CTTC cho vay tiêu dùng: Hạn chế vốn, lãi suất cao

(ĐTTCO) - Hoạt động cho vay tiêu dùng tín chấp đang phát triển mạnh, dư nợ cho vay của các công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên nhắc đến CTTC, điều được nói nhiều nhất là lãi suất cao và nguyên nhân một phần xuất phát từ việc CTTC khó huy động vốn.

(ĐTTCO) - Hoạt động cho vay tiêu dùng tín chấp đang phát triển mạnh, dư nợ cho vay của các công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên nhắc đến CTTC, điều được nói nhiều nhất là lãi suất cao và nguyên nhân một phần xuất phát từ việc CTTC khó huy động vốn.

Khó khăn tìm vốn

Hiện nay, lãi suất cho vay của các CTTC phổ biến ở mức từ 30-40%/năm, thậm chí có những khoản vay tiền mặt áp dụng lãi suất lên đến 60-70%/năm. Lãi suất cho vay tiêu dùng cao cũng dễ hiểu, bởi mức độ rủi ro của các khoản vay không có tài sản thế chấp cộng với chi phí quản lý các khoản vay nhỏ lẻ ảnh hưởng đến chi phí. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ sự hạn chế nguồn vốn của các CTTC. Theo Luật các TCTD năm 2010, CTTC chỉ được nhận tiền gửi của tổ chức, phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG), kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức và vay vốn của TCTD, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài.

Quy định không được huy động vốn từ dân cư đã khiến nguồn vốn của các CTTC bị hạn chế rất lớn. Trong khi đó, muốn phát hành trái phiếu các CTTC phải đăng ký và được NHNN chấp thuận về số lượng phát hành, trường hợp lượng đăng ký mua thấp hơn lượng phát hành phải báo cáo lại chi tiết về số lượng đã phát hành cho NHNN. Theo số liệu của NHNN đến tháng 8-2016, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của các CTTC vượt 277,72%, con số này cũng cho thấy nguồn vốn huy động của các CTTC không đáp ứng được nhu cầu vốn để phục vụ cho vay tiêu dùng của họ.

Không được huy động vốn từ dân cư, khó hút vốn từ tổ chức, nên vốn để các CTTC cho vay chủ yếu là vốn tự có do NH sở hữu cấp hoặc vốn vay từ các nguồn như vay liên NH, vay của tổ chức nước ngoài. Trong đó việc vay vốn lại của các NH phải chịu lãi suất khá cao cũng như khả năng được vay lại khá thấp do các CTTC chủ yếu cho vay tín chấp nên độ rủi ro cao, vì vậy đa số các CTTC chỉ vay vốn từ NH mẹ. Trong khi vay nước ngoài mặc dù lãi suất thấp nhưng CTTC phải chịu các chi phí như phí hoán đổi tiền tệ và phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đẩy tổng chi phí vốn từ nguồn này tăng lên. Một số CTTC đã cải thiện nguồn vốn thông qua các dịch vụ hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư nhưng hiệu quả thu được không cao.

Cuối năm 2013, NHNN đã ban hành Thông tư 34/2013/TT-NHNN, cho phép các TCTD phi NH trong đó có CTTC được phép phát hành các loại giấy tờ có giá, bao gồm CCTG để huy động vốn. Đối tượng mua giấy tờ có giá là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Quy định này được xem đã cởi trói cho các CTTC trong việc huy động vốn, nhất là vốn trung và dài hạn. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cũng cho biết năm 2015 các CTTC đã huy động được 14.000 tỷ đồng thông qua kênh phát hành CCTG và lượng huy động đã đạt 23.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016. Nguồn lực tài chính tăng lên, song lãi suất cho vay của CTTC vẫn chưa giảm nhiệt, bởi các CTTC phải đưa ra lãi suất rất cạnh tranh để thu hút vốn từ các tổ chức. Hơn nữa, quá nhiều CTTC phát hành CCTG, kể cả CTTC có vốn nước ngoài như Home Credit Việt Nam cũng huy động CCTG, khiến việc huy động vốn của các CTTC trong nước gặp không ít trở ngại.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Rủi ro NH bơm vốn cho CTTC

CTCP Truyền thông Tài chính (StoxPlus) vừa công bố kết quả thống kê thị phần cho vay của các CTTC hiện vào khoảng 2 tỷ USD trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng, trong đó FE Credit chiếm 53% thị phần, Home Credit 16% thị phần, HD Saison Finance 12% thị phần và Prudential Finance 11%... Số liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược NH cho biết tỷ lệ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam mới chiếm khoảng 12% trên tổng dư nợ, trong khi các quốc gia khác chiếm khoảng gần 30%. Như vậy dư địa cho lĩnh vực này còn rất nhiều khi Việt Nam có tới hơn 93 triệu dân, thành phần trẻ, mức sống ngày càng được nâng cao. Tiềm năng cho vay tiêu dùng còn nhiều nhưng muốn khai thác các CTTC cần phải có nguồn vốn rất lớn để đáp ứng.

“Phong trào” mua lại CTTC của các NHTM vừa thể hiện mong muốn đẩy được mảng cho vay tiêu dùng lợi nhuận cao, đẩy rủi ro khỏi NH, vừa khai thác sâu thị trường và còn có thể dễ dàng gọi vốn đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, để CTTC lớn mạnh, cần phải có những đối tác chiến lược nước ngoài hỗ trợ cho hoạt động. Vì vậy, hầu hết các NH mua lại CTTC đều dự định sẽ bán vốn cho các CTTC sau sáp nhập lên đến 49%. Đến thời điểm này chỉ có HDBank đã hoàn thành mục tiêu này. Trong khi đó, VPBank đã thông qua kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để bán 49% vốn nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Chính vì vậy trong quá trình hoạt động, để chiếm 53% thị phần như hiện nay, VPBank đã chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng sang CTTC của mình và hỗ trợ lớn về vốn cho đơn vị này. Mới đây, FE Credit đã được NHNN chấp thuận tăng vốn 47%, từ 1.900 tỷ đồng lên 2.790 tỷ đồng và VPBank vẫn sở hữu 100% vốn điều lệ. Việc VPBank tăng vốn cho FE Credit cũng dễ hiểu, vì 1/3 lợi nhuận đến từ công ty con FE Credit. Song cho vay tiêu dùng quy mô lớn đồng nghĩa với rủi ro nợ xấu ở mức cao. Năm 2015, tỷ lệ nợ xấu của VPBank tăng nhẹ so với 2014. Năm 2016, NH này dự kiến dự phòng rủi ro tăng 70% để có thể đối phó với mọi tình huống khủng hoảng trên thị trường. Trên thực tế tính đến ngày 30-6, chi phí dự phòng của VPBank hơn 1.940 tỷ đồng, tăng 118%, tỷ lệ nợ xấu tại NH tăng lên 2,96% so với mức 1,69% hồi đầu năm.

Mặc dù các CTTC chưa có đối tác chiến lược vẫn có thể được NH mẹ hậu thuẫn, nhưng Thông tư 21/2012 của NHNN quy định các TCTD phi NH chỉ có thể vay vốn từ các NH trong nước với kỳ hạn dài nhất 1 năm. Do đó, CTTC chỉ vay được vốn ngắn hạn từ NH mẹ. Trong khi đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các CTTC hiện ở mức 82,35%. Để tránh phát sinh rủi ro khi NH hậu thuẫn vốn cho các CTTC, trong Thông tư 06/2016 của NHNN đã siết lại tỷ lệ này. Theo đó, từ ngày 1-7-2016, CTTC phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 200% xuống còn 100% và sẽ giảm tiếp xuống 90% vào đầu năm 2017 và 80% vào đầu năm 2018. Điều này đồng nghĩa với việc nếu muốn cho vay trung và dài hạn, các CTTC cần phải tăng cường huy động vốn.

Các tin khác