Sức mạnh tàu sân bay (K2): Cuộc đua tốp dưới

(ĐTTCO) - Xếp ngay bên dưới lớp siêu mẫu hạm Nimitz của Hoa Kỳ là tàu sân bay lớp Kuznetsov của Nga. Hiện có 2 tàu sân bay lớp Kuznetsov đang hoạt động, một của Nga và một của Trung Quốc. Tuy nhiên, lớp tàu sân bay này kém xa lớp Nimitz cả về kích thước lẫn công nghệ, trong khi giữa 2 chiếc cùng lớp tàu Kuznetsov cũng có chênh lệch rất lớn.

(ĐTTCO) - Xếp ngay bên dưới lớp siêu mẫu hạm Nimitz của Hoa Kỳ là tàu sân bay lớp Kuznetsov của Nga. Hiện có 2 tàu sân bay lớp Kuznetsov đang hoạt động, một của Nga và một của Trung Quốc. Tuy nhiên, lớp tàu sân bay này kém xa lớp Nimitz cả về kích thước lẫn công nghệ, trong khi giữa 2 chiếc cùng lớp tàu Kuznetsov cũng có chênh lệch rất lớn.

Sức mạnh tàu sân bay (K1): Vị trí độc tôn
Cá mập giấy Liêu Ninh

Sau thời gian tăng trưởng kinh tế thần tốc và tích lũy được rủng rỉnh tiền bạc, Bắc Kinh hướng đến giấc mộng tàu sân bay để xứng tầm với tiềm lực kinh tế của mình. Trung Quốc đã mua một số xác tàu sân bay như tàu Kiev, tàu Minsk nhưng đã thất bại trong việc phát triển chúng thành tàu sân bay. Dù vậy, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn không nản chí. Với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, họ tiếp tục săn đuổi giấc mơ hàng không mẫu hạm với việc truy lùng những xác tàu khác.

Cuối cùng, họ cũng hoàn thành giấc mơ với xác tàu Varyag, thuộc lớp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga. Tàu này được hạ thủy ngày 4-12-1988 và đặt tên Varyag (Varangian) vào cuối năm 1990. Nhưng việc đóng tàu bị ngừng lại năm 1992, khi cấu trúc con tàu đã hoàn thành nhưng chưa có các hệ thống điện. Với việc Liên Xô tan rã, quyền sở hữu con tàu được chuyển cho Ukraine. Tới đầu năm 1998 tàu được đưa ra đấu giá trong tình trạng không có bánh lái cũng như hầu hết hệ thống khác. Sau đó, Chong Lot Travel Agency Ltd. - một công ty nhỏ có trụ sở tại Hồng Công - đã thắng thầu với giá 20 triệu USD. Công ty này cho biết sẽ dùng xác tàu này để làm một khách sạn và sòng bạc nổi tại Macau.

Tuy nhiên, đích đến thực sự của con tàu là Đại Liên, Liêu Ninh và chi phí kéo tàu về Trung Quốc cao gấp 18 lần giá mua xác tàu. Chỉ tính riêng số tiền Bắc Kinh phải trả cho Thổ Nhĩ Kỳ để kéo tàu qua eo biển Bosphorus đã lên tới 361 triệu USD. Tuy nhiên, việc khôi phục hoạt động của các hệ thống thiết bị trên tàu sân bay này rất khó khăn, bởi tàu được chế tạo ở Ukraine, nhưng lại do Cục thiết kế Neva ở St.Petersburg đảm nhiệm thiết kế. Hơn nữa, rất nhiều thiết bị và hệ thống do Nga sản xuất, trong đó bao gồm tiêm kích hạm Su-33, nhưng Nga lại không bàn giao những công nghệ này. Về sau, với việc “đi đêm” với Ukraine, Trung Quốc đã mua được một số công nghệ tàu sân bay để hoàn thành chiếc tàu đầu tiên của mình, đặt tên là Liêu Ninh.

Tuy nhiên, công nghệ và trang bị của nó kém xa so với “người anh em” lớp Kuznetsov đang hoạt động của Nga. Ngày 23-9-2012, tàu Liêu Ninh được bàn giao cho Hải quân Trung Quốc, nhưng giới quan sát cho rằng chiến hạm này chỉ là “cá mập giấy”, vì thiếu các chiến đấu cơ hoạt động cùng tàu sân bay khi không thấy đơn vị chiến đấu hay máy bay nào cùng ra mắt với tàu, đặc biệt chiếc J-15 vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Theo các chuyên gia quân sự, chỉ trong thời tiết lý tưởng, sóng yên biển lặng, tiêm kích hạm J-15 mới có thể cất, hạ cánh được trên tàu sân bay này, còn trong điều kiện thời tiết xấu J-15 đành "nằm bẹp", Liêu Ninh bị xếp xó, vì nếu tiêm kích hạm bị tê liệt cả biên đội tàu sân bay sẽ không còn khả năng tác chiến. Thất bại của Liêu Ninh đã kéo lùi mọi nỗ lực của nước này nhằm trở thành một thế lực mạnh về hải quân. Mãi đến năm 2014, Liêu Ninh mới chính thức đảm nhận nhiệm vụ tiến hành các chuyến huấn luyện ở các vùng biển xa. Hiện nay, nó cũng chỉ có thể gọi là tàu sân bay thử nghiệm hoặc huấn luyện chứ không có khả năng tác chiến.

Tàu Liêu Ninh, Trung Quốc.

Tàu Liêu Ninh, Trung Quốc.

Đô đốc Kuznetsov

Cùng một lớp hàng không mẫu hạm với tàu Liêu Ninh, nhưng tàu Đô đốc Kuznetsov của Nga là “hàng xịn”. Tàu được đóng tại xưởng đóng tàu Nam Nikolayev trên bờ Biển Đen thuộc Ukraine từ 1985 và đến năm 1995 chính thức đi vào hoạt động. Quân số trên tàu 1.960 người (626 phi hành đoàn, 40 nhân viên), 3.857 phòng. Tàu Kuznetsov được trang bị 17 máy bay (12 chiếc Su-33 và 5 chiếc Su-25), 24 trực thăng (4 Ka-27LD32, 18 Ka-27PLO và 2 Ka-27S). Không như các tàu sân bay của phương Tây luôn cần một đội tàu hộ tống, tuần dương hạm Đô đốc Kuznetsov được thiết kế để có thể độc lập tác chiến với hệ thống vũ khí hiện đại, đặc biệt là tên lửa hạng nặng. Cụ thể, Đô đốc Kuznetsov được vũ trang 12 ống phóng thẳng đứng VLS sử dụng tên lửa chống hạm P-700 Granit tầm bắn 625 km; một hỏa lực phòng không dày đặc gồm 8 bệ pháo phòng không bắn nhanh AK-630; 8 bệ pháo - tên lửa phòng không Kashtan, 18 tên lửa phòng không 3K95 Kinzhal. Ngoài ra, Kuznetsov còn có khả năng chống tàu ngầm với bệ phóng rocket săn tàu ngầm RBU-12000 UDAV-1.

Dù vậy, tàu Đô đốc Kuznetsov bộc lộ khá nhiều nhược điểm: Số lượng máy bay mang được chưa tới 1/2 khả năng của các tàu sân bay Hoa Kỳ. Con tàu cũng thường xuyên xảy ra những bất ổn về cơ khí. Tàu sân bay Kuznetsov mỗi lần đi biển luôn có một chiếc tàu kéo đi kèm. Nếu động cơ của tàu sân bay gặp sự cố, tàu kéo này sẽ làm nhiệm vụ kéo tàu sân bay về cảng. Đây là vấn đề muôn thuở của tàu sân bay Kuznetsov cũng như chiếc Varyag đã bán cho Trung Quốc. Con tàu này từ khi ra đời đã liên tục gặp trục trặc, đến nỗi trong giới binh sĩ Nga tồn tại một câu nói vui: "Nếu anh không tuân thủ kỷ luật, anh sẽ bị phái đến phục vụ trên tàu Kuznetsov".

Hệ thống động lực tàu chiến của các nước trên thế giới đã không còn sử dụng nồi hơi mà sử dụng tua-bin điện và các thiết bị động lực hiện đại khác, nên thiết bị nồi hơi của tàu sân bay Kuznetsov được nhận xét về cơ bản chỉ tương đương "thời kỳ đồ đá" trong ngành động cơ tàu chiến. Một khác biệt của tàu sân bay Nga là các tiêm kích hạm trên tàu Kuznetsov vẫn phải sử dụng kiểu cất cánh nhảy cầu thay vì máy phóng, khiến chúng không thể mang đủ tải trọng vũ khí, làm giảm uy lực của máy bay chiến đấu. Trước khi đem đi đại tu vào năm 2012, tàu đã bị xuống cấp nghiêm trọng do không được bảo trì sau thời gian dài phải neo đậu một chỗ.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng hoài nghi về kinh nghiệm chiến đấu Nga thu được từ đợt triển khai đến Syria. "Đây không thể gọi là chiến đấu mà chỉ là kinh nghiệm tiến hành không kích ở không phận không gặp thử thách nào” - Dmitry Gorenburg, chuyên gia Nga tại CNA, cho hay. Theo giới phân tích, sau khi triển khai đến Syria, tàu Kuznetsov sẽ được đại tu và nâng cấp đáng kể như động cơ và các hệ thống động cơ đẩy, khoang chứa máy bay, cùng mọi thứ liên quan đến các hoạt động máy bay trên boong. Trong bối cảnh nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn như hiện nay, triển vọng chế tạo tàu sân bay thay thế tàu Kuznetsov khá xa vời và nhiều khả năng đây vẫn sẽ là tàu sân bay duy nhất của Nga trong nhiều năm tới.

Các tin khác