Bình ổn Tết: Lo ngại hàng kém chất lượng

(ĐTTCO)-Vừa qua, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên đã dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc tại một số doanh nghiệp (DN) nằm trong Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn nhằm tìm hiểu về nguồn cung hàng hóa phục vụ dịp Tết Đinh Dậu 2017, đồng thời tìm hiểu những khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.

(ĐTTCO)-Vừa qua, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Phạm Thành Kiên đã dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc tại một số doanh nghiệp (DN) nằm trong Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn nhằm tìm hiểu về nguồn cung hàng hóa phục vụ dịp Tết Đinh Dậu 2017, đồng thời tìm hiểu những khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.

Hàng tết dồi dào, giá ổn định

Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, song công tác chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho người dân trong mùa tết tại các DN đã khá khẩn trương. Dự báo nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định và đảm bảo chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại Công ty TNHH San Hà (SAN HA FOODS), mới hơn 9 giờ sáng nhưng phía trước cổng đã chật cứng xe tải vào ra nhận hàng. Bà Phạm Thi Ngọc Hà, Tổng Giám đốc SAN HA FOODS phấn khởi cho biết, sức mua từ đầu năm đến nay tương đối ổn định, trong 9 tháng qua lượng hàng bán ra đã đạt gần 32.000 tấn sản phẩm gia cầm, thủy cầm các loại. Hiện DN có 4 nhà máy, mỗi ngày cung ứng bình quân khoảng 100 tấn sản phẩm, trong đó khoảng 45.000kg thịt gà.

Tính đến ngày 30-9, Công ty San Hà có 257 điểm bán hàng bình ổn, dự kiến từ nay đến cuối năm phát triển thêm 4 cửa hàng và mở thêm 18 điểm phân phối. Về khả năng cung ứng hàng dịp tết sắp tới, so với lượng hàng do thành phố giao, công ty đều đưa ra kế hoạch vượt khá cao. Đơn cử, gà ta tăng từ 400 tấn lên 640 tấn, gà công nghiệp từ 1.890 tấn lên 2.290 tấn, vịt nguyên con từ 550 tấn lên 760 tấn...

Ngoài lượng gia cầm tự nuôi hoặc thông qua mô hình liên kết, hợp tác với hợp tác xã 100%, trong trường hợp cấp thiết DN còn tăng khả năng cung cấp sản lượng từ 30%-50% mua từ các công ty, hộ gia đình, tùy nguồn sản phẩm.

 

Tương tự, bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch Hội đồng Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, cho biết, với việc đầu tư dây chuyền hiện đại, khép kín để sản xuất những sản phẩm sạch như mì, phở, bún (tươi và khô), hiện nay DN đang cung ứng mỗi ngày khoảng 120 tấn, trong đó xuất khẩu trên 50%. Đáng chú ý, với mức sản lượng này,  nhà máy mới chỉ hoạt động 1/3 công suất, do đó trong trường hợp cấp thiết sẽ đẩy hết công suất để tăng nguồn cung. Riêng việc thực hiện kế hoạch hàng hóa dịp tết do thành phố giao, DN đã đưa ra chỉ tiêu tăng 30%-40% tất cả các sản phẩm, dao động trên dưới 50 tấn cho mỗi chủng loại.

Trước đó, Sở Công thương cũng đã đi thực tế tại các DN cung ứng mặt hàng trứng gia cầm như Công ty TNHH Ba Huân và Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt. Các DN khẳng định công tác phát triển tổng đàn đang có nhiều thuận lợi nên nguồn cung hàng hóa tết rất dồi dào, phong phú. Lượng trứng gia cầm chuẩn bị cung ứng cho dịp tết sẽ tăng gấp so với kế hoạch thành phố giao nên rất khó xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến. Bên cạnh đó, các DN cam kết ổn định giữ giá trứng 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết, đồng thời khuyến mãi giảm giá sâu trong 2 ngày cận tết.

Tạo môi trường đầu tư thông thoáng

Nhìn nhận về công tác chuẩn bị hàng tết, bà Lê Thị Giàu cho hay, công ty cam kết sẽ đảm bảo và vượt nguồn cung của thành phố giao. Về giá cả, dù chi phí đầu vào đang tăng cao, nhưng DN sẽ chấp nhận giảm lãi để giữ đúng giá bình ổn. “Vấn đề khiến chúng tôi lo lắng và mong mỏi cơ quan chức năng vào cuộc là ngăn chặn hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang có mặt mọi ngõ ngách, hạn chế sức cạnh tranh của DN”, bà Giàu kiến nghị với đoàn công tác.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngọc Hà cho rằng, thông qua các chương trình hỗ trợ của thành phố, đã góp phần giúp DN hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, hiện thị trường đang bị cạnh tranh về giá cả bởi các DN nước ngoài được hưởng chính sách đầu tư và có chi phí sử dụng vốn thấp do lãi vay nước ngoài rất thấp so với mặt bằng lãi vay trong nước. Do đó, ảnh hưởng đến giá thành và sức cạnh tranh, kể cả DN nằm trong Chương trình bình ổn của thành phố.

“Một số khó khăn nữa mà chúng tôi mong mỏi các cơ quan, ban ngành cần sớm có chính sách hỗ trợ, bảo vệ DN là giá hàng nhập khẩu thấp, đã làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các mặt hàng tương tự trong nước. Mặt khác, nguồn lao động có tay nghề cao cũng bị thiếu hụt thường xuyên, rất khó tuyển dụng...”, bà Hà nói.

Trao đổi với các DN, Giám đốc Sở Công thương TP Phạm Thành Kiên, lưu ý các DN, do tết năm nay đến rất sớm nên ngoài sản lượng hàng hóa mà thành phố giao theo kế hoạch, các DN phải luôn trong tư thế chủ động nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân, cũng như có biện pháp ứng phó nhanh khi thị trường có biến động về giá. Cùng với việc tăng sản lượng, các DN cần duy trì tốt về chất lượng, về an toàn thực phẩm và cách thức cung ứng hàng hóa. Sở Công thương cũng khuyến khích các DN mạnh dạn đầu tư, đa dạng hóa mặt hàng để đáp ứng cho thị trường, tiến đến xuất khẩu.

Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc mà các DN đề cập, ông Phạm Thành Kiên cho biết, hiện hệ thống chính quyền thành phố đang nỗ lực cải thiện những hạn chế vướng mắc. Gần đây, nhiều thủ tục tạo ra rào cản, hạn chế sự phát triển của DN dần được dỡ bỏ, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho DN. TPHCM cũng đã đưa ra hàng loạt chính sách kích cầu đầu tư, thông qua hỗ trợ lãi suất cho DN. Do đó, trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh, đặc biệt là việc chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho dịp tết, nếu các DN gặp khó khăn vướng mắc về vốn, về lưu thông vận chuyển hàng hóa…, có thể liên hệ trực tiếp với Sở Công thương để được hỗ trợ, giải quyết.

Mặt khác, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường nhiều đợt kiểm tra, giám sát những hoạt động liên quan đến mặt hàng thực phẩm để tạo điều kiện cho các DN sản xuất chân chính, cho hàng hóa có chất lượng đến với người tiêu dùng thành phố. 

Các tin khác