩu mẫu vải vào Việt Nam sẽ không phải thực hiện kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo tại cửa khẩu.

Quy định về kiểm tra hàm lượng formaldehyt đã làm khổ DN suốt 7 năm qua, thế nhưng gần như không phát hiện ra vi phạm nào. Cụ thể theo báo cáo gần đây, chỉ có một tỷ lệ nhỏ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định. Hơn nữa, cũng chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khỏe do hàm lượng formaldehyte cao quá mức quy định. Hay theo thống kê của hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, từ 2009-2015, mỗi năm có khoảng 8.000 lô hàng sản phẩm dệt may làm thủ tục nhập khẩu tại đơn vị này phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt, nhưng chỉ có 6 trường hợp (0,0125%) không đáp ứng hàm lượng quy định.

DN tốn thêm chi phí hàng chục tỷ đồng vì những thủ tục phi lý, không cần thiết.
DN tốn thêm chi phí hàng chục tỷ đồng vì những thủ tục phi lý, không cần thiết.

DN khấp khởi

Nói về việc Bộ Công Thương đang xem xét bỏ quy định dán nhãn năng lượng, ông Đỗ Phước Tống cho rằng đây là một tín hiệu vui đối với các DN nói chung cũng như DN trong mảng cơ khí nói riêng. Bởi trong bối cảnh này cơ quan quản lý gỡ được cái gì tốt cho DN cái đó, giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho DN. Bản thân ông cũng đại diện cho các DN trong ngành kiến nghị khắp các hội nghị, hội thảo, các buổi gặp mặt. Tuy nhiên cái DN lo ngại chính là độ trễ của chính sách, như chính sách thuế là một thí dụ. Theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mới có hiệu lực từ ngày 1-9-2016, thuế nhập khẩu giảm dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô nhưng đến nay mọi thứ vẫn không thay đổi. DN nhập khẩu nguyên chiếc không bị đánh thuế, nhưng nhập nguyên vật liệu sản xuất vẫn chịu thuế. Đương nhiên DN cũng chỉ còn biết chờ và tiếp tục kiến nghị.

Thực tế, trong quá trình sản xuất kinh doanh DN có rất nhiều mối lo và những rào cản trong môi trường kinh doanh cũng chỉ là một, nó không thể chiếm hoàn toàn tâm trí của những người chủ DN. Bàn về việc formaldehyt được bãi bỏ chính thức từ ngày 26-11 tới đây, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, đánh giá DN cũng mừng vì bỏ được quy định phi lý đã tồn tại 7 năm nay, song đó không phải cái quan tâm nhất của các DN dệt may hiện nay, mà khó nhất chính là tình hình thị trường. DN còn đang phải cân nhắc, tìm kiếm đơn hàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Ngành dệt may đang phải đứng trước nguy cơ về việc mất đơn hàng do giảm sức cạnh tranh với một số nước trong khu vực. Thêm vào đó, sức mua giảm nên kéo theo giá xuất khẩu thấp hơn cùng kỳ năm trước. Tuy là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, nhưng năm nay ngành lại đứng trước mối lo có thể không hoàn thành mục tiêu xuất khẩu.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa những rào cản phi lý cứ thế tồn tại, nó phải được giải quyết để trợ lực thêm cho DN. Và quan trọng hơn, các cơ quan quản lý phải có sự thống nhất xuyên suốt, bởi thực trạng trên bảo dưới không nghe vẫn còn tồn tại và DN dù biết, dù thấy nhưng cũng không thể mỗi chỗ mỗi phản ánh, chưa kể phản ánh như thế nào cho đúng, trúng cũng không đơn giản. Câu chuyện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn là một thí dụ. Nói về nghị quyết này, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, nhìn nhận nghị định đã làm thỏa lòng DN và doanh nhân: “Nhưng DN vẫn chưa thực sự an tâm khi cơ quan quản lý nhà nước chưa đồng hành cùng DN, nói chưa đi đôi với làm, trên trải thảm, dưới trải đinh”.

Các tin khác