Tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại

(ĐTTCO).- Chiều 25-10, phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế thế giới về khu vực Mê Công (WEF – Mekong) lần thứ 1, một hoạt động trong khuôn khổ hai Hội nghị cấp cao ACMECS 7 và CLMV 8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, khu vực Mê Công hiện là một trung tâm phát triển năng động ở châu Á với nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh cải cách và hội nhập quốc tế.

(ĐTTCO).- Chiều 25-10, phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế thế giới về khu vực Mê Công (WEF – Mekong) lần thứ 1, một hoạt động trong khuôn khổ hai Hội nghị cấp cao ACMECS 7 và CLMV 8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, khu vực Mê Công hiện là một trung tâm phát triển năng động ở châu Á với nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh cải cách và hội nhập quốc tế. 

 

“Thông qua Hội nghị WEF về khu vực Mê Công lần này, Việt Nam mong muốn các nước, các doanh nghiệp Mê Công đối thoại với các doanh nghiệp WEF về các ý tưởng, biện pháp tăng cường đối tác công - tư, phát triển hợp tác kinh doanh, đầu tư mang lại lợi ích cho các bên”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.

Khẳng định kết nối kinh tế là một trọng tâm ưu tiên của Việt Nam, với nhiều chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia phát triển cơ sở hạ tầng và các chuỗi sản xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nước Mê Công cùng các đối tác trong và ngoài khu vực tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thông trên các hành lang kinh tế tiểu vùng, như Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC), Hành lang Kinh tế Bắc-Nam, Hành lang Kinh tế phía Nam…

Bên cạnh đó, hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch là động lực quan trọng. Các nước Mê Công cùng với các nước ASEAN đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng một thị trường thống nhất vào năm 2025, theo đó cần hợp tác tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới, đơn giản hóa và hài hòa quy trình, thủ tục trên các tuyến hành lang kinh tế.

Thủ tướng cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã hợp tác với Lào thực hiện kiểm tra “một cửa, một lần dừng” trên Hành lang Kinh tế Đông-Tây và đang phối hợp với Campuchia nghiên cứu áp dụng mô hình này trên tuyến đường cao tốc Phnôm Pênh - TPHCM. Việt Nam cùng các nước Mê Công tăng cường hợp tác du lịch hướng tới mục tiêu “5 quốc gia - 1 điểm đến” trên cơ sở phát huy tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của khu vực.

Hai vấn đề then chốt khác được Thủ tướng đề cập trong bài phát biểu quan trọng này là đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh; phát triển bền vững.

Bày tỏ đồng tình với đánh giá của WEF về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các nước Mê Công không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giản đơn, mà cần mở rộng đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Ông cũng cho biết, Việt Nam đang đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế; phát triển chủ yếu dựa trên sáng tạo, công nghệ tiên tiến, năng suất cao và tranh thủ thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong quá trình phát triển, việc khắc phục sự phân phối không đồng đều các thành quả của tăng trưởng và hội nhập, thu hẹp khoảng cách phát triển và thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 là những nội dung ưu tiên trong các chương trình hợp tác Mê Công và chiến lược phát triển của từng nước, để mọi người dân có cơ hội thụ hưởng thành quả phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.

Cho biết tại các Hội nghị Cấp cao ACMECS và CLMV ngày 26-10, các nhà lãnh đạo các nước Mê Công sẽ thảo luận các định hướng thúc đẩy hợp tác và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong khu vực Mê Công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, nhất là các nhà tài trợ đang có chương trình, dự án hợp tác tại khu vực như ADB, WB, các quốc gia phát triển Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Ấn Độ… nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt là hợp tác thực chất về quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước Mê Công.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khu vực Mê Công có 4/25 nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới năm 2015, trong đó Campuchia, Lào, Mi-an-ma tăng trưởng trên 7%, Việt Nam tăng trưởng 6,7% và Thái Lan đang phục hồi tích cực. Khu vực Mê Công là điểm kết nối quan trọng ở châu Á và là một thị trường giàu tiềm năng với dân số 240 triệu người và quy mô GDP trên 660 tỷ USD.

Các tin khác