Bất hợp lý giá phân bón

(ĐTTCO)-Phân bón là một trong những nhóm hàng nhập khẩu lớn của VN. Mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh nhất tính đến hết tháng 9 là phân u rê, đáng nói đây là mặt hàng sản xuất trong nước đang dư thừa.

(ĐTTCO)-Phân bón là một trong những nhóm hàng nhập khẩu lớn của VN. Mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh nhất tính đến hết tháng 9 là phân u rê, đáng nói đây là mặt hàng sản xuất trong nước đang dư thừa.

Nhập khẩu u rê tăng 59%

Tại hội thảo quốc gia "Lập lại trật tự thị trường phân bón VN" cuối tháng 9 vừa rồi, báo cáo của Bộ Công thương cho biết nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước mỗi năm khoảng 11 triệu tấn các loại, năng lực sản xuất trong nước đáp ứng được 80% nhu cầu. Trong đó phân đạm

(u rê) cung vượt cầu khoảng 400.000 tấn; phân lân, phân hỗn hợp NPK cơ bản đáp ứng, DAP đáp ứng 65% nhu cầu. Phân kali và SA hiện nay chưa sản xuất được do không có lợi thế về nguyên liệu, phải nhập khẩu hoàn toàn.

Đặc biệt, báo cáo thường kỳ tháng 9 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết: Tính đến cuối tháng 9, khối lượng nhập khẩu u rê ước đạt 443.000 tấn với giá trị đạt 103 triệu USD, tăng 58,8% về khối lượng và 16,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Nguồn nhập khẩu phân bón chủ yếu vẫn từ Trung Quốc với 41,5% thị phần và đây là thị trường nhập khẩu chủ yếu của VN.

 

Đáng chú ý, nhập khẩu phân bón từ Malaysia cũng tăng đến hơn 3 lần về khối lượng và 2,1 lần về giá trị. Trong số các nước trong khu vực còn có Indonesia, tăng 87% về khối lượng và tăng 39% về giá trị. Thậm chí nhập khẩu phân bón từ Lào cũng tăng nhẹ về khối lượng nhưng giá trị lại giảm. Thực tế, từ năm 2015 tổng sản lượng phân u rê nhập khẩu đã tăng mạnh, lên tới 652.000 tấn, tăng 3 lần về khối lượng với năm trước.

Ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN (FAV) giải thích, hiện nay chúng ta cũng vừa nhập và vừa xuất khẩu. Lúc nào thị trường cần thì doanh nghiệp (DN) nhập và không có nhu cầu nội địa thì họ lại xuất. Thời gian gần đây nhập khẩu phân u rê tăng mạnh do giá phân ở các nước rẻ hơn nội địa. Nhà nhập khẩu họ cân đối giá rồi mới nhập và điều này cũng có lợi cho nông dân vì nó sẽ kéo giá trong nước xuống.

Ông Phong cũng cho biết thêm: Xét về tổng công suất của 4 nhà máy là Hà Bắc, Ninh Bình, Phú Mỹ, Cà Mau thì đúng là dư thừa. Nhưng thực chất chỉ có nhà máy đạm Phú Mỹ và Cà Mau là đáp ứng được, còn lại 2 nhà máy ở miền Bắc mà đặc biệt là Ninh Bình thì gần như đóng cửa vì càng sản xuất càng lỗ. Đó cũng là lý do nhập khẩu phân u rê từ đầu năm đến nay tăng mạnh mà nhu cầu phân u rê cả nước mỗi năm trên 1 triệu tấn. Còn DAP mình có 2 nhà máy rồi, giá rất cạnh tranh nhưng chất lượng mẫu mã chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường trong nước, bán rẻ cũng không bán được.

Phân nhập, có thuế vẫn rẻ hơn

Nhận xét về chuyện vừa nhập, vừa xuất trên thị trường phân bón, PGS-TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II tại TP.HCM (thuộc Bộ NN-PTNT), cho rằng với quy tắc “bình thông nhau”, nước chảy chỗ trũng thì đây cũng là điều bình thường. "Giá bán của người ta rẻ hơn thì mình nhập về thôi" - TS Khải nói nhưng lưu ý, thứ nhất với mặt hàng phân bón từ Trung Quốc, giá có thực sự rẻ hơn của chúng ta hay không hay cái chính là “tiền nào của nấy” cần phải xem xét kỹ. Không loại trừ khả năng các DN cố ý “bị lừa” để hưởng lợi. Điều này các ngành chức năng phải kiểm soát chặt.

Vấn đề thứ hai quan trọng hơn đó là tại sao sản phẩm của chúng ta lại đắt hơn các nước khác. Ngoài yếu tố công nghệ lạc hậu thì điều dễ nhận thấy vì các nhà máy của chúng ta đều là DN nhà nước. DN nhà nước thì từ con người đến quản lý, hoạt động hầu hết có vấn đề. Đó là yếu tố mấu chốt làm cho giá phân bón trong nước cao hơn các nước khác.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, đặt vấn đề: Tại sao trước giờ giá phân bón sản xuất trong nước của VN luôn cao hơn thế giới dù hàng của họ nhập khẩu về đã phải chịu thuế? Có một thực tế là sản phẩm phân bón trong nước của chúng ta hầu hết được sản xuất từ các DN nhà nước. Họ khai thác tài nguyên quốc gia lên bán phục vụ cho nông dân nhưng giá lại cao. Hệ quả là hầu hết các mặt hàng nông sản nội địa sản xuất ra giá thành đều cao hơn các nước trong khu vực và khó cạnh tranh khi xuất khẩu. Rõ ràng nông dân không được hưởng lợi gì cả. Trong khi đó, các DN nhà nước thì “người đông, lương cao”.

Để giải quyết sự bất hợp lý này một cách triệt để cần nhanh chóng cổ phần hóa các DN nhà nước và làm một cách thật sự nghiêm túc.

Thực tế hiện nay, ngoài các nước trong khu vực ASEAN được miễn thuế thì mặt hàng phân bón nhập khẩu từ các nước khác đều phải chịu thuế nhập khẩu 6%. Nhưng ngay cả chịu thuế thì phân bón nhập khẩu vẫn rẻ hơn nội địa, đó là nghịch lý tồn tại nhiều năm trên thị trường. "Hiện nay nền kinh tế VN đang hội nhập nên hàng rào thuế quan cũng chỉ có thể ở một chừng mức nào đó. Vì vậy, bản thân các DN cũng phải đầu tư cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đó mới là điều hợp lý chứ không chỉ trông chờ vào chính sách của nhà nước" - ông Phong nói.

Thuế VAT làm đội giá phân bón !?

Theo ông Lê Quốc Phong, trước đây mặt hàng phân bón chịu thuế VAT 5%. Năm 2014, Bộ Tài chính trình Quốc hội đưa mặt hàng này vào diện không chịu thuế nhưng để hỗ trợ nông dân thì phải đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế 0%. Vì nếu thuế 0% thì tất cả các đầu vào được hoàn thuế; còn không chịu thuế thì tất cả các đầu vào không được khấu trừ và giá thành sẽ cao hơn, đẩy giá bán phân bón tăng lên. Điều này cũng là một trong những yếu tố làm cho giá phân bón VN cao hơn các nước.

Các tin khác