Dè dặt làm game thực tế ảo

(ĐTTCO)-Dù liên tục được dự báo sẽ là tương lai của ngành công nghiệp game thế giới, nhưng việc đầu tư vào dòng game này tại Việt Nam hiện còn khá dè dặt.

(ĐTTCO)-Dù liên tục được dự báo sẽ là tương lai của ngành công nghiệp game thế giới, nhưng việc đầu tư vào dòng game này tại Việt Nam hiện còn khá dè dặt.

 

Sự thành công của Pokemon GO, một dòng game thực tế ảo tăng cường, có thể là liều thuốc hưng phấn nhất thời đối với giới làm game. Tuy nhiên, trào lưu Pokemon rồi cũng hạ nhiệt. Cùng với đó, những trở ngại của việc phát triển game thực tế ảo đang thực sự là một bài toán mà các công ty phát triển game trong nước và trên thế giới phải dè dặt.

Hiện tại, nhóm game thực tế ảo cơ bản gồm 2 dòng: game thực tế ảo (Virtual Reality Games) và game thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality Games). Các game VR có thể tìm thấy trong các bộ thiết bị game thực tế ảo như Oculus Rift hay HTC Vive. Trong khi đó, game AR thì có khá nhiều, nhất là game mobile, với trò điển hình là Pokemon GO. Trong khi game VR tạo ra một thế giới tương tác ảo, khác hoàn toàn với đời thực thì game AR là sự kết hợp giữa không gian ảo và không gian thật, tương tự như việc bắt các con Pokemon trên đường phố thật mà người chơi đang di chuyển.

Tham gia sự kiện Tech Expo 2016  do VietnamWorks tổ chức hồi đầu tháng 10, Gameloft - một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp game Việt Nam đăng tuyển hàng loạt các vị trí để phục vụ cho các dự án mới trong bối cảnh ngành công nghiệp game Việt Nam và thế giới đang tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, bất chấp cơn sốt thực tế ảo, công ty này hiện vẫn chưa có dự án nào cụ thể dành cho dòng game này.

“Hiện tại Gameloft chưa có game nào hỗ trợ VR hay AR. Tuy nhiên nó cũng là công nghệ đang nóng trong nội bộ công ty, hy vọng sớm có sản phẩm hay về công nghệ mới này”, đại diện bộ phận Programmer của Gameloft chia sẻ.

Ông Lê Giang Anh - Giám đốc của JOY Entertainment thẳng thắn nhận định, cho đến nay, game thực tế ảo hầu như không phải là mối quan tâm của các studio game tại Việt Nam. Lý do chính là vấn đề năng lực. Ông Giang Anh ví von, với khả năng mới làm được "một" thì không thể đòi làm "năm" ngay được. Một vài ý kiến khác cũng thêm rằng, tiềm năng của game thực tế ảo hiện cũng khá "ảo" và khó đoán.

Ngay cả Pokemon GO tại Việt Nam cũng là một hiện tượng "sớm nở tối tàn". Ở mức độ rộng hơn, hàng loạt game mobile AR khác cũng đã liên tục được ra mắt trên thế giới nhưng cũng không có thêm một "bom tấn" nào. Đơn cử như Ingress (Niantic) được SensorTower đánh giá trạng thái trên trung bình (B+) với doanh thu toàn cầu khoảng 20.000 đôla trong tháng qua.

Một số tên tuổi đáng nhắc đến trong nhóm game mobile AR hiện tại như: Real Strike (Yii International),  Life is Crime (Red Robot Labs), Parallel Kingdom MMO (PerBlue ntertainment)… chỉ có doanh thu vỏn vẹn 5.000 đôla trên App Store. Hay như Zombies, Run! (Six to Start) đạt doanh thu 20.000 đôla nhưng cũng chỉ được xếp hạng C+ hồi tháng 9/2016.

Theo ghi nhận, hiện tại Việt Nam chỉ mới có studio của VNG xác nhận là đang bắt đầu theo đuổi game VR. “Tương lai của ngành game là AR và VR. Vài năm nữa thôi, giá trị của những game này có thể bằng tổng giá trị của ngành game các năm trước cộng lại. Thật ra, Pokemon GO chỉ là một sơ khởi của AR. Chúng tôi đang đầu tư một loạt dự án về VR. AR thì chưa vì trở ngại kỹ thuật khá nhiều. Các dự án mới này chủ yếu có nội dung theo hướng vui vẻ. Tôi có niềm tin rằng, thị trường Việt Nam thích những điều gì đó vui vẻ, giải trí, hài hài một chút”, ông Nguyễn Nhật Tuyên - Giám đốc VNG Game Studio chia sẻ.

Đầu năm 2016, các công ty nghiên cứu thị trường liên tiếp đưa ra các con số dự đoán từ hàng chục cho đến hàng trăm tỉ đôla tiềm năng của  thị trường VR. Goldman Sachs đánh giá thị trường VR sẽ đạt giá trị 80 tỉ đôla trong năm 2025, với 45 tỉ đôla đến từ mảng phần cứng và 35 tỉ đôla là từ phần mềm. Tuy nhiên, đã có những nghi ngờ rằng, doanh thu này liệu có thể đến phần lớn từ các game VR hay không.

“VR là một công nghệ thú vị nhưng hiện tại, hầu hết tiềm năng và sức hấp dẫn của nó lại nằm bên ngoài lĩnh vực game. Trải nghiệm về thị giác và thính giác trong game vẫn không đủ để nó thu hút nhiều người chơi hơn, bởi vì chơi game thì cần nhiều yếu tố hơn là chuyện bạn có thể nhìn và nghe tốt hơn như thế nào”, tạp chí Forbes bình luận.

Các đây một tuần, kính thực tế ảo PlayStation VR của Sony đã bắt đầu được bán ra tại Anh.  Theo bình luận của giới công nghệ, sản phẩm này sẽ tiếp tục là một phép thử cho triển vọng tăng trưởng của dòng game VR cùng với các thiết bị Oculus Rift của Facebook và HTC Vive của HTC, đã bán ra lần lượt vào tháng 3 và tháng 4 năm nay. PlayStation VR được kỳ vọng sẽ mở rộng lượng người chơi đối với các dòng game VR trên PC vì khả năng kéo giảm chi phí đầu tư phần cứng.

Cụ thể, PlayStation VR có thể kết nối với bộ PlayStation mà không đòi hỏi một PC cấu hình cao như Oculus Rift hay HTC Vive, vốn cần một PC có phần cứng mạnh với tầm giá từ 1.500 USD trở lên. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, phần cứng không thể quyết định được tất cả. Như một gáo nước lạnh tạt vào những tâm trạng cuồng nhiệt, Forbes dẫn lời ông John Carmack - Giám đốc công nghệ của Oculus VR rằng, các game VR hiện "kém có sự đột phá và sáng tạo".

Các tin khác