Gia đình thiện nguyện

(ĐTTCO) - Hơn 10 năm nay bà vẫn lặng lẽ cầu siêu, khâm niệm, chôn cất và khóc than cho những sinh linh bé nhỏ chưa chào đời hoặc vừa làm người đã phải đón nhận cái chết. Người đàn bà nhân hậu, làm việc phúc, việc nghĩa ấy là Nguyễn Thị Nhiệm, 58 tuổi, ở thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

(ĐTTCO) - Hơn 10 năm nay bà vẫn lặng lẽ cầu siêu, khâm niệm, chôn cất và khóc than cho những sinh linh bé nhỏ chưa chào đời hoặc vừa làm người đã phải đón nhận cái chết. Người đàn bà nhân hậu, làm việc phúc, việc nghĩa ấy là Nguyễn Thị Nhiệm, 58 tuổi, ở thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Bước qua tiếng xấu

Khoảng 10 năm trước, người dân quanh các phòng khám, bệnh viện sản phụ khu Sóc Sơn, Hà Nội và Mê Linh (khi đó vẫn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) rất ngạc nhiên khi thấy một người đàn bà trung tuổi cứ lén lén, lút lút đi nhặt, gom những chiếc túi nilon đựng thai nhi, hài nhi. Không kể ngày nắng hay mưa, bà cứ lặng lẽ đạp chiếc xe cà tàng khắp nơi, để rồi kết quả là những chiếc túi nilon đen xì gom nhặt được. Nhớ lại chuyện xưa, bà tâm sự: “Lúc đầu mọi người cũng rất tò mò, không biết tôi làm gì cả, sau khi đã biết rồi họ ghê sợ việc làm của tôi. Họ còn bảo tôi chắc bị thần kinh mới làm những việc mất vệ sinh, bẩn thỉu như vậy”.

Gom nhặt về phải an táng cho chu đáo, vậy là sau nhiều ngày tâm sự với gia đình, họ hàng bà Nhiệm và chồng đã quyết định hiến tặng mảnh ruộng 700m2 làm nghĩa trang hài nhi. Lúc đầu nhiều người dân ở thôn Đồi Cốc chẳng những không giúp mà còn nói xấu, bêu riếu việc làm của gia đình bà là dở hơi, vô tích sự. Cũng may qua các sinh viên tình nguyện và đội thiện nguyện của nhà thờ ở Hà Nội hiểu được mục đích và việc làm nên đã giúp đỡ, quyên góp một ít kinh phí giúp gia đình tiếp tục công việc. Do diện tích đất nghĩa trang ít ỏi nên bà Nhiệm phải an táng nhiều thai nhi, hài nhi vào một ngôi mộ. Dù đã làm công việc này hơn 3.600 ngày qua, nhưng mỗi lần khâm liệm, chứng kiến những sinh linh xấu số bà vẫn dưng dưng nước mắt. Nhiều lần mai táng xong, bà ngồi lại bên mộ khóc thảm thiết. Tiếng khóc ai oán của người đàn bà nhân nghĩa xót thương cho những linh hồn bé nhỏ chưa một ngày sống trên đời.

Chồng, con cùng chung sức

Vài năm trở lại đây tình trạng nạo phá thai trong thanh thiếu niên ở nước ta đã ra tăng đến mức báo động. Nhiều thống kê của các cơ quan chức năng cho biết mỗi năm Việt Nam có khoảng 300.000 ca nạo, là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất Đông Nam Á. Chính vì thế bà Nhiệm không thể làm xuể việc an táng cho các thai nhi trên địa bàn Hà Nội và Vĩnh Phúc. Sau khi trăn trở và mang tâm sự kể với chồng, ông Nguyễn Văn Yên, 59 tuổi và cậu con trai Nguyễn Văn Dương 30 tuổi, đã trở thành cánh tay đắc lực trợ giúp cùng làm việc nghĩa với bà. Ông Yên tâm sự: “Bây giờ tuy việc làm của gia đình tôi mọi người đã biết, đã hiểu. Nhưng chuyện đi gom nhặt thai nhi, hài nhi diễn ra âm thầm, không thể có nhiều người cùng tham gia. Bởi các phòng khám tư nhân hay bệnh viện phụ sản rất ái ngại khi cho-nhận thai nhi, hài nhi chết yểu. Nếu xuất hiện đông người hoặc có người lạ nhân viên bệnh viện sẽ không chuyển giao”.

Bà lặng lẽ ngồi cầu nguyện cho những sinh linh bé nhỏ.

Bà lặng lẽ ngồi cầu nguyện cho những sinh linh bé nhỏ.

Ông Yên bảo chỉ có mình hoặc cậu con trai thỉnh thoảng đi thay bố, người ta biết mặt, biết tên và biết mục đích mới được giao nhận các thai nhi, hài nhi. Hiện nay, 2 bố con ông sử dụng xe máy đi các địa bàn xa hơn, còn bà Nhiệm chỉ đạp xe hoặc đi bộ. Số lượng thai nhi, hài nhi ở các phòng khám tư, bệnh viện sản tại Từ Liêm, Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội) và thị xã Phúc Yên, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) rất nhiều. Ở nội thành thỉnh thoảng có một số nhóm thiện nguyện nhà thờ gom nhặt rồi nhờ vợ chồng ông an táng giúp. Trong một chiều hè oi ả, chúng tôi chứng kiến công việc thầm lặng, cao cả của ông Yên. Như mọi lần ông ăn bận lịch sự, gọn gàng như đi chơi.

Bà Nhiệm thắp hương bên những nấm mộ hài nhi, thai nhi tập thể.

Bà Nhiệm thắp hương bên những nấm mộ hài nhi, thai nhi tập thể.

Mục đích để tránh sự tò mò, chú ý của người khác. Mồ hôi nhễ nhại, ông cho tôi hôm nay sẽ đi gom nhặt thai nhi ở vài phòng khám tư quanh huyện Mê Linh. Ở những chỗ ông tới, những ông bố bà mẹ trẻ viện cả 1.001 lí do để chối bỏ quyền thiêng liêng nhất của con người, vứt đi giọt máu trong người. Ở điểm hẹn quen thuộc trong hành trình gom nhặt này chiều nay ông Yên thu được 4 túi nilon to lẫn nhỏ. Công việc này của ông cũng đều như cơm bữa, ngày 2 lần, suốt theo mạn Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh, Phúc Yên, Vĩnh Yên.

Những hôm mưa gió, hoặc ông mệt mỏi, người con trai Nguyễn Văn Dương, chủ động đi thay cho bố. Anh Dương cho biết nhiều hôm phải xuất phát từ lúc 4-5 giờ sáng để đến các địa điểm xa. Trong đêm tối những ngày đông rét mướt, lúc đầu anh Dương cũng cảm giác sờ sợ, run run. Không phải sợ đường xa, đêm tối, rét mướt, mà anh sợ ám ảnh khi nhìn thấy những túi đựng hài nhi, người ta mới nạo phá chiều tối qua. Nhưng anh rất hiểu việc làm thầm lặng, cao đẹp của bố mẹ mình, nên quyết tâm cùng chung tay vào việc nghĩa này.

Vậy là 3 con người trong gia đình bà Nhiễm vẫn lặng lẽ, âm thầm làm việc nghĩa, việc phúc cho đời. Một công việc chính quyền địa phương không quan tâm, chẳng bệnh viện, phòng khám nào nhờ bảo. Thậm chí cả những người đã phá bỏ con mình cũng chẳng biết đến việc làm này. Chỉ cái nghĩa trang hài nhi, thai nhi Đồi Cốc hơn 700m2 với khoảng hàng trăm ngôi mộ là nơi an nghỉ của cả vạn sinh linh vô tôi, đáng thương. Gia đình bà Nhiệm là một gia đình đặc biệt đã làm những công việc phúc đức chẳng ai dám làm, muốn làm.

Các tin khác