Nứt tường do gạch không nung?

(ĐTTCO) - Nhằm khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong lĩnh vực xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 10/CT-TTg về việc “Tăng cường sử dụng vật liệu không nung (VLKN) và hạn chế sản xuất gạch đất sét nung”; Bộ Xây dựng cũng có Thông tư 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng VLKN trong các công trình xây dựng. Tuy nhiên, sau một thời gian ứng dụng vào thực tiễn, một số loại VLKN đã phát sinh những hệ lụy.

(ĐTTCO) - Nhằm khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong lĩnh vực xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 10/CT-TTg về việc “Tăng cường sử dụng vật liệu không nung (VLKN) và hạn chế sản xuất gạch đất sét nung”; Bộ Xây dựng cũng có Thông tư 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng VLKN trong các công trình xây dựng. Tuy nhiên, sau một thời gian ứng dụng vào thực tiễn, một số loại VLKN đã phát sinh những hệ lụy.

Bất ổn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tại TPHCM một số doanh nghiệp BĐS như CT.Group, Nam Long… đã tiên phong trong việc sử dụng gạch không nung vào các dự án. Các dự án chung cư này sau một thời gian sử dụng có hiện tượng nứt tường, bong hồ… Dự án chung cư Flora Anh Đào (đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9) do CTCP Nam Long vừa hoàn thiện, đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng nhiều căn hộ đã bị nứt tường.  

Việc sử dụng VLKN mà cụ thể là gạch không nung tại các dự án của Nam Long làm chủ đầu tư là xu hướng chung trên thế giới. Những loại vật liệu này thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm; có những ưu điểm như cách âm, cách nhiệt tốt nhưng giá thành cao hơn gạch nung truyền thống lâu nay. Các vật liệu này cũng đã được Bộ Xây dựng kiểm định về chất lượng. Do vậy, có thể nhận định ban đầu do chưa có sự đồng bộ về vật liệu với hồ vữa trong quá trình xây dựng nên mới xảy ra sự cố nứt tường.

Ông Nguyễn Xuân Quang,  Chủ tịch HĐQT CTCP Nam Long

Tại căn hộ 1.14, nhiều vết nứt xảy ra ở khu vực phòng vệ sinh và phòng bếp. Đường nứt của vách tường từ phòng ngủ đầu tiên, ngăn cách giữa nhà vệ sinh và phòng ngủ, cách sàn nhà độ nửa mét, kéo dài cho đến cửa chính bước vào căn hộ, lớp vôi vữa bên ngoài bong tróc từng mảng lớn. Bên trên, nơi tiếp giáp vách tường với trần nhà cũng nứt một đoạn, như không kết dính với nhau, lớp hồ áo bên ngoài bong ra rớt xuống từng lớp.

 Chị Nguyễn Thị Phương Hồng, chủ căn hộ, cho biết chủ đầu tư mới bàn giao căn hộ vào tháng 6 năm nay. Lúc đó chị đã phát hiện các vết nứt trên vách tường, nhưng nhỏ và mờ. Chị Hồng đã báo chủ đầu tư, căn hộ được sửa sang, đánh bóng trơn láng, nhưng 1 tháng sau khi chị dọn vào ở vết nứt lại xuất hiện và ngày càng to.

Cách đây chưa lâu, nhiều công trình xây dựng tại Bến Tre sử dụng gạch không nung cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Bùi Trang Thuận, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre, cho biết hầu hết các công trình bị hiện tượng trên đều sử dụng gạch bê tông bọt. “Trước khi đưa vào sử dụng chúng tôi đã cho thí nghiệm và đều đạt chuẩn. Tuy nhiên, hiện có 6/10 công trình sử dụng loại gạch này tường bị nứt. Để tìm nguyên nhân cần có thời gian, bởi công trình còn phụ thuộc thời tiết, nguyên vật liệu, kỹ thuật thi công gạch bê tông bọt” - ông Thuận nói.

Nguyên nhân do đâu?

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Nam Long cho biết, việc xử lý những vết nứt của căn hộ 1.14 hầu hết các đơn vị liên quan đến dự án đều đến kiểm tra, đó là nhà thầu An Phong, nhà giám sát Delta, chủ đầu tư Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh BĐS Nguyên Phúc (công ty con của Nam Long). Đặc biệt, Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng Miền Nam (Viện Khoa học công nghệ xây dựng) cũng đến khảo sát. Trong một bức thư gần nhất gửi chủ nhà vào ngày 23-9, ông Nguyễn Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh BĐS Nguyên Phúc, cho biết đoàn khảo sát của công ty có kết luận: “Các vết nứt chỉ xuất hiện ở tường ngăn phía trong căn hộ (các tường này có chức năng ngăn phòng, không tham gia chịu lực), hệ chịu lực chính là khung ổn định, không xuất hiện vết nứt, chứng tỏ tòa nhà hoàn toàn đảm bảo an toàn. Song công ty cũng hứa bố trí chỗ ở khác trong thời gian sửa chữa căn hộ.

Quang cảnh dự án chung cư Flora Anh Đào.

Quang cảnh dự án chung cư Flora Anh Đào.

Tuy nhiên, chủ căn hộ là bà Hồng không đồng ý. Sự việc phản ánh lên Sở Xây dựng, ngày 10-10 vừa qua, sau khi nhận đơn khiếu nại, cơ quan này đã có công văn đề nghị Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh BĐS Nguyên Phúc nhanh chóng báo cáo cho sở về nguyên nhân, biện pháp khắc phục và việc thỏa thuận với chủ căn hộ; việc sửa chữa phải đảm bảo đúng các quy định theo hợp đồng mua bán đã ký giữa chủ đầu tư và người mua nhà, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của các căn hộ xung quanh.

 Còn theo Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre, sở đã tổ chức kiểm tra chất lượng 5 công trình đầu tiên sử dụng VLKN, theo đó có đến 4 công trình bị nứt tường. Ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: “Gạch kiểm định đạt yêu cầu nhưng lúc đưa vào xây xảy ra co ngót, rạn nứt tường. Mặc dù về chuyên môn sự cố này chưa ảnh hưởng đến độ an toàn của công trình, nhưng người dân vào trạm y tế, trụ sở xã hay trường học mà thấy tường rạn nứt làm sao có thể yên tâm. Vì vậy giải pháp tình thế là tỉnh cho dừng sử dụng gạch không nung và xin ý kiến tiếp của Bộ Xây dựng”.

Rõ ràng, về mặt lý thuyết gạch không nung có nhiều ưu điểm và là xu hướng tiến bộ trong ngành xây dựng, nhưng khi ứng dụng vào thực tiễn đã xảy ra không ít sự cố và hậu quả khách hàng là người lãnh đầu tiên. Rất mong các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn sớm có câu trả lời.

Các tin khác