Khó tăng vốn điều lệ

(ĐTTCO) - Tăng vốn điều lệ (VĐL) là điều kiện cần và đủ để các NHTM tiến đến chuẩn Basel II, nâng cao năng lực tài chính và ứng phó với biến động thị trường. Năm nay các NH tăng vốn chủ yếu từ nguồn chia cổ tức bằng cổ phiếu (CP), tuy nhiên một số NH cũng gặp khó khi triển khai phương án này, khiến kế hoạch tăng vốn khó khăn hơn.

(ĐTTCO) - Tăng vốn điều lệ (VĐL) là điều kiện cần và đủ để các NHTM tiến đến chuẩn Basel II, nâng cao năng lực tài chính và ứng phó với biến động thị trường. Năm nay các NH tăng vốn chủ yếu từ nguồn chia cổ tức bằng cổ phiếu (CP), tuy nhiên một số NH cũng gặp khó khi triển khai phương án này, khiến kế hoạch tăng vốn khó khăn hơn.

Phong trào trả cổ tức bằng CP

Ghi nhận trong mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2016, có 17 NHTM đặt kế hoạch tăng VĐL. VĐL là một cấu phần của vốn cấp 1 trong tổng vốn tự có của các TCTD và thường chiếm tỷ lệ cao trong tổng vốn tự có, nên tăng VĐL là giải pháp để NH tăng hạn mức tín dụng và mở rộng các khoản đầu tư góp vốn, mua cổ phần. Bởi theo quy định, khối NHTM nói chung phải tuân thủ các quy định như tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một nhóm khách hàng có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của NHTM, giới hạn tổng mức góp vốn mua cổ phần không vượt quá 40% VĐL và quỹ dự trữ của NHTM.  

Hiện nay các NH rất thiếu vốn, thể hiện qua hệ số CAR thấp và nợ xấu cao. Tuy nhiên khả năng tăng VĐL rất hạn chế, việc tăng vốn thông qua phương án chia cổ tức bằng CP mặc dù khiến CP bị pha loãng nhưng là phương án dễ thực hiện nhất, song phải phụ thuộc vào quyết định của cổ đông lớn.

Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng vốn khá chậm khi chỉ có 4 NH công bố tăng VĐL. Bắt đầu từ tháng 8 đến nay, NHNN đã ban hành hàng loạt văn bản chấp thuận cho các NH tăng VĐL. Cụ thể, Vietcombank được chấp thuận tăng VĐL từ 26.650 tỷ đồng lên 35.977 tỷ đồng, TPBank được tăng VĐL từ 5.550 tỷ đồng lên 5.842 tỷ đồng, VPBank được tăng VĐL từ 9.181 tỷ đồng lên 10.756,45 tỷ đồng, ACB được tăng VĐL từ 9.376,96 tỷ đồng lên 10.273,24 tỷ đồng, MB được phép tăng VĐL từ 16.311 tỷ đồng lên 17.127 tỷ đồng, VIB được tăng VĐL từ 4.845 tỷ đồng lên 5.644,42 tỷ đồng.

 Tuy nhiên, ngoài TPBank tăng vốn lên 5.842 tỷ đồng thông qua việc bán 4,99% cổ phần ưu đãi cho đối tác nước ngoài là IFC, hiện trong năm nay vẫn chưa có thêm NH nào tăng vốn thành công thông qua bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Vietcombank và quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) đã ký kết một bản thỏa thuận ghi nhớ, theo đó GIC sẽ mua 7,73% cổ phần Vietcombank nhưng thỏa thuận này vẫn đang chờ các cấp có thẩm quyền xét duyệt. Các NH khác cho biết sẽ tăng vốn thông qua nhiều nguồn, nhưng trên thực tế phát hành CP thưởng, chia cổ tức bằng CP đang là nguồn chính phục vụ nhu cầu tăng vốn của các NH.

Lấy đơn cử ACB đang triển khai thực hiện phương án phát hành CP để trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu với số lượng dự kiến phát hành hơn 89,6 triệu CP, tổng giá trị hơn 896 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối năm 2015, thời gian dự kiến diễn ra trong quý IV. Vietcombank hiện đã tăng vốn lên 35.977 tỷ đồng thông qua việc phát hành CP thưởng với tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu. VIB sẽ tăng vốn thông qua phát hành CP thưởng với mức tăng 1.800 tỷ đồng sau đợt phát hành. MB cũng vừa thông báo phát hành 81,56 triệu CP để trả cổ tức năm 2015 bằng CP với tỷ lệ 5% của MB, đây là một phần trong kế hoạch tăng vốn trong năm 2016 đã được cổ đông thông qua. ABBank cũng phát hành CP thưởng để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với mức tăng thêm 522 tỷ đồng.

Nhiều NH đang gặp khó trong triển khai tăng vốn điều lệ. Ảnh: LONG THANH

Nhiều NH đang gặp khó trong triển khai tăng vốn điều lệ. Ảnh: LONG THANH

Vốn ngoại hỗ trợ đang xa rời

Tuy nhiên, chia cổ tức bằng CP một số NH lớn lại gặp khó. Cụ thể, HĐQT BIDV đã có thông báo về việc chốt danh sách và chi trả cổ tức năm 2015. Theo đó tỷ lệ chi trả 8,5% CP bằng tiền mặt. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4-2016, BIDV đã thông qua phương án chia cổ tức 8,5% bằng CP. Nhưng, vào tháng 6-2016, Bộ Tài chính với tư cách là người đại diện phần vốn nhà nước tại BIDV và VietinBank, có văn bản đề nghị NHNN biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước vào ngân sách.

Quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng vốn của NH. Theo kế hoạch, năm 2016 BIDV tăng vốn từ 34.187 tỷ đồng lên 43.633 tỷ đồng từ 3 nguồn: Phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi; phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài và cổ đông hiện hữu; phát hành thêm 944,6 triệu CP tương đương 9.446 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu. Song đến nay mức VĐL vẫn chưa thay đổi. Giới phân tích nhận định việc trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ làm giảm vốn chủ sở hữu và khiến nhu cầu tăng vốn của BIDV trở nên cấp thiết hơn. Nếu không tăng vốn thành công, BIDV có thể gặp khó trong việc hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận năm 2016, bởi NH sẽ không thể tăng trưởng tài sản nếu không cải thiện được tỷ lệ CAR. Trong ĐHĐCĐ năm 2016, HĐQT BIDV cho biết BIDV hiện là NH có sở hữu nhà nước lớn và chưa bán được cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Trước đây NH đã tìm kiếm, làm việc với các nhà đầu tư đến từ châu Phi nhưng không thành công, sau đó chuyển hướng nhắm tới các nhà đầu tư từ khu vực châu Á nhưng quá trình đàm phán kéo dài, phức tạp và có những mâu thuẫn. Song song đó, diễn biến thị trường chứng khoán bất lợi nên giá CP BIDV ngày càng giảm sâu.

Hầu hết các NH đều mong muốn tăng vốn thông qua nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thay vì dựa vào nội lực như hiện nay, nhưng khả năng này đang hạn chế vì trần sở hữu khối ngoại chỉ 30% và nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 20%, không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Nếu room khối ngoại tại các NH tăng lên, dòng vốn ngoại dự báo sẽ đổ vào lĩnh vực NH mạnh mẽ hơn.

Các tin khác