Ứng phó thâm hụt ngân sách

Theo tính toán, 1% ngân sách TPHCM những năm gần đây khoảng 17.000 tỷ đồng. Nếu giảm 5% giữ lại (từ 23% xuống còn 18%), TPHCM sẽ mất khoảng 80.000 tỷ đồng, tức đầu tư công theo kế hoạch 5 năm sẽ bị ảnh hưởng, phá vỡ dự kiến ngân sách, đặc biệt đối với các công trình chống ngập nước và giảm ùn tắc giao thông đang được TP ưu tiên hàng đầu đầu tư hạ tầng, ảnh hưởng đến nguồn thu lâu dài của TP và cả Trung ương. Cụ thể, dự kiến trong 5 năm tới, riêng vốn từ NS TP dành cho chương trình chống ngập khoảng 1.400 tỷ đồng.

(ĐTTCO) - Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 đang diễn ra, vấn đề giảm ngân sách nhà nước (NSNN) để lại cho nhiều địa phương đã nhận được sự quan tâm của các đại biểu. Theo đó, nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng việc cắt giảm phần NSNN này sẽ khiến các địa phương không đủ nguồn để tái đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đang rất bức thiết.

Theo tính toán, 1% ngân sách TPHCM những năm gần đây khoảng 17.000 tỷ đồng. Nếu giảm 5% giữ lại (từ 23% xuống còn 18%), TPHCM sẽ mất khoảng 80.000 tỷ đồng, tức đầu tư công theo kế hoạch 5 năm sẽ bị ảnh hưởng, phá vỡ dự kiến ngân sách, đặc biệt đối với các công trình chống ngập nước và giảm ùn tắc giao thông đang được TP ưu tiên hàng đầu đầu tư hạ tầng, ảnh hưởng đến nguồn thu lâu dài của TP và cả Trung ương. Cụ thể, dự kiến trong 5 năm tới, riêng vốn từ NS TP dành cho chương trình chống ngập khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nguồn vốn này sẽ cải tạo hệ thống thoát nước vùng trung tâm TP (550km2 với khoảng 6,5 triệu dân) để thoát nước mưa, kết nối với những dự án giảm ngập do triều cường. Nếu các dự án này không được triển khai đúng tiến độ, hiệu quả xóa, giảm ngập sẽ bị ảnh hưởng. Trước tiên là khu vực dân cư vùng trung tâm TP, có thể ngập úng cục bộ khi mưa lớn vượt thiết kế hoặc mưa lớn kết hợp triều cường.

Không chỉ TPHCM, hàng loạt tỉnh, thành cũng bị cắt giảm tỷ lệ NS được giữ lại. Như tỷ lệ thu NS để lại cho TP Hà Nội giảm từ mức 42% như hiện nay xuống 28%; TP Đà Nẵng được giữ lại 68%, giảm mạnh so với tỷ lệ 85% giai đoạn 2011-2016; Bình Dương dự kiến chỉ được giữ lại 36% thay vì 40% như trước đây… Nhiều đề nghị về việc điều chỉnh tỷ lệ điều tiết NS đã được các đoàn đại biểu các tỉnh, thành đưa ra để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển. Tuy nhiên, trao đổi nhanh với một số đại biểu bên lề kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình NS khó khăn, các địa phương, đặc biệt là các TP lớn cần có sự chia sẻ với Trung ương trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội không chỉ từ nguồn NSNN, mà cần chủ động, sáng tạo thu hút các nguồn đầu tư khác, tạo ra nguồn lực tổng hợp.

Thực tế, ngay từ đầu năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương điều hành chi NSNN năm 2016 chặt chẽ theo đúng dự toán được duyệt, bảo đảm sử dụng NS triệt để, tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ quy định, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và trong quá trình thực hiện... Trên cơ sở dự toán NSNN được giao, tự cân đối nguồn đảm bảo nhu cầu kinh phí tăng thêm theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Trong quá trình điều hành, Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát, sửa đổi các chính sách chế độ chi NSNN về các vấn đề sử dụng tài sản nhà nước; mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2018; quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung; cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai; quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn NSNN; hướng dẫn một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập...

Đặc biệt, từ giữa tháng 5, dự báo thu NS sẽ tiếp tục khó khăn, rủi ro giảm thu năm 2016 rất lớn, chủ yếu do giá dầu giảm; cắt giảm thuế theo cam kết hội nhập kinh tế... Trong khi đó, đã phát sinh nhiều nhu cầu chi đột xuất, cấp bách, như xử lý hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL... Bên cạnh đó, nợ công tăng nhanh và tiệm cận ngưỡng trần cho phép, làm giảm dư địa của chính sách tài khóa, đã buộc Chính phủ, Bộ Tài chính phải có các giải pháp tích cực, trong đó có việc giảm bội chi NSNN.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, trước mắt nếu phải giảm NS, chính quyền TPHCM cần phân biệt nguồn chi thường xuyên và chi đầu tư. Nguồn chi thường xuyên NS phải chi, còn đầu tư tìm nguồn xã hội hóa. Trong giai đoạn cần phát triển hạ tầng để tăng sức cạnh tranh, TP nên tranh thủ các nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, vốn ODA... Tuy nhiên, cơ chế NS tiến tới phải minh bạch hơn, tức phải tách bạch rõ ràng loại thu nào giữ cho NS địa phương và địa phương phải thu gì, loại thu nào địa phương phải nộp về cho NS Trung ương. Sau đó mới phân chia tỷ lệ theo luật, phần nào của địa phương để cho địa phương tự chủ. Như vậy mới giải quyết được bài toán địa phương muốn giữ nhiều, Trung ương muốn thu nhiều.

Tình hình thu NSNN khó khăn đang gây áp lực rất lớn đến cân đối NSNN. Vì vậy Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang triển khai, thực hiện nhiều giải pháp để thu đúng, thu đủ, kịp thời các nguồn thu vào NSNN. Bài toán được xem khó nhất lúc này là thu NS đã khó, nhưng chi càng khó gấp bội, bởi lĩnh vực nào cũng quan trọng cần phải có nguồn chi. Do vậy, tiết kiệm chi tiêu NS là một trong những yêu cầu, giải pháp rất quan trọng đối với các địa phương trong bối cảnh NSNN khó khăn hiện nay.

Các tin khác