Khởi nghiệp - Chấp nhận thách thức và sống có ích

(ĐTTCO) - Trong 10 doanh nhân đạt giải thưởng Doanh nhân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2016, có 1 đại diện cho cộng đồng DN khởi nghiệp là anh TRẦN NGUYỄN LÊ VĂN (ảnh), sáng lập và là Giám đốc điều hành Công ty Vexere với website đặt vé xe khách trực tuyến vexere.com. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với anh để hiểu rõ hơn câu chuyện kinh doanh của Vexere.

(ĐTTCO) - Trong 10 doanh nhân đạt giải thưởng Doanh nhân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2016, có 1 đại diện cho cộng đồng DN khởi nghiệp là anh TRẦN NGUYỄN LÊ VĂN (ảnh), sáng lập và là Giám đốc điều hành Công ty Vexere với website đặt vé xe khách trực tuyến vexere.com. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với anh để hiểu rõ hơn câu chuyện kinh doanh của Vexere.

PHÓNG VIÊN: - Giải thưởng doanh nhân trẻ tiêu biểu anh vừa nhận được vừa là niềm tự hào nhưng hẳn cũng là áp lực để anh và Vexere phải nỗ lực nhiều hơn nữa? 

Anh TRẦN NGUYỄN LÊ VĂN: - Lúc nghe tên mình được xướng lên trong tốp 10 doanh nhân đạt giải thưởng tôi cảm thấy hơi bất ngờ, vì chúng tôi mới chỉ khởi nghiệp có hơn 3 năm mà đã nhận được niềm vui lớn như vậy. Giải thưởng như một động lực cho tôi cũng như các cộng sự của mình trên hành trình tiếp theo, bởi chúng tôi đã thấy được công sức và nỗ lực của mình sau hơn 3 năm được ghi nhận. Nhưng hơn nữa tôi cảm thấy vui cho cộng đồng DN khởi nghiệp vì đã được quan tâm, hỗ trợ. Còn về áp lực, có lẽ không phải có giải thưởng mới có áp lực, mà với những người khởi nghiệp như chúng tôi ngày nào cũng có khó khăn và phải tập quen dần với điều đó, bởi phải kinh qua khó khăn, thử thách DN khởi nghiệp mới lớn lên được.

 Nhân đây tôi cũng xin được chia sẻ những khó khăn trong công việc tôi đang làm là đặt vé xe khách trực tuyến. Đó là phần đông khách hàng của DN là dân lao động ít biết công nghệ, nên hướng họ đến việc mua vé online không hề dễ dàng. Rồi phía nhà xe, lâu nay quản lý thủ công là chính, nay làm sao để họ chuyển qua quản lý bằng công nghệ cũng là một quá trình. Chưa kể ngành vận tải hành khách chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, nhưng luật lệ nhiều điểm còn bất cập, không theo kịp thời đại và công nghệ. Tuy nhiên bằng nỗ lực của mình, Vexere hiện nay đã có một lượng khách hàng hàng tháng khoảng 1,5 triệu người truy cập tìm vé và đặt vé, cũng như có 100 hãng xe đang sử dụng phần mềm của chúng tôi. Đến nay, có thể tự hào mà nói rằng chúng tôi đang góp phần giải bài toán cho ngành vận tải hành khách.  

- Để thúc đẩy khởi nghiệp TPHCM đang có khá nhiều chương trình hỗ trợ DN. Vậy anh và DN mình đã  tiếp cận với chương trình nào hay chưa?

 - Tôi có đọc thông tin qua báo chí và biết được một số chương trình như TPHCM hỗ trợ đến 2 tỷ đồng cho mỗi dự án khởi nghiệp tiềm năng. Tôi cảm thấy mừng vì chính quyền TP đang thực sự quan tâm đến cộng đồng khởi nghiệp, đó là tín hiệu lạc quan cho chúng tôi. Nhưng điều tôi lo lắng là tốc độ giải ngân của nguồn vốn này như thế nào, thời gian, quy trình xét duyệt ra sao vì DN khởi nghiệp không có nhiều thời gian. Chẳng hạn, từ khi được duyệt cho tới lúc giải ngân kéo dài 1-2 năm có khi DN khởi nghiệp đã chết trước khi tiếp cận được vốn.

Riêng với Vexere, từ khi chúng tôi thành lập đã tham gia nhiều chương trình như vườn ươm khu công nghệ cao và đã được hỗ trợ về mặt pháp lý, sở hữu trí tuệ, giúp chúng tôi sớm hình thành website vexere.com. Hay khi chúng tôi đạt giải thưởng Starup Wheel cũng nhận được sự trợ lực từ Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), như kết nối với các trường đại học để chúng tôi có thêm khách hàng, có đội ngũ cố vấn cho DN khởi nghiệp... Đây là sự giúp đỡ, hỗ trợ rất cần thiết cho các DN khởi nghiệp.

- Nhân nói câu chuyện vốn, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn đầu tư từ các quỹ như Vexere đã gọi vốn từ CyberAgent Ventures và Pix Vine Capital?

- Ở Việt Nam nhà đầu tư rất dè dặt trong câu chuyện đầu tư nên các DN khởi nghiệp không dễ tìm vốn đầu tư. Riêng với chúng tôi khá may mắn khi gặp được CyberAgent - một quỹ đầu tư rất tích cực ở Việt Nam hiện nay. Mặc dù có quỹ đầu tư ngoại nhưng việc điều hành hoạt động của công ty vẫn do chúng tôi thực hiện, còn nhà đầu tư tư vấn thêm về chiến lược. Riêng về kinh nghiệm gọi vốn tôi muốn chia sẻ từ thực tế công việc của mình. Trước đây tôi quan niệm khi gọi vốn đầu tư mình chỉ cần gửi cho nhà đầu tư đã chọn kế hoạch kinh doanh, sau đó họ mời mình tới trao đổi, nếu 2 bên thống nhất họ sẽ đầu tư cho mình. Nhưng sau này tôi nhận ra mọi chuyện không phải như vậy. Bởi hiện nay số lượng quỹ đầu tư ở Việt Nam không nhiều, nhà đầu tư lại dè dặt. Từ thực tế này, theo tôi ngay từ khi có ý định khởi nghiệp, DN phải có suy nghĩ là không có nhà đầu tư mình vẫn làm được, để từ đó mình càng phải cố gắng tạo ra kết quả kinh doanh tốt nhất nhằm tạo niềm tin, thu hút nhà đầu tư đến với mình. Và khi nhà đầu tư thấy đường hướng kinh doanh của mình khả thi họ sẽ không ngần ngại rót vốn.

Vexere có 1,5 triệu lượt người truy cập đặt vé mỗi tháng.

Vexere có 1,5 triệu lượt người truy cập đặt vé mỗi tháng.

- Một đơn vị từng được xem là đối thủ của vexere.com là Pasoto.com đã được chuyển nhượng cho đối tác ngoại chuyên kinh doanh vé online như xe khách, tàu lửa, máy bay… Điều này có khiến anh cảm thấy áp lực?

- Tôi thường nhìn mọi thứ theo hướng tích cực, trong trường hợp này cũng vậy, DN nước ngoài hẳn đã nhìn thấy tiềm năng nên mới nhảy vào thị trường Việt Nam và khai thác lĩnh vực này. Còn với DN trong nước có thể sau một thời gian triển khai họ cảm thấy không phù hợp nên chuyển nhượng lại cũng là điều bình thường. Nói thêm về vexere.com, khi làm dự án này ngoài đặt vé xe khách trực tuyến tôi còn hướng tới tham gia nhiều mảng trong lĩnh vực du lịch như đặt vé máy bay, tàu lửa, đặt phòng… Nhưng tôi muốn đi chậm từng bước, làm đâu chắc đó nên trước mắt tập trung vào vé xe khách online.

- Khởi nghiệp thật nhiều thách thức nhưng cái anh nhận được về cho mình là gì?

- Tôi nghĩ khởi nghiệp giúp mình trưởng thành hơn. Khi mình làm thuê cho ai đó nếu không thích mình có thể nghỉ. Cái tôi cá nhân rất lớn nhưng khi làm cho chính mình thì không thể tùy tiện, đồng thời phải hạ thấp cái tôi của mình để hợp tác với người khác tốt hơn. Ngoài ra khi khởi nghiệp có nghĩa mình được làm cái mình muốn, cảm thấy sống có ích và đặc biệt là học hỏi rất nhiều. Thông thường Việt Nam luôn đặt việc đến trường lớp rất quan trọng, nhưng khi khởi nghiệp kiến thức còn đòi hỏi hơn rất nhiều. Điều nữa tôi nhận thấy khi khởi nghiệp cần phải có khát vọng làm giàu. Tuy nhiên, cần coi đây là mục tiêu lâu dài để phấn đấu, không nên coi là tiêu chí phải đạt bằng được trong thời gian ngắn, bởi nếu không sẽ rất dễ nản chí nếu thất bại.

- Xin cảm ơn anh.

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, kể từ ngày 13-10-2016 báo SGGP và ĐTTC thực hiện trang chuyên đề: "Thúc đẩy khởi nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp" nhằm ghi nhận ý kiến, tâm tư của doanh nghiệp; đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, hiệp hội ngành nghề nhằm kiến tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi; bình đẳng và bền vững; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước: Xây dựng thành phố khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.

Chuyên trang thực hiện đến hết tháng 5-2017. Ban Biên tập báo mong nhận được nhiều bài viết đóng góp của các chuyên gia, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp các lĩnh vực, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, bạn đọc... Bài viết gửi về tòa soạn theo địa chỉ: dttaichinh@sggp.org.vntoasoan@sggp.org.vn. Rất mong sự cộng tác của Quý vị.

BAN BIÊN TẬP

Các tin khác